Về quản lý và sở hữu đất đai Về quản lý đất đa

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện Đại Từ (Thái Nguyên) lãnh đạo thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng (từ 1997 đến 2008) (Trang 43 - 49)

Về quản lý đất đai

Ngày 15/10/1993, Luật đất đai có hiệu lực và được thi hành trong cả nước, kèm theo đó là văn bản hướng dẫn của Chính phủ nhằm cụ thể hoá các quy định của Luật để việc quản lý Nhà nước đối với đất đai mang lại hiệu quả và đúng pháp luật. Ngay sau khi có Luật đất đai 1993 UBND huyện Đại Từ đã tổ chức Hội nghị quán triệt những nội dung cơ bản của luật, chỉ đạo phòng

địa chính và các ngành chức năng có liên quan tổ chức thi hành Luật đất đai trên địa bàn huyện.

- Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế toàn huyện 2000- 2010 đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp xã còn chưa tiến hành được, mới chỉ xây dựng ở cụm trung tâm thị trấn huyện, Hùng Sơn, Bản Ngoại, Yên Lãng, Cù Vân, Hà Thượng, Phú Xuyên… tiến hành quy hoạch tại thị trấn Đại Từ và một số điểm về các ngành như: công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, nông lâm nghiệp… đến năm 2010 sẽ tiến hành xây dựng và đi vào thực hiện.

- Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất. Uỷ ban Nhân dân huyện đã giao nhiệm vụ cho phòng địa chính cùng với các phòng chức năng khác thu thập các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đất đai năm 1993, đã sao in và phổ biến đến cơ sở các văn bản sau: Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư, Quyết định…, thực hiện các văn bản hướng dẫn của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Hội đồng Nhân dân huyện đã ra nghị quyết về kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức doanh nghiệp trên phạm vi địa bàn toàn huyện.

- Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất

Việc lập hồ sơ để trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định giao đất, thu hồi đất vẫn tập trung trong tay ngành địa chính; mặt khác các trình tự, thủ tục giao đất của huyện thị đã làm đúng theo quy định của Nhà nước, giúp cho công tác quản lý, theo dõi biến động đất đai không gặp nhiều khó khăn

- Đăng ký đất đai, lập và quản lý sổ địa chính, quản lý các hợp đồng sử dụng đất, thống kê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Đối với đất nông nghiệp

Thực hiện Luật đất đai, Nghị định 64/CP và Chỉ thị 254/CP, huyện Đại Từ sau 6 năm thi hành luật đã tổ chức kê khai, đăng ký cho số hộ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 53.000 hộ, trong đó đã cấp được giấy đến 28.000 hộ là nông dân.

Đất lâm nghiệp được giao cho các chủ sử dụng theo Nghị định 02/CP cho đến nay đã triển khai được 29/31 xã của huyện. Tuy nhiên, việc làm thủ tục chuyển đổi từ sổ lâm bạ sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai còn chậm, nguyên nhân do sự phối hợp giữa phòng Địa chính và Chi Cục kiểm lâm còn chưa chặt chẽ. Hiện nay, ngành địa chính và kiểm lâm đang hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chuyển từ sổ lâm bạ sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nằm trong chương trình 327 và chương trình quản lý trồng rừng đầu nguồn, vườn rừng quốc gia.

+ Với đất làm nhà ở nông thôn và đô thị

Đất làm nhà ở nông thôn vẫn còn là vấn đề phức tạp do chưa có quy hoạch dân cư ở nông thôn, việc đo đạc bản đồ địa chính để quản lý đất khu dân cư nông thôn triển khai còn chậm, tại khu dân cư các thị trấn tình trạng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng diễn ra tương tự do công tác lập bản đồ địa chính còn chưa tiến hành được hoàn chỉnh.

+ Đối với đất chuyên dùng

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo việc kê khai đăng ký hiện trạng sử dụng đất đối với các tổ chức, trên cơ sở đó từng bước tiến hành làm thủ tục giao đất, cho thuê đất và xử lý các vi phạm theo quy định của Nghị định 85/CP và Chỉ thị 245/TTg. UBND đã và đang chỉ đạo việc kiểm tra xác định các số liệu, xử lý các vi phạm để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và thực hiện hợp đồng thuê đất cho các tổ chức phải thuê đất để phục vụ nhu cầu sử dụng.

- Thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý, sử dụng đất Từ khi có Luật đất đai 1993, huyện đã tiến hành thường xuyên các cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất đai. Uỷ ban Nhân dân huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 245/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện cũng đã chỉ đạo việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra các đơn vị sử dụng đất trong huyện. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện

nhiều vi phạm: quản lý đất không chặt chẽ, cấp đất không đúng thẩm quyền, lấn chiếm đất công… tại một số xã.

- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, khiếu tố

Trong thời gian qua việc tranh chấp đất đai có giảm hơn thời kỳ trước Luật 1993, tuy nhiên vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt ở khu vực thị trấn, nơi đất có giá trị cao. Đơn thư khiếu nại diễn ra phổ biến, nhất là từ khi thay đổi cơ chế quản lý nông nghiệp, hợp tác xã kiểu cũ không còn, ruộng đất được trả lại theo nguồn gốc chủ sử dụng trước đây. Việc khiếu nại thường tập trung vào các vấn đề: đất đã bị giao cho người khác sử dụng hoặc bị trưng dụng vào mục đích công ích mà không được đền bù thoả đáng.

Xuất phát từ tình hình trên, huyện uỷ, Uỷ ban Nhân dân huyện đã có chủ trương, văn bản quy định thống nhất quản lý đất đai trên địa bàn huyện. Hệ thống tổ chức, chuyên môn quản lý đất đai của huyện đã được củng cố và kiện toàn ngày càng vững mạnh. Bảy nội dung công tác quản lý Nhà nước đối với đất đai được triển khai đồng bộ và toàn diện trên khắp các địa phương, góp phần đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp và quy củ.

Về sở hữu đất đai.

Công tác quản lý đất đai một cách hợp lý đã góp phần tích cực vào việc phân chia quyền sở hữu ruộng đất tại Đại Từ. Luật pháp Việt Nam đã khẳng định trong Luật đất đai năm 2003

“Điều 5. Sở hữu đất đai

1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. 2. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai như sau:

a) Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất (sau đây gọi chung là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất);

b) Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất;

c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

3. Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai như sau:

a) Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

b) Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

c) Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.

4. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất [25, 13]

Như vậy, Nhà nước là cơ quan cao nhất có quyền trong sở hữu đất đai nói chung và ruộng đất sản xuất nói riêng. Tuy nhiên, quyền sở hữu này chỉ nằm trên mặt pháp lý chứ không phải mặt thực tế. Dựa trên quyền sở hữu của mình, Nhà nước lập ra các cơ quan chuyên trách từ đó giao khoán xuống các địa phương để triển khai tới người sử dụng nhằm phát huy cao nhất hiệu quả khai thác đất đai, từ đó góp phần nâng cao tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và toàn quốc. Đây là mô hình đã được thực hiện ở nước ta từ rất sớm, mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, hình thức sở hữu này cũng có những hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cả nước: Cải cách ruộng đất tại một số địa phương trong thời kỳ kháng chiến dẫn đến tình trạng oan sai; tập thể hóa nông nghiệp ồ ạt đưa nông dân vào hợp tác xã cùng với đó là công tác quản lý còn yếu kém khiến cho hoạt động mang lại hiệu quả không lớn… Tất cả những điều đó thể hiện sự không nhất quán trong công tác quản lý, do mỗi địa phương lại có tình hình hoạt động sản xuất khác nhau nên áp dụng một mô hình quản lý chung nhất trong toàn quốc là điều không đơn giản.

Hình thức sở hữu Nhà nước được cụ thể hoá tại huyện Đại Từ ngay từ khi huyện được giải phóng khỏi sự áp bức của thực dân Pháp. Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng với các địa phương khác trong sự chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo huyện Đại Từ đã thực hiện những chính sách trong công tác quản lý và khai thác đất đai, đặc biệt là ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp: các hợp tác xã được hình thành cùng giúp nhau phát triển, thực hiện

Khoán ruộng đất tới tay người nông dân trong thời kỳ sản xuất mới. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan chuyên trách của huyện (Phòng địa chính, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã nhận trách nhiệm quan tâm tới tình hình đất đai trong huyện, từ đó thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp- nông thôn và các ngành kinh tế khác thông qua việc đưa khoa học- kỹ thuật- công nghệ vào trong quá trình khai thác và sử dụng ruộng đất của huyện.

Bên cạnh hình thức sở hữu của Nhà nước, ở Đại Từ sở hữu ruộng đất của người nông dân cũng rất phổ biến. Theo Nghị quyết 10, bên cạnh sở hữu lớn của Nhà nước thì Đảng và Nhà nước ta chủ trương giao đất ổn định, lâu dài đến từng hộ nông dân, qua đó phát huy quyền làm chủ và khẳng định hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ, tuy nhiên sở hữu này có sự hạn chế nhất định do sở hữu tập thể của các hợp tác xã vẫn tồn tại. Từ khi có ruộng đất để sản xuất người nông dân đã tích cực hơn trong sản xuất, tăng cường hiệu quả sử dụng ruộng đất của mình. Điều đó thể hiện trong:

Biểu 3: Diện tích và sản lượng cây lương thực có hạt của huyện (1997- 2005) [3, 4, 5]

Năm 1997 1999 2001 2003 2005

Diện tích (ha) 14842 14459 12996 13745 14060 Sản lượng (tấn) 48480 549422 58886 65992 69773

Khi đã có quyền sở hữu diện tích đất đai mà mình sử dụng, người nông dân có ý thức hơn trong sản xuất, qua từng năm năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng và có giá trị kinh tế trên thị trường. Trên thực tế, ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước nhưng người nông dân lại được trực tiếp sử dụng, khai thác và có những định hướng phát triển phù hợp với đời sống của gia định, địa phương. Hiện nay, tại Đại Từ sở hữu nhỏ của người sản xuất là rất phổ biến, với sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương cùng các phòng ban chuyên trách, người dân đã phát huy tối đa hiệu quả của đất đai, bên cạnh đó là những trang thiết bị hiện đại, khoa học- công nghệ được ứng dụng vào quá trình sản xuất khiến cho đời sống nông dân nâng cao qua từng năm. Tuy nhiên, hình thức sở hữu này lại có nhược điểm đó là ruộng đất bị phân chia

nhỏ lẻ và manh mún, không tập trung thành một vùng chuyên canh để tiến hành sản xuất mang tính chất hàng hoá và áp dụng khoa học- kỹ thuật trên diện rộng. Trong thời gian tới, với hướng phát triển đồng bộ thì huyện Đại Từ cần chú ý, quan tâm tới tình trạng này.

Tình hình quản lý, sở hữu đất đai của huyện Đại Từ đã và đang được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương. Trong những năm gần đây, công tác đo đạc, quy hoạch đã được tiến hành đồng loạt trên các xã, thị trấn nhằm có được số liệu cụ thể về quá trình sở hữu và sử dụng. Với sự tích cực này, huyện đã thống kê được đầy đủ các loại diện tích đất đai đặc biệt là đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, từ đó có những kế hoạch phát triển phù hợp nhất. Hiện nay, huyện Đại Từ đang tồn tại hai hình thức sở hữu chính đó là sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân nhỏ. Đây là hình thức phổ biến trên toàn quốc và đang mang lại những hiệu quả nhất định cho đời sống nhân dân của huyện. Trong thời gian tới, huyện cần có những định hướng phát triển phù hợp nhằm tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng lấn chiếm của những ngành kinh tế khác và khai thác tối đa diện tích đất còn chưa sử dụng. Với những kế hoạch đuợc xây dựng cụ thể cho phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2010, Đại Từ đã và đang có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của huyện và đảm bào đời sống của người dân.

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện Đại Từ (Thái Nguyên) lãnh đạo thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng (từ 1997 đến 2008) (Trang 43 - 49)