2. XÁC ĐỊNH VAI TRÒ CHỨNG MINHC ỦA ĐƯƠNG SỰ – MỘT VẤN ĐỀ CƠ BẢN NHẤT CỦA TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
2.3.3 Đương sự hiểu vụ án dân sự hơn ai hết
Đương sự – như đã phân tích ở trên là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đương sự chính là các chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung đang tranh chấp, họ hiểu vụ án hơn bất kỳ chủ thể nào khác tham gia tố tụng. Tòa án chỉ có thể nhận thức được vụ án thông qua những chứng cứ, lập luận do đương sự cung cấp, những chủ thể tham gia tố tụng khác thì xuất phát từ vị trí, chức năng tố tụng của mình mà có những quyền và nghĩa vụ phối hợp làm rõ một phần vụ án như người làm chứng, người giám định… Còn đương sự họ có mặt từ đầu khi xác lập các mối quan hệ pháp lý về nội dung, quá trình vận động của quan hệ đó dẫn đến phát sinh tranh chấp. Họ hiểu vụ án nên có thể tiếp cận một cách dễ dàng các chứng cứ đang có trong tay cũng như biết được cần thiết phải lấy các chứng cứ khác ở đâu khi có yêu cầu. Như trong một tranh chấp về
thừa kế tài sản thì các bên sẽ là người biết rõ nhất có hay không có di chúc, tài sản để lại là bao nhiêu, ở đâu, hình thành như thế nào?… tranh chấp về hợp đồng vay tài sản thì đương sự sẽ biết rõ nhất có hay không hợp đồng này, bên vay đã trả tài sản cho bên cho vay chưa, trả bao nhiêu, thời gian nào, phương thức thanh toán ra sao?… Nên khẳng định rằng đương sự là người hiểu vụ án dân sự hơn ai hết là một lập luận hoàn toàn chính xác.
Hoạt động chứng minh trong tố tụng dân sự không gì khác là tái hiện lại sự thật khách quan vốn đã phát sinh giữa các bên đương sự để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tái hiện lại sự thật đã qua đi thì không thể phủ nhận được vai trò tích cực và quan trọng hàng đầu của những người hiểu vụ án hơn ai hết.