CHƯƠNG III: NGHỆ THUẬT TRONG THƠ TỐ HỮU 3.1 ĐẶC ĐIỂM CHUNG TRONG THƠ TỐ HŨU
3.2 PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA TỐ HỮU 1 Cảm hứng xã hội, thiên hướng tổng hợp
3.2.1 Cảm hứng xã hội, thiên hướng tổng hợp
Tố Hữu là nhà thơ cộng sản, thơ ông là thơ chiến đấu, thơ “mang cánh lửa”. Có cách mạng mới có ông. Và Tố Hữu làm thơ để ca ngợi cách mạng, tuyên truyền cho cách mạng. Chính tính chiến đấu đã làm cho tập Từ ấy của Tố Hữu khác hẳn với thơ ca hợp pháp đương thời. Ngay trong những tác phẩm đầu tiên như Mồ côi, Hai đứa bé, Tương tri, Đi đi em, Hồn chiến sĩ, Vú em,… ông đã xuất hiện như một nhà thơ xã hội. Từ ấy có nhiều nét gần gũi với sáng tác của nhà văn hiện thực phê phán đương thời mặc dù “tính lý tưởng” và sự sôi nổi của tình cảm lại làm cho thơ anh có màu sắc của phong cách lãng mạn.
Cảm hứng xã hội dẫn Tố Hữu đến những đề tài bao quát, những hình tượng rộng lớn. Nhiều bài thơ của ông như Ta đi tới, Việt Bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bài ca mùa xuân 1961, Trên đường thiên lý, Chào xuân 67 đã “tổng kết” những giai đoạn phát triển của cách mạng. Trong tay Tố Hữu, những câu thơ vốn hiền lành như bốn chữ, bảy chữ, lục bát đều đủ sức nói lên cái đồ sộ, hùng tráng (Phá đường, Voi, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Vinh quang Tổ quốc chúng ta, Ba mươi năm đời ta có Đảng,…). Nhà thơ đã khai thác khá triệt để khả năng diễn đạt của câu thơ lục bát trong truyền thống văn học dân tộc để miêu tả cuộc sống một cách linh hoạt. Câu thơ bảy chữ của Tố Hữu nhiều lúc có bề thế của câu thơ tám chữ thường dùng để truyền đạt không khí dồn dập, sôi nổi. Đọc mấy câu đầu trong bài Ta đi tới với cái đĩnh đạc của nó trong ý tưởng và nhạc điệu, ta có cảm tưởng đó không phải là thơ bảy chữ:
Trên đường cái, ung dung ta bước Đường ta rộng thênh thang tám bước Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
Và trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:
Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy Trên đầu bay, thác lửa hờn căm! Trông: bốn mặt, lũy hầm sụp đổ Tướng quân bay lố nhố cờ hàng Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Cảm hứng xã hội, thiên hướng tổng hợp đã làm cho thơ Tố Hữu càng thấm nhuần chủ nghĩa lích sử, đã nâng Tố Hữu thành nhà thơ hùng tráng nhất, nhà thơ sử thi xuất sắc nhất trong nền thi ca hiện đại của chúng ta. Tiêu biểu cho giọng trữ tình xã hội, Tố Hữu cũng là nhà thơ khẳng định rất sớm thể loại anh hùng ca trong thơ ca cách mạng Việt Nam với Bà má Hậu Giang, nhưng thành công hơn nữa là
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, chứng minh bằng thực tế sáng tác khả năng và ý nghĩa lớn lao của thề loại này.
Cũng do thiên hướng tổng hợp, cho nên thơ Tố Hữu ít cái “ríu rít” của cuộc sống mà ta bắt gặp ở một nhà thơ khác như Tế Hanh, Huy Cận và nhất là Xuân Diệu. Nghệ thuật là đa dạng, nhưng quan trọng hơn là mãnh liệt. Nghệ sĩ muốn thi đua với “hóa công” trong sáng tạo phong phú, nhưng trước hết phải nói được sâu nhất, mạnh nhất để bồi đắp tâm hồn người đọc bằng chất lượng của tư tưởng và tình cảm. Tố Hữu “lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ”, và thơ anh trước sau vẫn “với Đảng nặng duyên tơ” và “thấu nhân tình”. Sức mạnh ở thơ Tố Hữu là ở trí tuệ sáng suốt và kiên định, ở lý tưởng cao, ở những tình cảm và mãnh liệt. Mong sao sức mạnh ấy luôn luôn được bồi đắp thường xuyên hơn bằng những rung động tươi mới hằng ngày, bằng những quan sát và biểu hiện cụ thể về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ rộng lớn xung quanh.