Tập thơ Gió lộng

Một phần của tài liệu TỐ HỮU – NGƯỜI MỞ ĐẦU NỀN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (Trang 37 - 42)

Gió lộng trước hết là một tiếng ca vui của nhân dân ta trên miền Bắc sau khi hòa bình lập lại. Một cái vui đầy sức tự hào của người chiến thắng :

Sáng nghìn năm lịch sử Điện Biên. của người tự mình làm nên chiến thắng :

Một vùng trời đất trong tay Dẫu chưa toàn vẹn, đã bay cờ hồng!

Việt Nam, dân tộc anh hùng Tay không mà đã thành công nên Người!

Qua những sóng gió 1956 – 1957, ngày càng ta càng thấy dựng nước cũng là một sự nghiệp gian nan. Tháng 8 – 1958, bài Mùa thu mới có tính chất một bài thơ kết thúc thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương. Lúc này nhà thơ nhìn rõ:

Ồ đâu phải, qua đêm dài lạnh cóng Mặt trời lên là hết bóng mù sương!

Ôi đâu phải, qua đoạn đường lửa bỏng Cuộc đời ta bỗng chốc hóa thiên đường!

Và cũng nhìn rõ một cái gì rất mới, rất kỳ diệu đang hình thành trên đất nước chúng ta:

Yêu biết mấy, những bước đi dáng đứng Của đời ta chập chững buổi đầu tiên …

Yêu biết mấy những con người đi tới Hai cánh tay như hai cánh bay lên Ngực dám đón những phong ba dữ dội Chân đạp bùn không sợ các loài sên!

Cái mới đang hình thành đó chính là chủ nghĩa xã hội. Và đến mùa xuân 1961 thì thơ Tố Hữu lại cùng với chúng ta bước vào một giai đoạn mới. Tiếng ca vui của nhà thơ chưa bao giờ đạt tới một chiều sâu và vươn tới những đỉnh cao

như trong Bài ca mùa xuân 1961. Bài thơ rộn rịp không khí bước đầu công nghiệp hóa nhưng vẫn không quên các thứ khó khăn. Ta vẫn thường nói là chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một nước công nghiệp cực kỳ lạc hậu thì Tố Hữu đã nói lên điều đó rất cụ thể, bằng thơ:

Ta nắm tay nhau xây lại đời ta

Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà Chuồng lợn, bầy gà, đàn trâu, ao cá

Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ !

Rõ ràng là chúng ta còn lâu mới thực hiện được đầy đủ cái công thức của Lênin : chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc.

Nhưng không phải vì khó khăn, vì lạc hậu mà chán nản, mà tự ty. Trái lại, rất tự hào, rất lạc quan ; một thứ tự hào và lạc quan bắt nguồn từ những cố gắng bền bỉ hàng ngày. Vui chưa phải vì đã được no ấm dồi dào nhiều lắm, mà vì chúng ta nắm chắc tương lai, vì trước mắt chúng ta tương lai đang hiện dần lên, lộng lẫy :

Đắng cay nay mới ngọt bùi Đường đi muôn dặm đã ngời mai sau...

Vui nhất là vì chúng ta đã xây dựng được những quan hệ mới giữa người với người :

Có gì đẹp trên đời hơn thế Người yêu người, sống để yêu nhau.

Thật nói bao nhiêu cũng không hết vui, nói bao nhiêu cũng không nói hết cái vị nồng đậm ngọt ngào của cuộc sống trên một nửa đất nước chúng ta :

Ồ thích thật, bài thơ miền Bắc Rất tự do nên tươi nhạc, tươi vần

Cả không gian như xích lại gần Thời gian cũng quên tuần quên tháng.

Tiếng ca vui của anh mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác. Những lúc tường chừng như không còn gì mà nói nữa thì Tố Hữu lại phát hiện ra một khía vui mới, một giọng vui mới. Và có những phát hiện thật bất ngờ :

Ô tiếng hót vui say con chim chiền chiện Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh

Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh.

Trên bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta, có người chỉ nặng nhìn về phía khó khăn bứt rứt, cũng có người muốn quên hết các thứ khó khăn để vui một cách vô tư, dễ dãi. Những thái độ ấy đều không phải là thái độ của Tố Hữu trong thơ. Gió lộng chứa đựng một niềm vui lớn, một niềm vui tràn đầy, trong trẻo, phơi phới, không thể cưỡng được mà lại là một niềm vui có suy nghĩ, tỉnh táo và sáng suốt. Một niềm vui như thế, có thể nói, vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa là tiếng nói chân chính của cuộc sống, vừa là thái độ dũng cảm và duy nhất đúng, thái độ khẳng định và cổ vũ những nhân tố mới, có khi còn rất nhỏ, đang vươn dậy trong hiện thực khách quan.

Vui miền Bắc nhưng vẫn không một lúc nào không nhớ đến miền Nam, không đau xót vì một nửa cơ thể của Tổ quốc chúng ta đang chảy máu. Không phải đến bây giờ Tố Hữu mới nói đến những tội ác của giặc, những nỗi thống khổ của đồng bào. Nhưng trước Cách mạng và trong kháng chiến, chưa bao giờ thơ Tố Hữu có giọng đau xót, căm phẫn và uất ức như ngày nay khi nói đến miền Nam. Ngay trong bài Ta đi tới viết từ trước khi tiếp quản Thủ đô, đã có nhiều day dứt về miền Nam. Càng về sau càng rõ. Không phải đến bây giờ Tố Hữu mới xa Huế nhưng đến bây giờ mới có bài thơ nhớ Huế, cho nên nhớ thương xa vòi vọi:

Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi... mà chua xót biết bao :

Lửa chiến tranh nay đã tắt rồi Mà lòng ta vẫn cháy không nguôi Mẹ ơi, dưới trời đất còn chua xót Những tiếng giày đinh đạp núi đồi !

Chua xót cho mẹ, cũng là chua xót cho Huế, cho tất cả miền Nam.

Gió lộng đã khẳng định vai trò của nhân dân, có thể nói một cách còn dứt khoát hơn Việt BắcTừ ấy, vì Gió lộng khẳng định :

Trời không có thiên thần Đất không có thánh thần Chỉ có nhân dân – thần thánh Và chỉ Đảng làm nên sức mạnh Cho ta đôi cánh

Bay tới chân trời

Gió lộng dựng lên hình ảnh rực sáng của con người bình thường một khi đã được hủ nghĩa xã hội thức dậy những tài năng vô tận.

Những hình ảnh trong thơ Tố Hữu thường đến rất đột ngột mà rất đúng, rất tự nhiên, rất đẹp khiến khi đọc thơ Tố Hữu có cảm giác sung sướng như bước mỗi bước đi vụt lại hiện lên một bông hoa kỳ diệu. Hãy xem một vài hình ảnh về Lênin trong thơ anh. Khi ta đọc :

Vĩnh viễn Lê - nin sống giữa loài người Vầng trán mênh mông đôi mắt yêu đời. Hay :

Lê – nin đó

Muôn triệu lần nảy nở Giữa Loài ta

Muôn triệu lần rạng rỡ

Như mặt trời chói giữa biển bao la Và mỗi lần sóng gió nổi quanh ta Lê – nin đó

Ngời ngời chân lý.

Rất Tô Hữu mà không đơn điệu. Từ bài này sang bài khác, phong cách thường vẫn khác nhau. Có thể nói riêng một tập Gió lộng có khá nhiều loại thơ. Đặc biệt có hai loại khác nhau : loại Bài ca mùa xuân 1961 và loại Ba mươi năm đời ta có Đảng. Có người nói Bài ca mùa xuân 1961 có gì như là tiểu tư sản. Trái lại, có người cho Ba mươi năm đời ta có Đảng chỉ là một bài vè, không phải thơ.

Với Gió lộng, nói chung với những bài thơ hòa bình, thì khác hẳn. Không còn là cái vườn bé nhỏ của một tâm hồn đã tìm ra lý tưởng. Vườn ấy giờ đây là cả miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, gắn liền với phe xã hội chủ nghĩa rộng mênh mông. Băn khoăn đau xót vẫn còn nhiều, nhưng cái cảm giác trội nhất tập Gió lộng để lại trong lòng ta là cảm giác một buổi sáng mùa xuân rất trong, rất ấm, “Rất đậm hương và rộn tiếng chim” đang dâng lên trên những cảnh tái tê ngày trước, trên những bóng tối ở miền Nam, đang dâng lên không sức gì cưỡng nổi trên những đồng ruộng sông núi đã vĩnh viễn trở về cùng chủ cũ, giữa một bầu trời đất rộng gió bốn phương.

Một phần của tài liệu TỐ HỮU – NGƯỜI MỞ ĐẦU NỀN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(61 trang)
w