d) Cơ sở vật chất
3.3.2. Giải phá, kiến nghị để thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ
Với vị trí là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong quá trình khởi tố - điều tra vụ án hình sự, VKS có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do BLTTHS quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của các cơ quan nói trên, nhằm bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Do vậy, hơn ai hết VKS các cấp phải nhận thức đúng, đủ chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong khởi tố - điều tra các vụ án hình sự được quy định trong BLTTHS và Luật tổ chức VKSND năm 2002. Trước hết đòi hỏi ngành kiểm sát cần tập trung giải quyết triệt để những vấn đề về mặt lý luận như bản chất của các hoạt động tư pháp trong tư pháp hình sự được coi là đối tượng kiểm sát của VKS; phạm vi kiểm sát các hoạt động tư pháp; mối quan hệ giữa chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực tư pháp hình sự... Bởi vì, hiện nay đang có những nhận thức không thống nhất về chức năng của VKS. Đề tài này của chúng tôi được
thực hiện cũng là nhằm mong muốn góp phần giải quyết những vấn đề lý luận nói trên với mục đích để nhận thức đúng, đủ về chức năng của VKS.
Bên cạnh việc nhận thức đúng, đủ về chức năng của VKS trong giai đoạn khởi tố - điều tra các vụ án hình sự, VKS các cấp còn phải thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát của mình. Cụ thể phải thực hiện các yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết các tố giác và tin báo về tội phạm: Để nâng cao hiệu quả công tác đầu tranh chống tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm, VKS các cấp cần tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các tin báo về tội phạm của CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra theo đúng quy định mới của BLTTHS năm 2003. Có biện pháp phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như UBND các cấp, Thanh tra Nhà nước, Thuế, Quản lý thị trường…để kịp thời nắm được các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, từ đó yêu cầu các cơ quan đó chuyển hồ sơ cho CQĐT xử lý. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát để nhân dân hiểu, cung cấp cho VKS các thông tin về tội phạm.
Thứ hai, thực hiện tốt kiểm sát quyết định khởi tố và quyết định không khởi tố vụ án hình sự: Khi CQĐT có quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự, VKS trực tiếp xem xét các quyết định đó có đúng pháp luật hay không. Nếu VKS các cấp làm tốt công tác kiểm sát khởi tố sẽ hạn chế được số lượng vụ án, bị can đã khởi tố sau đó phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội. Muốn làm được như vậy, VKS các cấp phải nắm chắc về số liệu tội phạm đã khởi tố điều tra và tiến hành kiểm sát ngay từ đầu, chỉ chấp nhận khởi tố vụ án và thụ lý kiểm sát điều tra khi đã xác định đầy đủ dấu hiệu phạm tội theo quy định tại Điều 83 BLTTHS, chấp nhận khởi tố bị can để tiến hành điều tra khi có căn cứ quy định tại Điều 103 BLTTHS. Những trường hợp khởi tố vụ án, bị can không có căn cứ phải kiên quyết hủy bỏ
quyết định khởi tố trong giai đoạn kiểm sát khởi tố. Đặc biệt, VKS các cấp cần thận trọng trong việc kiểm sát khởi tố các vụ án về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản" và "tội sử dụng trái phép tài sản" được quy định trong BLHS năm 1999, nếu thấy có dấu hiệu tranh chấp về hợp đồng và chưa đủ dấu hiệu phạm tội thì cương quyết không khởi tố vụ án hình sự, nếu thấy phức tạp thì phải báo cáo ngay cho VKS cấp trên để chỉ đạo. Trong các tranh chấp về hợp đồng dân sự, kinh tế cần chú ý đến thời hạn hợp đồng, vấn đề thanh lý hợp đồng và yếu tố bảo đảm tài sản trong hợp đồng, các vấn đề này cần phải tiến hành kiểm tra xác minh cụ thể ngay từ đầu, nếu chưa đủ căn cứ để chứng minh dấu hiệu chiếm đoạt thì chưa vội khởi tố vụ án.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác kiểm sát các hoạt động điều tra: Như Chỉ thị của Viện trưởng - VKSND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2003 đã nêu: "Để thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chức năng của VKSND, toàn ngành nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giam giữ có căn cứ và đúng các quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội". Trước yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra, theo chúng tôi VKS các cấp phải thực hiện tốt những nội dung cơ bản đó là: Phải hạn chế đến mức thấp nhất việc phải trả hồ sơ cho CQĐT yêu cầu điều tra bổ sung. Muốn làm được như vậy, VKS các cấp phải phân công kiểm sát viên kiểm sát điều tra, theo dõi chặt chẽ quá trình điều tra để đề ra yêu cầu điều tra. Nhất là cần tăng cường công tác kiểm sát điều tra ngay từ đầu, bám sát tiến độ điều tra và việc điều tra của Điều tra viên trong quá trình thu thập chứng cứ. Phải chú trọng kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, đối chất, kiểm tra chặt chẽ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, đảm bảo chất lượng hồ sơ. VKS các cấp cần xây dựng chế độ trách nhiệm rõ ràng đối với các đơn vị nghiệm vụ (ở cấp tỉnh), bộ phận nghiệp vụ (ở cấp huyện) và cán bộ, kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra khi để xảy ra việc trả hồ sơ để
yêu cầu điều tra bổ sung. Khi sơ kết, tổng kết phải gắn việc kiểm điểm trách nhiệm với việc thực hiện chế độ khen thưởng nghiêm minh để có tác dụng động viên khuyến khích người làm tốt, phê phán xử lý đối với hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật nghiệp vụ. VKSND tối cao cần đưa chỉ tiêu chất lượng công tác và hạn chế tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thành chỉ tiêu xét duyệt thi đua công tác hàng năm của cá nhân và đơn vị trong toàn ngành. VKS các cấp phải xây dựng được chế độ báo cáo án giữa thời hạn điều tra và trước khi kết thúc điều tra để kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm của CQĐT cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án từ đó đề ra các biện pháp giải quyết kịp thời, tránh việc hồ sơ kết thúc điều tra chuyển sang VKS mới phát hiện thì khi đó không phát huy được hiệu quả công tác kiểm sát điều tra và sẽ dẫn đến tỷ lệ án phải trả lại yêu cầu điều tra cao. Đồng thời, VKS các cấp phải kiểm sát chặt chẽ việc đình chỉ điều tra của CQĐT, nếu có trường hợp đình chỉ điều tra do không phạm tội và đình chỉ điều tra dẫn đến để lọt tội phạm thì VKS phải báo cáo đầy đủ, kịp thời lên VKS cấp trên trực tiếp, VKS cấp trên trực tiếp phải kiểm tra để kết luận và chỉ đạo biện pháp giải quyết ngay. VKS cấp tỉnh phải nắm chắc số án đình chỉ do không phạm tội của cấp mình và cấp huyện để báo cáo VKSND tối cao, đồng thời tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm người gây ra vi phạm. Có biện pháp quả lý đầy đủ, chặt chẽ số vụ án, bị can bị đình chỉ điều tra, nếu phát hiện việc đình chỉ điều tra trái pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, VKS các cấp kiên quyết hủy bỏ quyết định trái pháp luật đó và yêu cầu CQĐT phục hồi điều tra.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của CQĐT: VKS phải nâng cao trách nhiệm pháp lý của mình trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn có căn cứ và đúng pháp luật. Đối với các trường hợp phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các lệnh bắt khẩn cấp, bắt tạm giam, tạm giam, gia hạn tạm giữ, gia hạn tạm giam, VKS phải nghiên cứu kỷ hồ sơ và chỉ phê
chuẩn khi có đủ căn cứ được quy định trong BLTTHS. VKS các cấp phải có biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng bắt khẩn cấp, đối với trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định căn cứ để phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam thì Lãnh đạo Viện phải trực tiếp xem xét, quyết định, trong trường hợp cần thiết phải trực tiếp gặp hỏi người bị bắt, tạm giữ để làm rõ căn cứ đê quyết định phê chuẩn. VKS các cấp phải tiến hành kiểm sát thường kỳ tại nhà tạm giữ và nhà tạm giam của cơ quan Công an cùng cấp, không cần thiết phải có vi phạm hay có người bị tạm giữ, tạm giam thì mới tiến hành kiểm sát, đây là yêu cầu có tính đặc thù của công tác kiểm sát tại chỗ nhà tạm giữ, nhà tạm giam. Kiểm sát viên khi thực hiện công tác kiểm sát thường kỳ tại nhà tạm giữ, tạm giam phải nắm được tổng số người bị giam, giữ, phân từng loại tạm giữ, tạm giam rồi xem xét các đối tượng bị giam, giữ thuộc đối tượng bị bắt trong trường hợp nào, việc tạm giữ, tạm giam có lệnh hoặc quyết phê chuẩn của VKS hay không… nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam thì VKS cần có kiến nghị với CQĐT có biện pháp khắc phục ngay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.