193 64,3 2 Quy định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân về
2.4.3. Đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện
Nghiên cứu hành vi của đội ngũ CBLĐQL nếu không nghiên cứu về sự quan tâm giúp đỡ, tạo nguồn lực của họ sẽ là một khiếm khuyết. Đầu tư các nguồn lực góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân số trong giai đoạn vừa qua đã khá thành công. Tuy vậy, theo báo cáo UBDSGĐ&TE Việt Nam mức đầu tư cho công tác dân số ở nước ta vẫn còn thấp (0,35 USD/người/năm), chưa đạt yêu cầu của chiến lược dân số đề ra là 0,6 USD/người/năm.
Trong mấy năm gần đây, đầu tư kinh phí cho công tác dân số giảm chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ chế quản lý lại chưa thật phù hợp, quản lý phân tán và kém hiệu quả. Nguồn
lực đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia dân số không tăng trong một số năm qua. Hơn nữa cơ chế quản lý kinh phí của chương trình có một số sửa đổi không phù hợp với điều kiện đặc thù quản lý chương trình mục tiêu Quốc gia dân số. Vì vậy, một số tỉnh đã cắt giảm ngân sách Trung ương đầu tư cho chương trình mục tiêu Quốc gia dân số. Năm 2002 có 41 tỉnh cắt giảm kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng; năm 2003 có 27 tỉnh cắt giảm kinh phí gần 8 tỷ đồng [72, tr.8].
Yên Bái là một trong 27 tỉnh cắt chuyển kinh phí của chương trình dân số do Trung ương phân bổ sang thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội khác ở địa phương. Điều này khiến cho UBDSGĐ&TE tỉnh không chủ động được trong việc phân bố và sử dụng kinh phí từ Trung ương đưa xuống dành cho công tác dân số mà số kinh phí này được đưa xuống do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Đây là yếu tố làm cho mức đầu tư kinh phí cho công tác dân số ở tỉnh đang ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước đây.
ý kiến phỏng vấn sâu một cán bộ chuyên trách về dân số ở huyện Trấn Yên cho thấy rõ điều này:
“Trong những năm qua, do thoả mãn với những kết quả đã đạt được về công tác dân số nên kinh phí đầu tư cho công tác dân số rất thấp, không được chú trọng như trước đây, nhất là cấp huyện” (PVS, LĐ UBDS, GĐ & TE, huyện Trấn Yên).
Như vậy, trên thực tế việc đầu tư nguồn lực cho thực hiện công tác dân số và PLDS của CBLĐQL trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp chưa thực sự được coi trọng trong thời gian vừa qua. Điều này cho thấy dù nhận thức và thái độ của CBLĐQL đã có chuyển biến tích cực song sự chuyển biến cụ thể trong hành vi của cán bộ là cần có thời gian và những quy định cụ thể. Đây là điều kiện cần chú ý để các quyết định thực sự đi vào cuộc sống.