2. XÁC ĐỊNH VAI TRÒ CHỨNG MINHC ỦA ĐƯƠNG SỰ – MỘT VẤN ĐỀ CƠ BẢN NHẤT CỦA TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM
2.3.1 Lý luận về tính lợi ích trong các tranh chấp
Theo C. Mac thì “ con người trước hết phải ăn uống ở và mặc rồi
mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật”,[27] các nhu cầu thiết yếu
này của con người phải thỏa mãn thông qua các giao dịch dân sự. Do vậy, trong quan hệ pháp luật dân sự, khi tham gia điều mà các chủ thể hướng tới để xác lập các quyền và nghĩa vụ chính là lợi ích. Lợi ích ở đây có thể là các lợi ích về vật chất hoặc có thể là lợi ích về tinh thần, đặc biệt trong một số trường hợp mặc dù “đau đớn không thể đổi ra tiền bạc được” nhưng việc thừa nhận những lợi ích về mặt tinh thần có thể làm xoa dịu đi nỗi đau cũng như sự mất mát của các chủ thể (tranh chấp về việc nuôi hay thăm
nom con sau khi ly hôn…). Các quan hệ dân sự gắn bó mật thiết với lợi ích lợi ích là định hướng cho hoạt động của con người trong các mối quan hệ với cộng đồng, với xã hội. Cho dù có bị chi phối bởi các yếu tố về đạo đức, tín ngưỡng, phong tục tập quán hay bất kỳ một yếu tố nào khác thì vấn đề về lợi ích luôn được quan tâm đầu tiên. Có nhiều loại lợi ích khác nhau cùng tồn tại như lợi ích của cá nhân, lợi ích của cộng đồng, lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài.. Nhưng trong đó, lợi ích cá nhân bao giờ cũng là quan trọng và dễ nhận biết nhất bởi nó đáp ứng ngay chính nhu cầu cá nhân của con người và nó là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy con người hoạt động. Trong lợi ích của cá nhân cụ thể lại có nhiều loại lợi ích khác nhau như lợi ích về kinh tế, lợi ích về tinh thần, lợi ích về chính trị…Nhưng lợi ích về mặt kinh tế luôn rõ ràng và được quan tâm hơn cả vì nó đáp ứng nhu cầu thiết yếu mang tính chất sống còn của cá nhân. Chính vì vậy, coi lợi ích kinh tế là động lực thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo và tích cực của con người là một quan điểm đúng đắn.
Khi có tranh chấp dân sự sảy ra và yêu cầu tòa án giải quyết cũng đồng nghĩa với việc một bên đương sự cho rằng lợi ích của mình đang bị xâm hại bởi hành vi trái pháp luật của người khác như việc kiện đòi bồi thường thiệt hại, kiện đòi tài sản cho vay, kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng… Nguyên đơn chứng minh có lợi ích tồn tại cũng chính là việc có sự “suy diễn” trách nhiệm từ phía bị đơn buộc bị đơn phải tham gia tố tụng tích cực. Việc thừa nhận quyền lợi của bên đương sự này cũng đồng nghĩa phát sinh một nghĩa vụ của đương sự còn lại và họ sẽ phải từ bỏ một phần lợi ích mà mình đang có. Chính vì việc bảo vệ lợi ích của mình mà các bên đương sự tham gia vào quá trình giải quyết vụ án dân sự. Do đó, vai trò chủ động, tích cực của đương sự từ đó mà phát sinh, không có một chủ thể nào trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự tích cực hơn đương sự trong việc giải quyết một cách nhanh chóng, khách quan vụ án dân sự. Đối
với tòa án, vấn đề lợi ích tranh chấp sẽ giới hạn hoạt động chứng minh và xét xử, định hướng hoạt động của tòa án trong việc giải quyết. Đây là tiền đề lý luận quan trọng nhất trong việc nhận định vai trò tích cực và quan trọng nhất của đương sự trong hoạt động chứng minh, đi tìm sự thật khách quan của vụ án đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia.