Nhận thức đúng đắn vị trí vai trò của xã, phường, thị trấn trong hệ thống đơn vị hành chính nhà nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã ở Thái Bình pdf (Trang 74 - 77)

thống đơn vị hành chính nhà nước ta hiện nay

Trong hệ thống bộ máy chính quyền 4 cấp của Nhà nước ta phải đặc biệt chú trọng đến chính quyền cấp xã, bởi vị trí vai trò của nó trong thực hiện quyền lực Nhà nước và là cấp chính quyền cơ bản có ý nghĩa chiến lược giải quyết mối quan hệ trực tiếp giữa Nhà nước với nhân dân. Vì vậy cần xác định rõ vị trí vai trò của chính quyền cấp xã cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Bởi vì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình cải cách chính quyền cấp xã còn chậm và hoạt động của chính quyền cấp xã còn nhiều yếu kém khuyết điểm chính là vì chưa thấy hết vị trí vai trò quan trọng của chính quyền cấp xã trong nền hành chính nhà nước cũng như thực thi dân chủ.

Vị trí vai trò của chính quyền cấp xã được xác định dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:

- Một là, chính quyền cấp xã là gốc, là cấp có số lượng đơn vị lớn nhất trong

hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Chẳng hạn tính đến ngày 20/9/1998 nếu cấp tỉnh có 61 đơn vị, cấp huyện có 640 đơn vị thì cấp cơ sở có tới 10.387 đơn vị) [ 8, tr.2]. ở Thái Bình cấp huyện, thị có 8 đơn vị thì cấp cơ sở có 285 đơn vị [56, tr.16].

Như vậy nếu cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện có sự đổi mới mà cấp cơ sở không được đổi mới đồng bộ thì chẳng những ảnh hưởng đến đổi mới nền hành chính nói chung mà còn hạn chế hiệu lực hiệu quả của đổi mới ở Trung ương, tỉnh, huyện sẽ không phát huy hết tác dụng của nó, thậm chí không có ý nghĩa.

Thực tiễn đời sống xã hội đã chứng minh điều này. Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp tỉnh, cấp huyện đều có cải cách đổi mới rõ nét ở mức độ khác nhau, nhưng dân khiếu kiện ngày càng đông và vẫn kêu ca về sự phiền hà sách nhiễu của cơ quan hành chính ở cơ sở. Vì thế nếu trong thể chế nền hành chính chúng ta lựa chọn thủ tục hành chính là khâu đột phá, là trọng tâm trong quá trình cải cách bộ máy hành chính.

- Hai là, chính quyền cấp xã là khâu cuối cùng trong dây chuyền tổ chức thực

hiện đường lối chính sách pháp lụât, đưa đường lối chính sách pháp luật vào cuộc sống trở thành hiện thực. Đường lối chủ trương chính sách pháp luật dù có đúng, có hay đến đâu nhưng không được tổ chức thực hiện tốt ở cấp cơ sở thì cũng chỉ nằm trên giấy, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng nói nhiều làm ít, nói hay mà làm dở.

- Ba là, hoạt động của chính quyền cấp xã diễn ra hàng ngày, hàng giờ trực

tiếp với nhân dân. Mọi cử chỉ, tác phong, lời nói, cách thức tiếp xúc giải quyết công việc cho dân của cán bộ cấp xã thể hiện bộ mặt của Nhà nước ta. Người dân nhìn vào đây để đánh giá Nhà nước, để có lòng tin hay sự bất bình.

Hiện có một nghịch lý là cơ sở có chính quyền, có cơ quan đại biểu của dân mà dân thì không tin tưởng, đơn thư khiếu tố gửi vượt cấp lên tỉnh, lên Trung ương còn nhiều.

Vừa qua ở Thái Bình dân phản ứng tập thể gay gắt vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là dân đã mất lòng tin, đã không chịu đựng nổi sự thoái hoá biến chất, thách thức dư luận, coi thường pháp luật của một số cán bộ và thậm chí cả tập thể lãnh đạo chính quyền cấp xã. Mặt khác cũng phải thấy những việc làm tốt, làm đúng của cán bộ chính quyền cấp xã thôn, xóm cũng giúp khôi phục nhanh chóng và bền vững nhất lòng tin yêu chính quyền, chế độ.

- Bốn là, nguồn gốc sức mạnh hiệu lực hiệu quả của Nhà nước ta là ở chỗ

nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các cơ quan đại biểu, các tổ chức, đoàn thể xã hội gián tiếp và trực tiếp, bày tỏ ý chí nguyện vọng ý kiến của mình trong quá trình xây dựng và quản lý nhà

nước, quản lý xã hội. Trên địa bàn cơ sở, nhân dân có khả năng điều kiện thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình một cách thuận tiện, trực tiếp và hiệu quả hơn. Cơ sở làng xã chính là địa bàn lý tưởng để thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" một cách đơn giản nhất, song lại dễ làm, dễ nhận biết và kiểm tra. Vấn đề đặt ra là chính quyền cấp xã có nhận thức đúng và tổ chức cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của họ hay không?

Theo V.I Lênin, người nông dân, người nội trợ bình thường, có thể tham gia quản lý nhà nước và xã hội nếu người đó có điều kiện trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Chính trên mảnh đất mà anh ta sinh sống, anh ta sẽ học được cách thức quản lý nhà nước thông qua thực tiễn cuộc sống, thực tiễn những công tác mà chúng ta sẽ giao một cách từ từ và thận trọng.

- Năm là, tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền cấp xã còn được xác định bởi thực trạng yếu kém và sự chậm trễ của quá trình đổi mới, kiện toàn chính quyền cấp xã những năm qua. Những yếu kém khuyết điểm còn có nguy cơ lây lan và phát triển, có nơi trở thành nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo nên lực cản đối với sự nghiệp đổi mới.

Nhận thức đúng đắn vai trò vị trí của chính quyền cấp xã sẽ góp phần tạo nên động lực mới thúc đẩy quá trình cải cách, đổi mới bộ phận quan trọng này của nền hành chính nhà nước, đảm bảo người dân có thực quyền.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn trên, cần xác định cải cách tổ chức hoạt động của chính quyền cấp xã đang trở thành yêu cầu cấp bách. Nếu cải tạo nền hành chính nhà nước là trọng tâm của quá trình đổi mới tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước trong những năm trước mắt và cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá trong cải cách thể chế hành chính thì trong cải cách hệ thống hành chính phải coi kiện toàn chính quyền cấp xã, vừa là trọng tâm vừa là khâu đột phá. Trên cơ sở thống nhất nhận thức như vậy mới có động lực quyết tâm và bước đi thích hợp, tránh được tình trạng đánh trống bỏ dùi, làm chắp vá tùy tiện.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã ở Thái Bình pdf (Trang 74 - 77)