Đổi mới chính sách đối với cán bộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã ở Thái Bình pdf (Trang 94 - 95)

Chính sách là sản phẩm của con người, nhằm tác động vào một khâu hay một quá trình để vận động cùng chiều với quy luật phát triển khách quan của xã hội, nhằm đạt tới những mục tiêu đã định. Chính sách đúng hướng, có lợi nhất góp phần thúc đẩy sự phát triển. Chính sách sai sẽ là vật cản gây ách tắc trong quá trình vận hành kinh tế - xã hội, làm giảm tốc độ phát triển hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Đổi mới chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, mục tiêu trước mắt là tháo gỡ những bất cập, những tồn đọng về chế độ chính sách đối với cán bộ theo các quy định hiện hành. Mục tiêu lâu dài là tiến hành để đổi mới toàn diện đối với cấp cơ sở, trong đó tập trung vào việc đổi mới chính sách cán bộ xã, phường, thị trấn vào những năm tiếp theo. Đây là những vấn đề mà Đảng cộng sản và Nhà nước ta luôn quan tâm. Bởi chính giải quyết cơ bản được các vấn đề của cấp cơ sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với từng người dân, làm cho dân hiểu, dân tin và thực sự đi vào cuộc sống. Đồng thời chính quyền cấp xã sẽ là những nhịp cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhiệm vụ trước mắt cần sớm ban hành thông tư, hướng dẫn bổ sung thi hành Nghị định 09/1998/NĐ-CP nhằm giải quyết dứt điểm thoả đáng những tồn đọng, vướng mắc về chế độ chính sách, nhất là chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã, phường, thị trấn theo những quy định hiện hành tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ mà tại Thông tư liên tịch số 99/1998/TT-LT TCCB CP- BLĐTB và xã hội ngày 19/5/1998 hướng dẫn thi hành Nghị định 09/1998/NĐ-CP chưa đầy đủ và cụ thể.

Cải cách chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn về lâu dài cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:

Xác định lại biên chế cán bộ xã, phường cho phù hợp, giảm đến mức tối đa bộ máy lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, các xã, phường có điều kiện địa lý dân cư tính chất khác nhau thì số lượng biên chế khác nhau. Nghiên cứu chuyển một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cơ sở xã, phường thành công chức nhà nước, được hưởng lương và mọi chính sách chế độ khác như cán bộ công chức nhà nước hiện nay. Lương cơ bản của cán bộ chủ chốt cơ sở tương đương với lương trưởng, phó phòng cấp huyện. Đối với cán bộ chủ chốt do bầu cử, khi đảm đương chức vụ thì được hưởng chính sách tương đương với cán bộ chính quyền, khi không còn giữ chức vụ thì thôi hưởng chính sách, như vậy sẽ làm tăng trách nhiệm của cán bộ trước dân. Có phụ cấp riêng cho cán bộ những xã, phường nơi có số dân quá đông, diện tích quá lớn hoặc những xã phường có đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, không cân bằng trong chính sách cán bộ cấp xã như hiện nay. Do tính chất hoạt động, mức độ đóng góp công sức và vị trí vai trò ngày càng tăng của đội ngũ trưởng thôn, Nhà nước cần sửa đổi bổ sung quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ trưởng thôn, xóm. Kinh phí này được lấy trong nguồn ngân sách và các nguồn thu của địa phương.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã ở Thái Bình pdf (Trang 94 - 95)