Tình hình chính trị xã hộ

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 35 - 37)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

2.1.4.Tình hình chính trị xã hộ

Một tác phẩm du ký ngoài việc dung chứa những giá trị lịch sử, giá trị địa lý, ngoài những trang viết giới thiệu về văn hóa, phong cảnh, đôi khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội. Đọc du ký trên Nam phong tạp chí, người đọc dễ nhận thấy những vấn đề liên quan tới tình hình xã hội của đất nước không được các tác giả nói tới một cách trực tiếp mà nó chỉ được tái hiện trong những lời bàn luận, trong những trang viết chung về địa dư văn hóa, về sự sinh hoạt của người các vùng miền. Nhưng qua các tác phẩm du ký, độc giả cũng phần nào thấy được một cách khái quát những yếu tố kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.

Trong tác phẩm Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn, tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H đã thuật lại cuộc hành trình của mình từ Hà Nội vào Sài Gòn. Trong bài du ký ấy, tình hình kinh tế, xã hội của nhiều tỉnh thành đã ít nhiều được phản ánh qua những lời nhận xét, đánh giá của chính tác giả. Ông nhận thấy: “Thanh Hóa buôn bán bình thường vì không tiện đường thủy, nhà máy sợi, máy diêm, cũng đều ở bờ sông Hàm Rồng, cách thành phố ba bốn cây”; sự kinh tế của Hà Tĩnh cũng không được sầm uất. Tới Phan Rang, Biên Hòa, đặc biệt là Sài Gòn, thì ông cho rằng đó thực sự là những tỉnh thành, thành phố của phát triển của đất nước.

Một tác giả khác là Đặng Xuân Viện trong Thụy Anh du ký cũng đã bàn tới tình hình đời sống kinh tế của người dân vùng biển Thái Bình. Người dân nơi đây, không chỉ sống với nghề nông nghiệp mà còn phát triển nhiều ngành nghề khác như: nghề làm muối, nghề làm thuốc lào, nghề đánh cá.

Nói tới tình hình kinh tế, xã hội của đất nước phải kể tới những bài du ký của Phạm Quỳnh. Ông là người đi nhiều, hiểu biết, vì thế luôn đưa ra những nhận xét khá đúng đắn. Qua bài du ký Một tháng ở Nam Kỳ của ông, người đọc có thể hình dung cuộc sống, sự phát triển của của nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn. “Hải Phòng thật là đáng làm nơi đô hội thứ nhì xứ Bắc Kỳ… Hải Phòng còn đương vào cái thời kỳ trai trẻ, chưa biết lớn đến đâu, thịnh đến đâu là cùng”, còn Sài Gòn – “hạt báu của Á Đông”, theo ông nó hơn tầm cả với Hương Cảng, Thượng Hải, Tân Gia Ba về cách sửa sang, sắp đặt, về quy mô các con đường, về cái vẻ sạch sẽ, mĩ miều khả ái, “trơn tru mà sán lạn như hạt châu mới rũa”.

Nghề làm báo và làm sách cũng được Phạm Quỳnh nói tới khi bàn về tình hình văn hóa của người Nam Kỳ. Đó là hai nghề phát triển rất thịnh ở Nam Kỳ, mà theo ông Bắc Kỳ và Trung Kỳ cần học tập. Ông lại bàn tới việc học chữ quốc ngữ, làm văn quốc ngữ của dân ta. Ông nhận thấy: “Chữ quốc ngữ thì đã thông dụng lắm rồi, đàn bà con trẻ thường biết đọc biết viết cả; nhưng đến văn quốc ngữ thì xem ra chửa phát đạt lắm”. Ông còn phê phán một bộ phận những bậc thượng lưu, những người có học thức thông giỏi chữ Pháp coi thường tiếng An Nam, cho là một thứ đê tiện để cho những hạng tầm thường dùng mà thôi. Tác giả bàn tới chữ quốc ngữ, quốc văn, như một vấn đề đặc biệt quan trọng cho sự phát triển, tiến bộ của nền học thức nước nhà.

Về tình hình xã hội, Phạm Quỳnh nhiều lần nói tới họa Chệt, họa Chà gây nhiều nguy hại tới người dân nước ta. Tác giả Trần Trọng Kim, trong Sự du lịch đất Hải Ninh cũng không khỏi bất bình, lo lắng trước sự xâm chiếm tràn lan của người Khách trên đất Hải Ninh: “Hiện như bây giờ cả một tỉnh Hải Ninh, bao nhiêu quyền lợi, mười phần thì chín phần rưỡi vào tay người Khách và người

Nùng hết cả. Ai ai đi đến đấy trông thấy tình cảnh như thế cũng phải lấy làm nóng ruột” [30,46].

Một vấn đề xã hội khác cũng được các tác giả quan tâm, đó là sự di dân của một bộ phận dân cư người An Nam sang Ai Lao: “Người Nam ta ở Vientiannei

có tới năm sáu nghìn người, Nam Kỳ có, Trung Kỳ có, Bắc Kỳ có, nam phụ lão ấu, sĩ nông công cổ, đủ các hạng, thật là hoàn toàn một cái xã hội Việt Nam di cư sang đất Lào. Ai nấy làm ăn vui vẻ, phố xá đâu có người An Nam là có vẻ sầm uất cả” [29,431]. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề di dân này, nhưng tác giả Phạm Quỳnh trong Ai Lao hành trình vẫn cho rằng: “Đất Ai Lao vẫn rộng rãi, có đủ chỗ dung được mọi người. Người An Nam sang ở đấy không sợ bao giờ đến đông quá mà trở ngại cho người Lào. Hiện nay và sau này, bao giờ người Nam cũng là cần cho sự mở mang kinh tế xứ Ai Lao vậy. Người trí thức trong bản xứ không nên ác cảm với người Nam mà nên hoan nghênh người Nam mới là phải” [29,458].

Riêng tình hình chính trị của đất nước thì gần như không được các tác giả du ký nói tới. Trong những bài du ký của mình, tác giả Phạm Quỳnh có nhắc đến nhà nước bảo hộ Đại Pháp. Tuy nhiên ông vẫn luôn có ý bênh vực dân tộc mình, ông cho rằng: muốn Pháp - Việt đề huề thì lợi ích của hai nước phải được đề huề. Có những lúc ông cũng đã nghi ngờ về tư tưởng “Pháp - Việt đề huề” người Pháp đặt ra: “ tôi thiết tưởng rằng cái chủ nghĩa ấy cứ lấy lý thuyết thì còn gì hay bằng, mà cứ thực sự thì khó lòng mà thành hiệu được”,“Người Tây bao giờ cũng giữ bề trên, người Nam bao giờ cũng chịu phần dưới, có bình đẳng đâu mà thiệt lòng thân ái như anh em một nhà được” [30,227].

Như vậy, dù không được đề cập nhiều, nhưng qua các tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, phần nào người đọc đã thấy được tình hình chính trị - xã hội của đất nước ta những năm đầu thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 35 - 37)