Thể du ký sự dung hợp của các thể loạ

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 42 - 46)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

3.1.Thể du ký sự dung hợp của các thể loạ

Du ký là một thể đặc biệt của văn học, bởi trong một tác phẩm du ký thường có sự kết hợp của nhiều thể loại khác nhau. Không phải riêng thể du ký mới mang đặc điểm nghệ thuật ấy, mà ngay trong những tác phẩm văn học trung đại, người ta đã bắt gặp sự dung nạp của nhiều thể loại trong các tác phẩm ký, hay truyền kỳ. Ở đó, các tác giả có thể cho phép cùng lúc trong một tác phẩm văn xuôi tự sự, có sự xuất hiện của các thể văn khác như: thơ trữ tình, câu đối, hát nói, khúc ngâm… Bước sang thế kỷ XX, thể du ký từ một thể loại nằm ở vùng ngoại biên của nền văn học trung đại, đã dần phát triển và trở thành một thể loại trung tâm của văn học. Và bên cạnh những cách tân, du ký đầu thế kỷ vẫn tiếp tục mang những đặc trưng nghệ thuật truyền thống. Đọc du ký trên

Nam phong tạp chí, người đọc vẫn nhận thấy sự kết hợp của nhiều thể loại văn học khác nhau.

Trong các bài du ký trên Nam Phong tạp chí, văn xuôi tự sự vẫn là thể loại chính, nhưng các tác giả đã khéo léo lồng ghép những bài thơ, những câu hát, những bài ca dao, tục ngữ… xen lẫn những đoạn văn tả cảnh hay bình luận. Thơ trữ tình là thể loại được các tác giả du ký sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm của mình. Trong Cuộc chơi trăng sông Nhuệ của Mai Khê có 6 bài thơ, Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình của Đông Châu có 8 bài, Hành trình chơi núi An Tử của Nguyễn Thế Hữu có 36 bài, Mấy ngày chơi Thất Khê của Nguyễn Thế Xương có 39 bài, Tây Đô thắng tích của Thiện Đình có 7 bài, Ai Lao hành trình

của Trần Quang Huyến có 19 bài… Đó có thể là những câu thơ của chính những nhà du ký trên mỗi đoạn đường đi qua, tức cảnh mà ngụ tình. Trong Ba nà du ký, tác giả Huỳnh Thị Bảo Hòa khi đứng trước tảng đá Ông Phơi trên trại Gia Long và được nghe sự tích về tảng đá này, đã bồi hồi tặng hai câu thơ:

Trải mật phơi gan cùng nhật nguyệt Bền chân đứng vững với sơn khê.

Tác giả Trần Quang Hoàng khi tới thăm vùng đất Bàn Thành (Bình Định), là mảnh đất không chỉ đẹp bởi núi non hùng vĩ mà còn nổi tiếng vì những di tích lịch sử, cũng đã ứng khẩu một bài thơ:

Cùng nhau dạo khắp cảnh Bàn Thành, Thấy cảnh càng sinh mối cảm tình; Cảm cuộc bể dâu đau đớn nhỉ, Cảm hồi chiến đấu nghĩ càng kinh! Được Trần Lê được là ai chủ?

Thua Nguyễn Nguyễn thua biết mấy binh! Thua được được thua quyền Tạo hóa, Muôn đời khôn lấp dấu uy linh.

(Bài ký chơi Bàn Thành và đền Hiểu Trung)

Các tác giả du ký đã cho người đọc thấy tài năng thơ ca của mình. Bên những trang du ký tả cảnh thường là những vần thơ chân thành, xúc động:

Thuyền lan lững thững gió hây hây, Ba Bể chừng trông cảnh lạ thay! Nước biếc một làn hoa lẫn bóng, Non xanh mấy lớp đá chen cây. Mập mờ núi Mẫu trong dòng bạc, Mù tít rừng Yên dưới áng mây.

Nào khách Đào nguyên đâu vắng lá,

Thơ thần rượu thánh dễ ai hay.

(Ba Bể du ký - Nhạc Anh Hoàng Văn Trung)

Ngoài những câu thơ của chính các tác giả khi “đối cảnh động lòng thơ”, du ký còn sưu tập, ghi lại nhiều bài thơ, bài vịnh của các tác giả nổi tiếng như: Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà, Bà huyện Thanh Quan… và nhiều bài Đường Thi, Tống Thi. Trong Hành trình chơi núi An Tử,

tác giả Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu có ghi lại bài thơ chữ Hán mà Nguyễn Trãi đã đề trên núi An Tử:

An sơn sơn thượng tối cao phong, Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng. Vũ trụ nhỡn cùng thương hải ngoại, Tiếu đàm nhân tại bích vân trung. Ủng môn ngọc sáo xâm thiên mẫu, Quải thạch châu sơ lạc bán không. Nhân miếu đương niên di tích tại, Bạch hào quang lý đổ trùng đồng.

Việc ghi lại những bài thơ của các danh sĩ xưa, phần nào đã cho thấy lòng yêu mến và sự hiểu biết văn chương của các nhà du ký hiện đại.

Không chỉ riêng thể thơ trữ tình, du ký còn dung nạp nhiều thể loại khác như hát nói, khúc ngâm, ca trù, câu đối. Đó là bài hát nói mà tác giả Tùng Vân gởi tặng người dân làng Thượng Cát trong Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát:

Năm Nhâm Tuất mùa hè tháng sáu,

Xe quan phong dừng bánh cõi Quân Thần; Mầu cổ kim bát ngát cảnh xa gần,

Vẻ tân cựu cũng đua chen phần giáo hóa. Địa thị tràng châu phân thượng hạ, Dân lăng thiện chính hợp tây đông. Tay làng nho gia tổ chức cuộc hội đồng, Mau mắn nhỉ mới một năm mà báo chính! Trường công nghệ đã nhất sơ tề chỉnh. Quán đồ thư mong thứ đệ thực hành.

Đó còn là những câu đối trong Bài ký chơi chùa Thầy của Lê Đình Thắng [29,268], là bài ca trù trong Thăm lăng sĩ vương của Nguyễn Trọng Thuật [31,282]. Là những câu ca dao được trích dẫn trong các bài du ký Một tháng ở Nam Kỳ [30,145], Chơi Lạng Sơn – Cao Bằng [q2,488] của Phạm Quỳnh, trong

Cảnh vật Hà Tiên [q1,518] của Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm…

Như vậy có thể nói, du ký trên Nam Phong tạp chí vẫn giữ nét đặc trưng nghệ thuật của văn chương truyền thống, đó là sự dung nạp nhiều thể loại, thể tài văn học trong cùng một tác phẩm. Du ký là một dạng văn ghi chép trên đường mà tác giả chính là người đi đường thuật lại chuyện. Cho nên nó khá tự do về mặt thể loại, cho phép tác giả bên cạnh việc kể lại những điều mắt thấy tai nghe, còn có thể dừng lại suy tư, luận bàn bằng những ý thơ, những khúc hát, những bài ca dao… mà không hề ảnh hưởng tới nội dung, tư tưởng câu chuyện đang kể. Thậm chí chính sự kết hợp giữa các thể loại ấy, đã đem tới sự hiệu quả cho các tác phẩm du ký, khiến cho những trang du ký vốn khô khan được trở nên sinh động và cuốn hút hơn.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 42 - 46)