Kết cấu trong các tác phẩm du ký

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 49 - 52)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

3.3.Kết cấu trong các tác phẩm du ký

Đối với một tác phẩm văn học, kết cấu luôn là yếu tố nghệ thuật quan trọng. Nếu tác phẩm văn học được ví như một ngôi nhà, thì kết cấu chính là phần kiến trúc của ngôi nhà ấy. Một cách khái quát, kếu cấu được định nghĩa như sau: “Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định” [6,143].

Mỗi thể loại văn học, tùy theo những đặc trưng riêng về nội dung và tư tưởng mà cũng có những cách xây dựng kết cấu khác nhau. Tiểu thuyết trung, cận đại thường kết cấu tác phẩm theo lối chương hồi; tiểu thuyết, truyện ngắn

hiện đại thì mở rộng và sáng tạo hơn về mặt kết cấu, có kết cấu đa tuyến, kết cấu song tuyến, đơn tuyến, kết cấu tâm lý, kết cấu theo dòng ý thức. Về thơ ca cũng có những loại kết cấu riêng như: kết cấu đối đáp, kết cấu so sánh.

Du ký là sự ghi chép của người đi trong những cuộc hành trình. Câu chuyện luôn được kể theo đúng trật tự thời gian, cái gì xảy ra trước thì kể trước, cái gì xảy ra sau thì kể sau, bởi vậy những sự việc, sự kiện cũng được các tác giả ghi lại, sắp xếp theo đúng trật tự tuyến tính như vậy. Kiểu kết cấu của du ký là kiểu kết cấu mang tính ghi chép nối tiếp. Kiểu kết cấu này tuy đơn giản, nhưng chính nó lại làm nên hiệu quả cho thể du ký. Nó cho phép người viết có thể tốc kí lại những sự kiện trên đường đi một cách nhanh và chuẩn xác nhất. Và những câu chuyện được kể lại cũng rõ ràng hơn giúp cho độc giả có thể hình dung dễ dàng.

Với lối kết cấu đơn giản này, đòi hỏi nhiều hơn tài năng kể chuyện, dẫn dắt vấn đề của các tác giả, để câu chuyện không trở nên tẻ nhạt, khô khan. Đọc du ký trên Nam Phong tạp chí, ta dễ nhận thấy sự cố gắng của các nhà văn trong việc xây dựng kết cấu chuyện. Các bài du ký không chỉ dừng lại ở việc thuật việc, thuật người, không chỉ là việc giới thiệu các mốc thời gian, các nơi chốn, địa danh… mà trong đó các tác giả đã khéo léo trích dẫn những dữ liệu về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán. Như tác giả Tùng Vân trong Cuộc đi chơi năm tầng núi, khi dừng chân ở mỗi tầng núi, ngoài việc giới thiệu về vị trí, phong cảnh, nhà văn luôn dừng lại kể về những những nét văn hóa đặc trưng, hay những câu chuyện lịch sử, những sự tích, có liên quan tới nơi ấy. Khi tới tầng núi thứ nhất ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh), tác giả dừng lại giới thiệu về hội hát quan họ, với lịch sử, cách thức, ý nghĩa của nó. Tới núi Bát Vạn, nơi trước kia ông Triệu Đà từng đóng quân ở đây, vậy là nhà văn lại kể lại cho bạn đọc câu chuyện về Triệu Đà, về vua An Dương Vương.

Hay như trong tác phẩm Quảng Yên du ký, khi giới thiệu về tỉnh Quảng Yên, tác giả Nhãn Vân Đình cũng đã đưa ra những số liệu địa lý cụ thể: “Tỉnh có hai phủ: Sơn Định và Nghiêu Phong. Phủ Sơn Định chia làm hai huyện:

huyện An Hưng chia làm 5 tổng, 32 xã; huyện Hoành Bồ, 6 tổng, 32 xã. Phủ Nghiêu Phong chia làm 3 huyện; huyện Vân Hải 1 tổng, 4 xã; huyện An Bác, 4 tổng, 14 xã; huyện Cát Hải, 2 tổng, 14 xã. Tổng kết đinh số được là 1210 suất…” [31,236].

Để cho câu chuyện không bị nhàm chán, khô khan, các nhà du ký còn luôn lồng ghép vào đó những bài thơ, những khúc ngâm, những câu ca dao, những câu Kiều quen thuộc. Nhờ đó mà những câu chuyện ấy luôn tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn đối với người đọc.

Bên cạnh đó, trong lúc thuật chuyện, đôi khi các tác giả vẫn có thể dừng lại để hồi tưởng, kể chuyện quá khứ mà không hề ảnh hưởng gì tới diễn biến cốt truyện. Trong Lời cảm cựu về mấy ngày chơi Bắc Ninh, tác giả Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục đã dành những trang văn để hoài niệm về thủa ấu thơ của mình. Đó là những tâm sự rất chân thành về chính một quãng đời của nhà văn: “ Ký giả tuổi ấu thơ, gặp ngay buổi loạn ly… Ký giả bấy giờ tuổi mới lên năm lên sáu lên bảy, thân mẫu với một người thứ mẫu thường phải ẵm, phải dắt ở trên tay, khi chạy đêm chạy ngày, khi ở đây ở đó, khi chui vào bụi rậm, khi lội qua đồng sâu, khi lẽo đẽo ở dọc đường, khi xông pha trên bãi cát…” [30,402-403]. Tác giả Phạm Quỳnh, trong Pháp du hành trình nhật ký, khi đang chu du ở Paris xa xôi, cũng đã nhớ về gia đình, về các con: “Nhân vào khu bán các đồ chơi trẻ con, mua mấy thằng phệnh, con thú và cái xe, để gửi về lũ trẻ ở nhà cho kịp tết tháng Tám… nghĩ tới chúng nó lại càng thêm nhớ; nhưng mình nhớ nhà có lẽ nhà lại nhớ mình hơn…” [31,551]. Hay như Nguyễn Bá Trác với những phút giây hồi tưởng trong Hạn mạn du ký: “Bấy giờ ngồi một mình, hồi tưởng cảnh ngộ sinh bình, lịch lịch như in trong tâm khảm! Nào những lúc đang vùi đầu chốn tràng ốc, cùng chúng bạn quyết tranh lèo giật giải… Lại những lúc cười trăng cợt gió, một năm trời vui thú Hành Sơn… Lại nhớ lúc làm ruộng Cẩm Nê, thầy trò dìu dắt…” [29,87

Như vậy, kết cấu của du ký tuy đơn giản, nhưng các tác giả vẫn có những cách xử lý khéo léo, tinh tế giúp cho những bài du ký không chỉ bớt đơn điệu mà

còn dung chứa nhiều giá trị khác ngoài giá trị văn học như: địa lý, lịch sử, kiến trúc, văn hóa truyền thống…

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 49 - 52)