án hình sự
Việc quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự làm phát sinh mối quan hệ pháp luật tố tụng hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mà cụ thể là giữa CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra với cơ quan VKS. Mối quan hệ này được phản ánh thông qua việc thực hiện chức năng kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự của VKS.
Có thể nói, kiểm sát việc khởi tố là thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS trong giai đoạn khởi tố - điều tra các vụ án hình sự, thông qua việc thực hiện chức năng này VKS có trách nhiệm bảo đảm quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền phải có căn cứ và hợp pháp, kịp thời ngăn chặn ngay từ ban đầu các vi phạm pháp luật của CQĐT. Ví dụ, như việc ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ dẫn đến áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự sai hoặc việc ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự trái pháp luật thì sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Về nguyên tắc, sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tố giác, tin báo về tội phạm, nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì CQĐT phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ngược lại nếu xác định không có dấu hiệu của tội phạm hình sự hay có dấu hiệu của tội phạm hình sự nhưng có cắn cứ không khởi tố vụ án thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tất cả các quyết định này của CQĐT phải được gửi cho VKS để tiến hành kiểm sát việc khởi tố. Bản chất của hoạt động kiểm sát việc khởi tố bao gồm hai nội dung là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố và quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền.
Tính có căn cứ là một nội dung cơ bản mà hoạt động kiểm sát khởi tố hướng vào. Điều 83 BLTTHS quy định: "Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm", Theo quy định trên thì căn cứ duy nhất để khởi
tố vụ án hình sự đó là khi có đủ cơ sở xác định một cách chính xác có dấu hiệu tội phạm đã xảy ra. Còn dấu hiệu tội phạm được xác định trên cơ sở nào thì BLTTHS đã liệt kê ra 5 cơ sở tại Điều 83. Vì vậy, sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh các thông tin về tội phạm, CQĐT xác định chính xác có dấu hiệu tội phạm thì khi đó mới được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để mở cuộc điều tra. Ngược lại khi xác định không có dấu hiệu tội phạm thì CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp mặc dù xác định có dấu hiệu của tội phạm nhưng có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 89 BLTTHS thì CQĐT cũng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Thông qua hoạt động kiểm sát việc khởi tố xét thấy quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT không có căn cứ thì VKS có quyền ra quyết đinh hủy bỏ các quyết định nói trên.
Tính hợp pháp là nội dung quan trong thứ hai mà VKS cần phải xem xét khi thực hiện chức năng kiểm sát việc khởi tố. Nội dung này bao gồm những vấn đề cần xem xét như về thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án; quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nội dung và hình thức của quyết định đó đã đúng theo quy định của BLTTHS chưa…Nếu qua kiểm sát, VKS phát hiện có những vi phạm về thầm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì yêu cầu cơ quan ra quyết định đó có biện pháp khắc phục. Ví dụ, các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm…chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 93 BLTTHS, nếu các cơ quan nói trên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định trên là đã vi phạm về thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Vi phạm đó cần được phát hiện và yêu cầu khắc phục kịp thời.
Qua nghiên cứu và so sánh quy định về thẩm quyền ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự của BLTTHS năm 2003 với BLTTHS năm 1988 thì nhà làm luật đã có những sửa đổi, bổ sung mới, cụ thể như quy định thu hẹp phạm vi khởi tố vụ án hình sự của VKS, theo đó VKS chỉ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong hai trường hợp:
+ Khi hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền điều tra.
+ Khi Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án.
Việc hạn chế như trên là để thống nhất với quy định mới về việc tập trung thống nhất giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ở một đầu mối là CQĐT.
Hơn nữa BLTTHS năm 2003 bên cạnh việc tiếp tục quy định thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan khác được tiến hành một số hoạt động điều tra thì có bổ sung một cơ quan nữa đó là lực lượng cảnh sát biển có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự khi xác định có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực quản lý của mình. Ngoài ra, Bộ luật còn quy định khá rõ thẩm quyền chức danh tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, cụ thể đối với CQĐT theo quy định tại Điều 94 Bộ luật thì Thủ trưởng CQĐT là người ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên trong thực tế Phó thủ trưởng CQĐT trên cơ sở được ủy quyền cũng được ký các quyết định này.
Như vậy, khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự, VKS căn cứ vào các quy định của BLTTHS để tiến hành kiểm sát tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định đó một cách chặt chẽ. Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc khởi tố, VKS phải cùng CQĐT phân loại và xử lý các tố giác, tin báo về tội phạm và giám sát chặt chẽ việc xác minh của CQĐT. Đồng thời phải nắm chắc các cấu thành tội phạm của những hành vi bị coi là tội phạm được quy định trong BLHS, đặc biệt là những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì bảo đảm phải có căn cứ theo quy định của Điều 88 BLTTHS. Còn đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà CQĐT và các cơ quan khác có thẩm quyền điều tra gửi đến, VKS cũng phải xem xét chặt chẽ căn cứ từ chối không khởi tố, bởi vì quyết định không khởi tố vụ án luôn tiềm ẩn khả năng che giấu tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Điều 89 BLTTHS đã quy
định liệt kê ra 7 căn cứ để không được khởi tố vụ án hình sự, do đó nếu quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có một trong các căn cứ quy định tại Điều 89 thì quyết định đó là vi phạm pháp luật và VKS phải ra quyết định hủy bỏ ngay quyết định trái pháp luật đó của CQĐT và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra vụ án.
Đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự của Tòa án khi được chuyển đến VKS để yêu cầu điều tra. Nếu qua kiểm tra, xem xét thấy không có căn cứ thì VKS kháng nghị lên Tòa án cấp trên để xem xét, đồng thời báo cáo cho VKS cấp trên biết. Quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án đã được sửa đổi, bổ sung tại BLTTHS năm 2003, trong đó quy định thay thế "Tòa án" bằng "Hội đồng xét xử" và bổ sung quy định: "Yêu cầu VKS khởi tố". Sự sửa đổi bổ sung này không chỉ là sự hợp lý hóa ngôn từ, mà còn là sự thay đổi cách thức xử lý thông tin về tội phạm của cơ quan xét xử, điều này thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, không phải là Tòa án nói chung mà chính là Hội đồng xét
xử thông qua việc xét xử mà phát hiện dấu hiệu tội phạm;
Thứ hai, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm tại phiên tòa xét xử, Hội đồng
xét xử có hai cách xử lý hoặc là ra quyết định khởi tố vụ án hình sự rồi gửi tới VKS để xem xét, quyết định giao cho CQĐT tiến hành điều tra; hoặc là yêu cầu VKS khởi tố vụ án hình sự. Đương nhiên việc khởi tố hay không khởi tố vụ án theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử phải được VKS thông báo lại.
Như vậy điểm mới của BLTTHS năm 2003 là nhà làm luật đã quy định rõ Hội đồng xét xử mới có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự chứ không phải là " Tòa án" một thuật ngữ chung chung, hơn nữa cũng quy định một cách linh hoạt cho Hội đồng xét xử có hai phương án xử lý khi thông qua xét xử phát hiện được dấu hiệu tội phạm.
Về trình tự, thủ tục kiểm sát việc khởi tố, BLTTHS nước ta đã quy định: "Trong thời hạn 24 giờ quyết định khởi tố của CQĐT và các cơ quan khác được giao thẩm quyền điều tra phải được gửi đến VKS để kiểm sát việc
khởi tố..." (Điều 87 BLTTHS năm 1988). Việc quy định như vậy là đảm bảo cho VKS thực hiện chức năng kiểm sát việc khởi tố được kịp thời, nhằm hạn chế những vi phạm trong việc khởi tố của CQĐT. Mục đích kiểm sát là bảo đảm không một người nào không thực hiện hành vi phạm tội thì họ không thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của luật tố tụng hình sự, như bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, hạn chế các quyền công dân.
Để thực hiện chức năng kiểm sát quyết định khởi tố và quyết định không khởi tố vụ án hình sự, VKS có thể tiến hành thông qua hai phương pháp sau:
+ Trực tiếp tham gia cùng CQĐT phân loại các tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ đầu để xem xét việc quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự ngay, còn nếu thông tin tội phạm nào phải tiến hành kiểm tra xác minh mới xác định có hay không dấu hiệu tội phạm thì yêu cầu CQĐT tiến hành kiểm tra xác minh thông tin đó.
+ Gián tiếp thông qua nghiên cứu các tài liệu liên quan kèm theo quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự mà CQĐT gửi đến. Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu đó VKS có thể xem xét việc khởi tố của CQĐT có đúng hay không.
Tóm lại, thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc khởi tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thông qua đó VKS sẽ loại trừ ngay từ đầu các vi phạm pháp luật của CQĐT và yêu cầu CQĐT sớm có biện pháp khắc phục kịp thời để hạn chế việc khởi tố tràn lan không có căn cứ rồi sau đó phải đình chỉ điều tra hoặc không khởi tố vụ án không có căn cứ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.