Định hướng phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tín dụng xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu (Trang 69 - 72)

XUẤT NHẬP KHẨU TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN

3.1 Định hướng phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam

Chiến lược xuất nhập khẩu năm 2001-2010 đánh giá xuất khẩu góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, thu ngoại tệ . Tuy nhiên, xuất khẩu của nước ta trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định như quy mô xuất khẩu còn nhỏ so với các nước trong khu vực, khả năng cạnh tranh của nhiều hàng hoá còn thấp chưa phù hợp với nhu cầu thị trường quốc tế; tỷ trọng hàng thô và sơ chế trong cơ cấu xuất khẩu còn khá cao, tỉ trọng sản phẩm có hàm lượng công nghệ và trí tuệ cao còn nhỏ. Tình hình 5 năm thực hiện chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2001-2010, đã được nghiên cứu và đánh giá từ đó đưa ra mục tiêu và biện pháp thực hiện cho giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2010.

Mục tiêu tổng quát của hoạt động xuất khẩu giai đoạn 2006-2010 là phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, trước hết là cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực phát triển những mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có

hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô, hàng có giá trị thấp.

Các chỉ tiêu phát triển xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2006-2010 được đề ra như sau:

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân sẽ là 17,5% và đạt trên 72,5 tỉ USD vào năm 2010. Trong giai đoạn này, tập trung vào hai khâu trọng tâm để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu. Thứ nhất là tập trung vào nhóm hàng công nghiệp để mở rộng sản xuất. Thứ hai: khai thác thêm những mặt hàng mới, thị trường mới và đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của nhóm hàng nông sản.

- Về cơ cấu hàng xuất khẩu: với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng thô, hàng giá trị thấp. Theo đó, tỉ trọng của nhóm hàng nông -lâm -thuỷ sản sẽ giảm từ 19,1% năm 2006 xuống còn 13,7% năm 2010, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ và công nghiệp tăng khá mạnh từ 45,9% năm 2006 lên 54,1% năm 2010.

- Dịch vụ xuất khẩu được xác định là một trong những lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn trong gian đoạn này nhằm mục tiêu đổi mới cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và góp phần tăng tốc xuất khẩu trong giai đoạn hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực dịch vụ (bao gồm cả xuất khẩu lao động) trong giai đoạn 2006-2010 được dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân 16,3%/năm và đạt mức kim ngạch 12 tỷ USD vào năm 2010. Ngành bảo hiểm phấn đấu mức tăng 29,3%/năm, kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 470 triệu USD; bưu chính-viễn thông tăng 24,5%/năm với kim ngạch xuất khẩu đạt 530 triệu USD; tài chính -ngân hàng phấn đấu mức tăng 22,4%/năm, đạt 550 triệu USD. Các dịch vụ phục vụ hoạt

động của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những lĩnh vực xuất khẩu trọng tâm của giai đoạn này.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu: theo dự kiến khu vực Châu Á giảm dần tỷ trọng từ 48,8% năm 2006 xuống còn 45,5% năm 2010 song vẫn là thị trường chiếm ưu thế trong cơ cấu thị trường hàng xuất khẩu nước ta. Đến năm 2010 kim ngạch hàng xuất khẩu tai đây đạt khoảng 33 tỷ USD với những mặt hàng trọng tâm là hàng tiêu dùng, gạo, thực phẩm, nông sản chế biến. Hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Châu Âu tăng nhẹ, tỷ trọng tăng từ 18,2% năm 2006 lên 20%, đến năm 2010 đạt khoảng 15,9 tỷ USD với những mặt hàng nông thuỷ sản chế biến, hàng công nghiệp nhẹ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào EU. Xuất khẩu vào thị trường Châu Mỹ tăng dần từ 21,7% lên 24%, đến năm 2010 đạt kim ngạch khoảng 16,7 tỷ USD với những mặt hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép, thuỷ sản, đồ gỗ, máy móc thiết bị, điện tử, hạt điều.... Thị trường Châu Phi định hướng tỷ trọng tăng từ 2,2% lên 2,8%, kim ngạch đến năm 2010 đạt 2,8 tỷ USD với các mặt hàng thuỷ sản, đồ gỗ, hàng cơ khí, cà phê, hạt tiêu. Thị trường Châu Đại Dương đến năm 2010 kim ngạch đạt khoảng 5,6 tỷ USD, tập trung xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép.

Để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu trên, các quan điểm chủ đạo về phát triển xuất khẩu trong giai đoạn 2006-2010 cần được thực hiện:

+ Tiếp tục kiên trì chủ trương dành ưu tiên cao cho xuất khẩu để tăng kim ngạch xuất khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, phát triển sản xuất.

+ Gắn thị trường trong nước với thị trường nước ngoài, vừa chú trọng thị trường trong nước, vừa phải quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu.

+ Giữ vững các thị trường lớn, thị trường trọng điểm đồng thời đa dạng hoá thị trường xuất khẩu để tránh lệ thuộc vào nền kinh tế hay ngoại tệ của một nước.

+ Khuyến khích, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng của mọi thành phần kinh tế trong hoạt động xuất – nhập khẩu nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp.

Định hướng chiến lược xuất khẩu của nước ta trong giai đoạn này là hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, và đây cũng là định hướng phát triển cho các doanh nghiệp thực hiên hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu. Trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp có được nhiều thời cơ nhưng cũng đứng trước rất nhiều thách thức. Doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài mà còn cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường nội địa. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp Chính phủ cũng cần có những chính sách tài trợ xuất khẩu thích hợp.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa tín dụng xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu (Trang 69 - 72)

w