Phong cảnh, danh thắng

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 29 - 33)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

2.1.2. Phong cảnh, danh thắng

Du ký là những trang viết khi đi đường, ghi lại những nơi, những việc mà chính người đi mắt thấy tai nghe. Đọc du ký, trước tiên độc giả sẽ được thưởng ngoạn muôn vàn cảnh trí, sẽ được mở rộng tầm mắt rộng khắp đất nước và trải dài ra cả ngoài nước. Với 62 tác phẩm du ký, các tác giả đã cho người đọc thấy non sông đất nước Việt Nam từ Bắc chí Nam, suốt một dải chữ S, nơi đâu cũng đẹp cũng diệu kỳ. Các danh lam, thắng cảnh, từ Tuyên Quang, Cao Bằng tới Hà Tĩnh, Sài Gòn, từ vùng núi tới hải đảo, từ miền ngược tới miền xuôi, đều được tả lại một cách tỉ mỉ, sinh động trong những trang văn của những nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu. Nếu trước đó, người dân ta vốn chỉ quen cuộc sống trong lũy tre làng, nơi này không biết nơi kia, thì nay nhờ du ký họ có thể “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”.

Đó là cảnh biển nên thơ trong Chơi Phú Quốc của tác giả Mộng Tuyết: “Bãi cát trắng phau, chạy dài hàng mấy nghìn thước. Ngoài khơi xa, lác đác mấy chiếc thuyền đánh cá, cánh buồm trắng in vào đám mây hồng. Bên rặng núi mờ xanh, nhởn nhơ đàn nhạn lạc, tạo thành một bức tranh ảnh khổng lồ tuyệt đẹp (…). Cảnh đêm ở giữa biển thật có vẻ thần bí lạ. Mấy chòm cù lao nằm êm lặng trên mặt nước âm thầm. Thỉnh thoảng một con cá lội qua làm xao động mặt nước hiện ra một vệt sáng trắng lòe, rồi lại tan ngay” [29,392].

Là cảnh đẹp của động đá được tác giả Đông Hồ ghi lại trong bài du ký

Cảnh vật Hà Tiên: “… Đến cây cột trụ này thì lại càng qúy lạ lắm. Suốt từ trên chí dưới trên mặt cột như cẩn muôn ngàn hột ngọc kim cương măng mẩn. Có bóng đèn rọi vào, ánh sáng lại càng tôn, muôn điểm ngàn người lấp la lấp lánh bày ra một cái vẻ đẹp truyệt trần…từ cây cột kim cương ấy vô nữa thì đá bắc liền nhau, nghiêng nghiêng trông như một cây thang bắc trong một nơi cung điện nào” [29,631].

Theo chân tác giả Đặng Xuân Viện, người đọc có thể tham gia vào cuộc

Định Hóa châu du ký, để thấy được vẻ đẹp của những danh thắng như sông Hương, cửa Hàn, Ngũ Hành sơn: “Sông Hương là một cảnh danh thắng trong hai mươi cảnh ở kinh thành, đã từng liệt vào đồ họa và phẩm đề từ thuở tiền triều, gọi là “Hương giang vãn phiếm”. Tác giả không chỉ giới thiệu cảnh mà còn đưa ra những nhận xét và cảm nhận của riêng mình, khiến cho cảnh vật càng trở nên sinh động và gần gũi: “Ngày nay bức họa phong cảnh ấy lại nhuận sắc thêm vào những nét mới, lại càng thêm hoạt động. Một dải tràng giang phân đôi thành thị, hai bên bờ san sát thành quách, lâu đài, phố xá, chợ búa, hoa cỏ in xuống mặt nước long lanh” [30,217-218]. Hay đây là cảnh Ngũ Hành Sơn được tác giả miêu tả chi tiết, từ lịch sử tên gọi của nó: “Ngũ Hành Sơn là một chòm núi bằng đá hoa lô nhô ở xã Du Xuyến, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia tỉnh Quảng Nam. Chòm núi ấy có năm quả lớn gần nhau, người ta lấy tên năm vị sao kinh tinh là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đặt tên cho từng quả một mà tóm gọn là Ngũ Hành Sơn”[31,227].

Nếu như cảnh Ngũ Hành sơn hùng vĩ, uy nghi thì tới với cảnh Bà nà, trong

Bà nà du ký của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, độc giả có thể đứng trên đỉnh núi cao, mà phóng tầm mắt bao quát cả một khung cảnh nên thơ: “Phong cảnh thì tứ bề non cao chồng chất, chớn chở như thành lũy pháo đài, dưới thì làng mọi ruộng nương lúa bắp xanh tốt như chàm…trông ra cửa biển mênh mông bát ngát, ngó xuống bình nguyên giang sơn gấm vóc, phô bày giữa quảng trời Nam”[30,64].

Các danh thắng của đất nước, mỗi nơi mang một vẻ đẹp, một bản sắc riêng. Đó có thể là cảnh núi non, cảnh biển mênh mông hay chỉ là một dòng sông trong đêm trăng, một miền quê trù phú… nhưng tất cả đã hiện lên chân thực và sinh động dưới những trang du ký. Viết về những danh lam thắng cảnh của đất nước, các tác giả đã thể hiện rõ một thái độ ngợi ca, một tình yêu tha thiết dành cho quê hương, cho dân tộc mình. Và tình yêu ấy, dường như còn truyền sang cả bao thế hệ những người đọc du ký.

Không chỉ miêu tả, ngợi ca những cảnh đẹp của đất nước, mà trong những chuyến hành trình vượt ra ngoài biên giới, các tác giả còn giới thiệu cho bạn đọc biết bao địa danh, phong cảnh trên thế giới. Trong những tác phẩm như: Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Pháp du hành trình nhật ký, Du lịch xứ Lào của Phạm Quỳnh, Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến, hay Trên đường Nam Pháp của Tùng Hương, những xứ sở xa xôi, đã được các tác giả nhìn nhận và đánh giá một cách khá tinh tế và sâu sắc. Đây là quang cảnh Nam Vang (Phnompenh), kinh đô Cao Miên dưới con mắt của tác giả Trần Quang Huyến: “Dinh vua lộng lẫy, cung điện oai nghi. Ở gần đấy có chùa Vàng, chùa Bạc, cảnh đẹp có tiếng; trong có tượng tuyền bằng vàng, bằng bạc, lại lắp mặt kim cương lóng lánh, còn lắm đồ kim ngân châu báu, coi rất kỳ lạ. Ở bến tàu trông lên, tháp cao mấy từng, lầu cao mấy mái, chót vót lưng trời, ánh lồng đáy nước. Suốt một dọc sông, lâu đài quang cảnh, thiệt là ngoạn mục”[31,261].

Khi đứng trước những danh thắng, những cảnh vật của nước bạn, các tác giả thường không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, mà còn luôn đưa ra những nhận xét, đặc biệt là những đánh giá, so sánh cho thấy sự am hiểu sâu sắc của người viết. Trong Du lịch xứ Lào, Phạm Quỳnh đã dành những trang viết về tín ngưỡng Phật giáo, về chùa chiền của nước bạn: “Ở Sisaket có một cái chùa lớn ở giữa, chung quanh là các tăng xá cho các sư ở. Bao nhiêu tượng Phật bằng đồng, bằng đá, bằng gỗ, lớn nhỏ các hạng, sưu tập ở các nơi chùa cổ am xưa ở các nơi đổ nát, đều đem họp cả lại về đây. Tượng đủ các hình, nào tượng Phật ngồi tòa sen, nào Phật thề với đất, Phật nguyện chúng sinh, Phật dẹp song dục, toàn là những kiểu phổ thông bên Lào, bên Xiêm, các tượng Phật bên ta không có đủ như thế, ở một chùa Sisaket này tượng Phật tính cả thảy được ba bốn nghìn pho” [29,434].

Trong các tác phẩm viết về những cuộc hành trình vượt ra ngoài biên giới, phải kể tới tác phẩm Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác. Bài viết đã ghi lại một hành trình dài của nhà văn qua các đất nước như: Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc… Khi dừng chân ở vùng đất nào, tác giả cũng ghi lại những phong cảnh,

những vẻ đẹp mang tính đặc thù của đất nước ấy, giúp cho người đọc có sự hình dung một cách cụ thể, rõ nét về các nước bạn.

Có thể nói chính những trang du ký đó của các nhà văn, đã rút ngắn khoảng cách, góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau, giúp cho đồng bào ta được mở mang tầm mắt và nhận thức về thế giới.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w