Tình hình chính trị xã hộ

Một phần của tài liệu Quá trình phát triển kinh tế - xã hội LB Nga dưới thời Tổng thống V.Putin (2000 - 2008) (Trang 25 - 31)

Sau khi lên cầm quyền nhà nước, Tổng thống B.Yeltsin đã khẳng định quyết tâm xây dựng nước Nga đi theo con đường TBCN sau khi Liên Xô sụp đổ là “sự trở lại thế giới văn minh sau khi đã rời bỏ nó trong 70 năm”. Thế nhưng sự suy thoái kinh tế với những chỉ số âm của LB Nga là một biểu hiện của cuộc khủng hoảng toàn diện kinh tế, chính trị và xã hội trong suốt những

năm 90 của thế kỷ XX. Một trong những đặc điểm nổi bật của tình hình chính trị thời kỳ này đó là mâu thuẫn và đấu tranh quyền lực giữa các phe nhóm, đảng phái, trong đó quyết liệt nhất là cuộc đấu tranh giữa lực lượng Tổng thống B.Yeltsin (chủ trương thiết lập chế độ tổng thống) với lực lượng do phó Tổng thống Ruskoi và Chủ tịch Xô viết tối cao Khasbulatov đứng đầu (chủ trương thiết lập chế độ cộng hoà nghị viện). Cả hai bên đều căn cứ vào bản Hiến pháp Liên Xô (1978) với 300 lần sửa đổi để giành vị trí lãnh đạo cao nhất nước Nga. Bất đồng đã trở thành đối kháng, Tổng thống B.Yeltsin đã ra sắc lệnh đặc biệt về quyền điều hành đất nước, cho xe tăng bắn vào trụ sở của Xô viết tối cao giải tán cơ quan này và thiết lập chế độ Cộng hoà tổng thống với bản Hiến pháp 1993. Cuối cùng phe nhóm của Tổng thống cũng giành thắng lợi, nhưng mâu thuẫn chính trị vẫn còn kéo dài mãi trong suốt thập kỷ 90 trong những chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia giữa Tổng thống (cơ quan hành pháp) và Quốc hội (cơ quan lập pháp).

Bên cạnh đó, Chính phủ LB Nga lại liên tục thay đổi trong thập niên 90. Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình, B.Yeltsin 6 lần thay đổi nội các, cách chức 5 Thủ tướng, 45 phó Thủ tướng, 160 Bộ trưởng. Sự lựa chọn đầu tiên là Thủ tướng G.Gaidar rồi đến Chernomyrdin, Kirienko, E. Primacov, S.Stepashin và cuối cùng là sự lựa chọn V.Putin (8/1999). Tính riêng từ tháng 3/1998 đến tháng 8/1998 có 4 Thủ tướng đã bị thay thế. Người giữ chức vụ Thủ tướng LB Nga lâu nhất là Chernomyrdin với gần 6 năm (12/1992 đến 3/1998) và ngắn nhất là S.Stepashin. Sự xáo trộn nhân sự liên tục này làm cho ý tưởng, đường lối cải cách của từng Chính phủ bị gián đoạn, thậm chí lại mâu thuẫn chồng chéo lên nhau. Chính những quyết định “thay ngựa giữa dòng” đối với các thủ tướng từ phía Tổng thống càng làm sâu sắc hơn cuộc “khủng hoảng sâu sắc và toàn diện” của nước Nga [42].

Những biến động chính trị ở nước Nga trong suốt một thập kỷ cầm quyền của B.Yelsin cùng với những rối ren về kinh tế đã làm trầm trọng thêm tình hình xã hội của nước Nga. Mặc dù Chính phủ đã cố gắng đưa ra các chính sách nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và xây dựng một hệ thống an sinh xã hội mới phù hợp với 3 giai đoạn lớn tập trung vào việc hạn chế ở một mức độ nhất định nạn thất nghiệp hàng loạt và tình trạng bần cùng hoá của một bộ phận dân cư, thực hiện dân chủ hoá trong xã hội Nga và cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân. Những chính sách về xã hội được Tổng thống đọc trước Quốc hội trong các Thông điệp Liên bang. Tuy nhiên, nó đã không hoàn thành đúng theo các giai đoạn mà chính phủ đề ra và các vấn đề xã hội vẫn chỉ là mục tiêu và cam kết của Tổng thống cho đến khi ông từ chức.

Quá trình, kết quả cải cách kinh tế thị trường và việc thực hiện các chính sách xã hội của LB Nga trong thập niên 90 đã tác động sâu sắc đến tình hình xã hội với sự thay đổi về cơ cấu giai cấp, đời sống của đa số các tầng lớp nhân dân khó khăn, sự xuống cấp của giáo dục và khoa học, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và sự phát triển của chủ nghĩa ly khai.

Nếu như trong xã hội Xô viết, sự phân tầng xã hội, vai trò quyết định là tiềm năng chính trị. Ngoài bộ phận cán bộ cao cấp của Đảng - Nhà nước, về cơ bản xã hội nước Nga thời Xô viết khá ổn định với ba tầng lớp, giai cấp cơ bản: trí thức, công nhân và nông dân có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong xã hội. Sự phân tầng xã hội nước Nga thời cải cách ngoài sự chi phối của tiềm năng chính trị còn phụ thuộc vào tiềm năng kinh tế, trong đó thể hiện mức độ các nhóm xã hội sỡ hữu nguồn vốn và nguồn vốn đó sẽ sản sinh ra thu nhập, ảnh hưởng đến quá trình phân phối và mức thu nhập, tiêu dùng cá nhân. Trên cơ sở đó, các nhà xã hội học, lịch sử LB Nga phân chia xã hội thành bốn tầng

lớp: tầng lớp trên, tầng lớp trung lưu, tầng lớp bình dân (tầng lớp cơ bản) và tầng lớp dưới [97, 10].

Theo kết quả của Viện các vấn đề xã hội và dân tộc của LB Nga năm 1995, sự phân hoá về trình độ, địa vị kinh tế xã hội của bốn tầng lớp trên là rất lớn. Tầng lớp trên chỉ chiếm 1% dân số và chủ yếu sống ở các thành phố lớn và thủ đô, còn tầng lớp dưới chiếm 75% dân số và sống chủ yếu ở các thành phố nhỏ và nông thôn. Cũng theo cuộc khảo sát của WB năm 1999 cho thấy, có hơn 40% dân Nga có mức thu nhập 40 USD/ ngày, 50% trẻ em Nga phải sống trong các gia đình nghèo và nếu như năm 1989 cả nước chỉ có 2% dân số thuộc diện nghèo (thu nhập bình quân 2 USD/ngày) thì đến năm 1999 con số này tăng vọt lên 23,8%. Theo số liệu điều tra của Viện các vấn đê xã hội và dân tộc, nếu năm 1992, sự chênh lệch thu nhập trong xã hội không vượt quá 4,5 lần, đến 1993 đã tăng lên 7,8 lần và đến năm 1995 là tăng lên 10 lần. Trong đó nếu tính thu nhập 10% của người giàu nhất và 10% số người nghèo nhất thì sự chênh lệch đó lên tới 25 lần [97, 26 - 27].

Thực trạng đó của xã hội Nga là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn của các tầng lớp nhân dân “trong sự so sánh tiếc nuối cuộc sống thời kỳ Xô Viết” và hậu quả là bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh của tầng lớp dưới bằng nhiều hình thức như mít tinh, biểu tình, bãi công… và “tình trạng đang ngày càng có sự phản đối nhất định đối với chính sách của Chính phủ. Sự tiếp tục xấu đi trong tình cảnh của các tầng lớp cơ bản và tầng lớp dưới có thể gây nguy hại đến sự ổn định xã hội” [97, 36].

Cùng với sự xuống cấp của đời sống kinh tế là sự gia tăng của hàng loạt những vấn đề nan giải như: nạn tham nhũng, thất nghiệp, sự gia tăng các tệ nạn xã hội mà lớn hơn cả là vấn đề tội phạm maphia, tình trạng tâm lý, sức khoẻ dân cư đáng báo động. Nhà sử học Nga Danhic đã từng nhận xét:

“Tham nhũng và tình trạng tội phạm tràn lan khắp nơi từ chỗ chỉ xuất hiện ở ngoài lề xã hội chúng lan vào trong trung tâm, từ chỗ chỉ xuất hiện trong lãnh thổ nhỏ bé ban đầu, tới nay chúng đã có mặt ở mọi ngõ ngách trong xã hội... một xã hội tội phạm hoá đó đang là một thực tế ở nước Nga”. Như vậy, tham nhũng đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội Nga trong thập niên 90. Việc thực hiện chương trình tư nhân hoá hàng loạt tài sản khổng lồ của nhà nước đã bị các viên chức của chính quyền Liên bang và địa phương tìm cách để thu lời lớn trong quan hệ với các thương nhân, chủ các tập đoàn tài chính - công nghiệp.

Cùng với nạn tham nhũng, tội phạm cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội LB Nga thời B.Yeltsin. Trong thời gian từ 1991 - 1998, ở Nga xuất hiện nhiều tổ chức maphia, nhiều vụ giết người, cướp của mà điều đáng lo ngại là thủ phạm gia tăng ở trẻ vị thành niên... Cũng do tác động mạnh của thời kỳ chuyển đổi, một bộ phận lớn dân cư chưa thích nghi với điều kiện mới đã bị bần cùng hoá nhanh chóng. Chính bối cảnh này đã làm chấn động tâm lý và thần kinh của họ. Theo thống kê của Bộ Y tế LB Nga chỉ trong vòng 4 năm, từ 1991 - 1994, số người bị bệnh tâm thần tăng từ 12% lên 30%.

Tình trạng suy sụp của nền kinh tế đã để lại hậu quả nặng nề là làm cho số người thất nghiệp ngày càng tăng cao. Và đây cũng là một bài toán nan giải của các quốc gia chuyển đổi như ở LB Nga. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế, số người thất nghiệp ở LB Nga năm 1993 chiếm 5% số người trong lực lượng lao động, thì sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ 1998 lên tới 14,2% số người trong lực lượng lao động [41].

Trong thời kỳ Xô Viết, nếu như giáo dục - khoa học được xem là thế mạnh thì sang thời LB Nga đã bị giảm sút chất lượng nghiêm trọng. Nguyên do ở đây là do chính sách cắt giảm ngân sách cho giáo dục, tăng các khoản học phí trong khi mức sống của người dân không lấy gì sáng sủa do suy thoái

kinh tế. Tình trạng “chảy máu chất xám” kéo dài đã dấn đến hiện tượng các nhà khoa học Nga di cư ra nước ngày càng nhiều, vì thế số lượng cán bộ khoa học trong các cơ sở nghiên cứu giảm hẳn. Chính điều này đã làm suy thoái tiềm năng trí tuệ của LB Nga, dẫn đến sự suy yếu về kỹ thuật công nghệ hiện đại và suy giảm khả năng giúp đất nứớc thoát khỏi khủng hoảng.

Cùng với sự khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội theo đà sụp đổ của Liên Xô và sự đánh giá không đầy đủ của ban lãnh đạo LB Nga trong suốt quá trình chuyển đổi về vấn đề dân tộc, tôn giáo đã tạo điều kiện cho các vấn đề vốn nhạy cảm bùng phát. Đây là cơ sở cho chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố xuất hiện không chỉ ở một nước công hoà mà lan rộng ra nhiều khu vực, đe doạ đến an ninh quốc giá. Điều này tác động ngược trở lại làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội càng thêm sâu sắc. Điểm nóng của các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, chủ nghĩa ly khai là khu vực Kavkavz, trong đó đặc biệt là nước cộng hoà tự trị Chesnia và Dagestan. Lực lượng ly khai ở Chesnia và Kavkav đòi tìm mọi cách để tách hai nước này ra khỏi LB Nga và vì thế cuộc chiến tranh đã nổ ra và kéo dài suốt hai năm 1994 - 1996 để lại hậu quả nặng nề cho cả hai bên.

Người ta cho rằng, cuộc chiến tranh Nga - Chesnia lần thứ nhất nổ ra là do sai lầm của Tổng thống B.Yeltsin, đồng thời cũng tạo điều kiện cho V.Putin bước lên vũ đài chính trị nhờ thái độ và chính sách cứng rắn đối với vấn đền chủ nghĩa ly khai Chesnia trong cuộc chiến Chesnia là thứ hai (1999). Như vậy, tình trạng bất ổn về xã hội này là hậu quả của những nguyên nhân nội tại, khách quan mang tính kinh tế, chính trị, xã hội và những sai lầm trong chính sách dân tộc, tôn giáo của chính quyền LB Nga. Các hiện tượng này luôn là mối đe doạ sự ổn định, an ninh, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của LB Nga.

Có thể nói, từ thực trạng kinh tế - xã hội LB Nga dưới thời cầm quyền của Tổng thống B.Yeltsin (1992 - 1999), chúng ta thấy rằng LB Nga đang đứng trước cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Những thách thức đặt ra cho LB Nga trước ngưỡng cửa thế kỷ mới là hết sức to lớn. Đó là suy sụp của nền kinh tế với những chỉ số tăng âm GDP, sự lạc hậu và mất cân đối của cơ cấu kinh tế kéo theo sự gia tăng của nạn thất nghiệp, đói nghèo và nợ nần triền miên. Sự ảm đạm của nền kinh tế là nguyên nhân làm nảy sinh các vấn đề xã hội gay gắt với tình trạng tham nhũng, siêu lạm phát, tội phạm ma tuý hay cả vấn đề nóng bỏng hơn là chủ nghĩa ly khai, khủng bố ở Chesnia... Vậy trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước LB Nga - Tổng thống B.Yeltsin như thế nào? Và ai sẽ là người đón nhận “di sản” mà người tiền nhiệm để lại khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình? Lịch sử LB Nga luôn có những con người kiệt xuất mà khi lịch sử cần họ sẽ xuất hiện đúng lúc?!

Một phần của tài liệu Quá trình phát triển kinh tế - xã hội LB Nga dưới thời Tổng thống V.Putin (2000 - 2008) (Trang 25 - 31)