Giá trị lịch sử

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 26 - 29)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

2.1.1.2.Giá trị lịch sử

Du ký, ngoài giá trị văn chương, giá trị địa lý còn là một kho tư liệu quý về lịch sử. Các tác giả du ký không chỉ quan tâm đến hiện tại mà còn xúc động dựng lại truyền thống bất khuất của cha ông. Những danh nhân lịch sử, những truyền thuyết, sự tích được tái hiện lại trong hàng loạt các tác phẩm như: Một buổi đi xem đền Lý Bát Đế (Phạm Văn Thư), Bài ký chơi Cổ Loa (Tùng Vân),

Mười ngày ở Huế (Phạm Quỳnh), Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh (Nguyễn Đức Tánh), Thăm lăng Sĩ Vương, Nam du đến Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Thuật) … Những truyện lịch sử, những truyền thuyết ấy có khi được các tác giả trực tiếp kể lại, cũng có khi nó được gợi lên một cách gián tiếp trong câu chuyện về một danh thắng, một vùng miền khi “mắt đã được trông, tai đã được nghe, tinh

thần đã cảm cái hồn xưa của loài giống, thân thể đã gội cái khí thiêng của núi sông” [29,25].

Viết về lịch sử, có những tác giả đi vào việc kể lại truyện các danh nhân, các nhân vật anh hùng, với một thái độ ngợi ca, trân trọng sâu sắc. Trong bài du ký Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh, tác giả Nguyễn Đức Tánh đã dành nhiều trang văn viết về lịch sử ông Nguyễn Xí, ông Nguyễn Đình Đắc vốn là những người con của đất xứ Nghệ, là những bậc anh hùng của dân tộc.

Tác giả Đông Châu trong Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình, khi viết về đỗng Hoa Lư đã nhắc tới vị tướng Đinh Bộ Lĩnh - con người đã “ ứng thời vận mà sinh ra lúc bấy giờ, lập ngay nên được cơ đồ thống nhất” [30,128]. Đặt chân lên mảnh đất Ninh Bình, tác giả đã có ngay những cảm tưởng, suy nghĩ về lịch sử, về truyền thống cha ông: “Ấy cuộc đi chơi này chúng ta đối về phương diện lịch sử thì ai là chẳng cảm tưởng đến sự nghiệp vua Đinh, vua Lê; mà đối về phương diện cổ tích thì chúng ta hãy còn trông thấy có cổ miếu, có sơn lăng, ai là chẳng nức lòng kính ngưỡng” [30,130].

Tác giả Phạm Quỳnh qua du ký Mười ngày ở Huế, cũng đã lần lượt giới thiệu với bạn đọc câu chuyên các vị vua triều Nguyễn trong khi thuật chuyện đi thăm các lăng tẩm.

Ngoài các danh nhân văn hóa, các nhân vật anh hùng, thì những truyền thuyết về các đền miếu, các địa danh, các vùng miền cũng được nhiều tác giả quan tâm. Viết về vùng đất Quảng Xương, ngay phần mở đầu bài du ký, tác giả Thiện Đình đã nói về sự tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, là những di tích của mảnh đất này: “Tục truyền đời xưa, xã Tường Lệ đêm hôm mồng bảy tháng Giêng. Mưa to gió lớn, nước ở ngoài bể dâng lên ngập ngang núi, chung quanh núi bao nhiêu cây cối đổ dập cả xuống đất, dân cư chỗ ấy lấy làm kinh sợ, hôm sau có người trèo lên đỉnh núi xem, thấy có dấu chân rất lớn in trên hòn đá, dài hơn một thước, dân cư không ai hiểu vết chân ấy có tự bao giờ, và không biết dấu chân đức thần nào mới hiện ra đó. Đến ngày mười bảy tháng ba năm ấy, bỗng có một trăm cây gỗ lim tự ngoài bể trôi vào đến chân núi, dân cư chỗ ấy

mới nhân gỗ ấy lập đền thờ ở chỗ vết chân ấy gọi là đền Thượng, giữa lại làm một cái đền gọi là đền Trung, dưới chân lập một cái đền nữa gọi là đền Hạ” [31,73-74].

Giống như tác giả Thiện Đình, tác giả Nguyễn Đức Tánh khi dừng lại ở mỗi một địa danh, cũng không quên ghi lại sự tích về nơi ấy. Trong bài ký Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh, tác giả đã kể lại sự tích đình làng Hoành Sơn, sự tích Ngũ Long (tục gọi là đền Thánh Mẫu), sự tích chùa Diên Quang là những nơi tác giả đi qua.

Viết về lịch sử, cũng đôi khi chỉ là những truyền thuyết xưa, nhưng được các tác giả kể lại, nhìn nhận và đánh giá với những quan niệm riêng. Đọc Bài ký chơi Cổ Loa của Tùng Vân, độc giả không chỉ được nghe lại những câu chuyện xung quanh truyền thuyết An Dương Vương, mà còn được nghe những lời luận bàn của người viết: “Oan có thể giải được, cái oan ấy không kỳ, oan mà không có thể giải được, cái oan ấy mới kỳ” [29, 498]. Nói về nỗi oan của Mỵ Châu, dẫn giải nhiều lý lẽ, cuối cùng tác giả kết luận: “Lịch sử nàng hình như có thắt mà không có cởi. Cho nên khi luận đến lịch sử nàng, mực với nước mắt cũng khá dồi dào, duy đến triết lý thì khô khan. Rút lại chỉ phê vào lịch sử nàng được có một câu rằng “Đau đớn thay phận đàn bà” mà thôi” [ 29,499].

Qua các trang du ký, từ những cổ tích, truyền thuyết, tới những câu chuyện có thực trong lịch sử về các nhân vật anh hùng, các triều đại, các di tích… đã được tái hiện một cách phong phú, sinh động. Những câu chuyện lịch sử vốn “khô khan” thì nay, được kể lại dưới con mắt của những nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu; được kể lồng ghép giữa các câu chuyện về thiên nhiên, phong tục tập quán, bỗng trở nên hấp dẫn, cuốn hút. Để viết được những câu chuyện lịch sử như vậy, chứng tỏ những nhà du ký phải rất am hiểu lịch sử, cũng như có một tấm lòng yêu nước chân thành, sâu sắc.

Nhắc lại, ngợi ca lịch sử dân tộc, các tác phẩm du ký đã góp phần lưu giữ và truyền lại truyền thống anh hùng, cũng như khơi thêm tinh thần yêu nước thương nòi trong mỗi thế hệ những người dân đất Việt. Những tác phẩm du ký

đậm chất lịch sử ấy, đặc biệt có giá trị trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, khi đất nước đang bị thực dân Pháp ngoại xâm, khi niềm niềm tự tôn dân tộc hơn bao giờ hết cần được khẳng định và nâng cao.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 26 - 29)