Chương II: Thực trạng thu hút vốn FDI và môi trường đầu tưở thành phố Hải Phòng.
2.3.3. Môi trường kinh tế
Năm 2009 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Đại hội XIII Đảng bộ thành phố, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh, song với sự quyết tâm, nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, thực hiện được mục tiêu lớn là góp phần cùng cả nước ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội; tình hình kinh tế - xã hội thành phố vẫn duy trì được sự ổn định và phát triển, kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng ở hầu hết các ngành và lĩnh vực; an sinh xã hội được tập trung quan tâm, đời sống nhân dân từng bước được ổn định, những kết quả tích cực trên tạo đà thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 đã đề ra. Tổng sản phẩm trong nước đạt 21.657,3 tỷ đồng, tăng 7,57% so với năm 2008 đạt kế hoạch (kế hoạch tăng 7,5 – 8%), trong đó nhóm ngành nông lâm thuỷ sản tăng 4,57% vượt kế hoạch (kế hoạch tăng 3,7 – 4,0%), nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 6,15% không đạt kế hoạch (kế hoạch tăng 7,0 – 7,3%), nhóm ngành dịch vụ tăng 9,29% đạt kế hoạch (kế hoạch tăng 8,6 – 9,3%). Tốc độ tăng trưởng
GDP đạt kế hoạch đề ra, cao gần gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả nước.
Trên lĩnh vực kinh tế mũi nhọn có sự phát triển đột phá và thể hiện tính vững chắc, quy mô không ngừng mở rộng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế thành phố được nâng lên, ngày càng phát huy rõ vai trò là cực tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng, tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm, thủy sản trong GDP giảm dần.
Hình 3: Biểu đồ cơ cấu GDP theo ngành của Hải Phòng qua các năm
Nguồn: Cục thống kê thành phố Hải Phòng
Không tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, nền kinh tế thành phố Hải Phòng vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. GDP tăng trưởng thấp nhất so với 10 năm trở lại đây. Cơ cấu kinh tế bộc lộ một số bất cập, phát triển thiếu bền vững, tăng trưởng còn dựa nhiều vào xuất khẩu và sự gia tăng năng lực sản xuất của các dự án mới; ô nhiễm môi trường gia tăng chưa được khắc phục. Một số ngành kinh tế của thành phố đã hồi phục nhưng còn chậm như giá trị sản xuất công nghiệp tăng không đạt kế hoạch (+7,7% so với kế hoạch + 10-11%), làm tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp - xây dựng tăng trưởng không đạt kế hoạch (+6,15% so với kế hoạch +7-7,3%).