Quá độ dân số là lý thuyết được các nhà nhân khẩu học phương Tây đưa ra hơn nửa thế kỷ trước nhằm phân tích sự biến đổi dân số. Lý thuyết này cho rằng, sự phát triển dân số luôn tuân theo một quy luật nhất định và sự gia tăng dân số có quan hệ biện chứng với sự phát triển kinh tế - xã hội [85, tr.17]. Chính vì vậy, tiến trình phát triển dân số của các quốc gia thường phải đi qua 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn trước quá độ có đặc trưng là mức sinh cao và ổn định còn mức chết cao và biến động. Sự không ổn định của tỷ suất tử là sự phản ánh những biến đổi trong nền kinh tế, ảnh hưởng của mùa màng và bệnh tật. Trong điều kiện kinh tế như vậy, mức sinh cũng rất cao, tư tưởng đông con nhiều cháu đã ăn sâu vào cộng đồng xã hội; Giai đoạn quá độ là thời kỳ có những biến động lớn cả về mức sinh và mức chết mà xu hướng thường gặp là mức chết giảm nhanh hơn mức sinh. Đây là giai đoạn sự gia tăng dân số bắt đầu diễn ra với tốc độ cao còn gọi là bùng nổ dân số; Giai đoạn sau quá độ có đặc trưng là mức sinh và mức chết đều thấp. Những thành tựu của khoa học và công nghệ tạo khả năng cho con người có thể kéo dài tuổi thọ, loại trừ một số dịch bệnh ra khỏi đời sống xã hội, dịch vụ sức khoẻ của con người tốt hơn và kết quả là mức chết giảm nhanh và mức sinh dần ổn định. Xã hội xuất hiện một thời kỳ “dư lợi dân số”. Trong xã hội, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn (60% - 65%). Nơi nào tận dụng được tiềm năng lao động này thường đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế. Ngược lại, đây sẽ là gánh nặng về giải quyết việc làm, thất nghiệp và những phức tạp xã hội khác.
Như vậy, quá độ dân số là quá trình chuyển đổi khuôn mẫu cân bằng dân số trên cơ sở tương quan giữa tỷ suất sinh và tỷ suất chết khi nhân loại đi từ xã hội tiền công nghiệp sang xã hội công nghiệp. Nếu ở thời kỳ đầu, lý thuyết này mới chỉ ở dạng mô tả thuần tuý thì sau này nó càng được mở rộng, bổ sung và phát triển. Trên cơ sở hai yếu tố
chủ đạo là mức sinh và mức chết, lý thuyết quá độ dân số đã cho thấy những khía cạnh rộng lớn và phức tạp trong việc phân tích các động thái dân số.
Vận dụng lý thuyết quá độ dân số vào việc xem xét nhận thức, thái độ và hành vi của CBLĐQL là việc hết sức cần. Bởi dựa vào lý thuyết này sẽ cho phép làm rõ cơ sở thực tiễn khoa học của quá độ dân số ở nước ta hiện nay. Những yếu tố cần thiết làm giảm mức chết và giảm mức sinh đã đạt ngưỡng để đưa ra những quyết định có tính bước ngoặt trong PLDS hay chưa? Sự chuyển biến về nhận thức, thái độ, hành vi của CBLĐQL và của cả cộng đồng dân cư đã có thể đảm bảo những giải pháp mà PLDS đưa ra được thực hiện hay chưa? Đây là vấn đề mà luận văn sẽ góp một phần làm rõ thông qua thực tế được phân tích ở phần sau, từ thực tiễn của tỉnh Yên Bái.