pháp lệnh dân số
1.3.1. Quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chính sách dân số chính sách dân số
Do sớm nhận thức được tác động to lớn của dân số đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đời sống của từng gia đình, của mỗi cá nhân nói riêng, nên từ đầu thập niên 1960 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoạch định và thực thi chính sách dân số quốc gia, nhằm giảm mức sinh, mức chết, nâng cao chất lượng dân số và phân bố dân cư hợp lý. Chính sách dân số hướng tới giảm sinh ở Việt Nam ra đời cách đây hơn 40 năm được đánh dấu bằng Quyết định 216/CP ngày 26/12/1961 của Hội đồng Chính phủ. Tại thời điểm này, chính sách dân số được thể hiện thông qua cuộc vận động về “hướng dẫn sinh đẻ” và sau đó “sinh đẻ có kế hoạch” hay kế hoạch hoá gia đình. Điều đó chứng tỏ Nhà nước ta đã sớm ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát mức sinh, kiềm chế sự bùng nổ dân số. Tuy nhiên, chính sách dân số trong giai đoạn đầu tiên còn gặp nhiều khó khăn trong cả nhận thức lẫn kinh nghiệm tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục, thuyết phục chưa được coi trọng đúng mức, các nguồn lực của xã hội chưa được huy động đầy đủ, lại chưa cung cấp thuận tiện và đa dạng các dịch vụ KHHGĐ. Hàng chục năm, công tác DS - KHHGĐ đạt kết quả còn rất
khiêm tốn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm còn ở mức cao (trên 3%). Chất lượng dân số, vì nhiều lý do còn rất thấp.
Công tác DS - KHHGĐ tiếp tục được triển khai trong phạm vi cả nước với mục đích đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch thông qua các văn bản quan trọng của Chính phủ, tại Đại hội lần thứ IV, lần thứ V và lần thứ VI của Đảng. Công tác DS - KHHGĐ được xác định có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước. Mục tiêu cuộc vận động là đẻ ít (2 đến 3 con), đẻ muộn (từ 22 tuổi trở lên) và đẻ thưa (cách nhau từ 3 - 5 năm). Mục tiêu cụ thể được xác định tại đại hội IV (1976) là “đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ gia tăng dân số hàng năm, phấn đấu đến năm 1980, tỷ lệ tăng dân số là trên 2% một ít”; tại Đại hội V (1982) Đảng xác định: “giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hàng năm xuống còn 1,7% vào năm 1985”; tại Đại hội VI (năm 1986) “giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,2% hiện nay xuống 1,7% vào năm 1990” [67, tr.10]. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã có chỉ thị cho các cấp, các ngành phải tham gia công tác dân số nhưng thực tế chỉ có ngành y tế, phụ nữ và công đoàn trực tiếp thực hiện. Các cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo công tác DS - KHHGĐ, nhiều CBLĐQL vẫn coi đây là công tác của ngành y tế.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, phần chính sách dân số và việc làm chỉ rõ: “Thực hiện đồng bộ chiến lược ổn định dân số trên cả ba mặt: quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bố dân số; giảm tỷ lệ phát triển dân số mỗi năm khoảng 0,4 - 0,6%o và coi giảm tốc độ tăng dân số là một quốc sách” [85, tr.346].
Để tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách về dân số, bộ máy tổ chức thực hiện công tác DS - KHHGĐ cũng dần được hoàn thiện. Ngày 19/6/1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 193-HĐBT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và chế độ làm việc của Uỷ ban quốc gia DS - KHHGĐ; Quyết định số 315-QĐ của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược truyền thông DS - KHHGĐ.
Từ sự đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, nhận thức ngày càng rõ hơn về sức ép gay gắt của sự gia tăng dân số quá nhanh đối với sự phát triển đất nước, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TW ngày 14/1/1993 về chính sách DS - KHHGĐ. Đây là Nghị quyết Trung ương đầu tiên đề cập sâu sắc và toàn diện về công tác DS - KHHGĐ, nó tạo ra bước ngoặt quan trọng đối với công tác dân số ở Việt Nam. Nghị quyết này đã đề ra 5 quan điểm cơ bản sau:
(1)Công tác DS - KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội; (2) Giải pháp cơ bản để thực hiện công tác DS - KHHGĐ là vận động, tuyên truyền và giáo dục, gắn liền với đưa dịch vụ KHHGĐ đến tận người dân, có chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho người chấp nhận gia đình ít con, tạo động lực thúc đẩy phong trào quần chúng nhân dân thực hiện KHHGĐ;(3) Đầu tư cho công tác DS - KHHGĐ là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp. Nhà nước cần tăng mức chi ngân sách cho công tác DS - KHHGĐ, đồng thời động viên sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế;(4) Huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS - KHHGĐ, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh để quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả và đến tận người dân;(5) Để đạt được mục tiêu trong thời gian tương đối ngắn, điều có ý nghĩa quyết định là Đảng và chính quyền các cấp phải lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác DS - KHHGĐ theo chương trình [67, tr.12-13].
Sau đó, trong quyết định số 270/TTg (1993), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược DS - KHHGĐ đến năm 2000. Đây là chiến lược DS - KHHGĐ đầu tiên, đánh dấu bước chuyển biến rất quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách dân số của Việt Nam.
Để tăng cường triển khai công tác DS - KHHGĐ, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị số 50- CT/TW, ngày 6/3/1995 về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) về chính sách DS - KHHGĐ.
Mục tiêu của chính sách dân số là: Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Mục tiêu cụ thể là : “Mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, để tới năm 2015 bình quân trong toàn xã hội mỗi gia đình có 2 con, tiến tới ổn định quy mô dân số từ giữa thế kỷ thứ 21. Tập trung mọi nỗ lực nhằm tạo chuyển biến rõ rệt ngay trong thập kỷ 90 này”.
Đến nay, Đảng và Nhà nước ta không chỉ tập trung giải quyết vấn đề quy mô dân số mà phải giải quyết đồng bộ, từng bước, có trọng điểm các vấn đề về cơ cấu dân số, phân bố dân cư và chất lượng dân số. Đảng và Nhà nước đã liên tiếp ra nhiều chỉ thị, nghị quyết như Quyết định số 147/2000/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010; Chỉ thị số 10/2001/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010; Nghị định số 94/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em; Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 10/2001/CT-TTg ngày 4/5/2001 nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Chiến lược DS - KHHGĐ trong giai đoạn 2001 - 2005 với mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu là “Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất vào năm 2005, ở vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo chậm nhất vào năm 2010 để quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bố dân cư phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2010” [73, tr.2]. Tuy nhiên, những chỉ tiêu này, đến nay đã không đạt được. Lý do: sau khi Uỷ ban Thường vụ quốc hội ban hành PLDS (9/1/2003), một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân không hiểu hết những quy định của nó. Do vậy, nhiều người đã sinh thêm con thứ ba. Tỷ lệ dân số tự nhiên ở nhiều tỉnh, thành phố lại gia tăng. Cụ thể, năm 2003 mức tăng tự nhiên của dân số Việt Nam là 1,47%, tăng 0,15% so với mức 1,32% của năm 2002, tỷ lệ tăng dân số năm 2004 là 1,4% và năm 2005 là 1,38% [29, tr.1]. Trước tình hình trên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết số 47- NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện chính sách DS - KHHGĐ. Nghị quyết 47- NQ/TW của Bộ Chính trị xác định hai mục tiêu cơ bản là:
Nhanh chóng đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con), tiến tới ổn định quy mô dân số nước ta ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI” và “Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước [30, tr.3].
Vấn đề đặt ra là vì sao khi PLDS ra đời và có hiệu lực trên thực tế, tỷ lệ sinh con thứ ba lại gia tăng. Xem xét điều này phải hết sức căn cứ vào nội dung, cách trình bày và vận động của xã hội với văn bản pháp lý quan trọng này.