Một hạn chế lớn trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của QH là quy trình xây dựng và ban hành văn bản luật, pháp lệnh còn chưa theo kịp yêu cầu công tác xây dựng pháp luật phục vụ sự nghiệp đổi mới. Nhìn vào tiến độ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm cũng như cả nhiệm kỳ thì chỉ mới thực hiện được khoảng 60-70% số dự án10 và còn chậm rất nhiều so với kế hoạch. Ví dụ như Bộ luật hình sự được đưa vào chương trình chính thức của QH từ năm 1995 nhưng đến kỳ họp thứ 6 QH khoá X năm 1999 mới được thông qua. Điều đó đã dẫn tới tình trạng “dồn toa” trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều dự án luật, pháp lệnh phải chuyển cho các kỳ họp sau thông qua làm cho một số vấn đề xã hội bức xúc, cần có luật điều chỉnh nhưng lại chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, có những luật không phù hợp vẫn phải duy trì. Việc quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện nay phần nào hạn chế quyền sáng kiến lập pháp của các chủ thể đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan ghi nhận. Khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua thì khó có cơ hội để đề xuất một sáng kiến lập pháp khác nằm ngoài chương trình mặc dù là rất cần thiết. Việc thẩm định dự án, dự thảo luật của QH hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo quy định của pháp luật, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định các dự án luật, dự án pháp lệnh để Chính phủ xem xét trước khi quyết định trình QH, UBTVQH hoặc để Chính phủ tham gia ý kiến đối với những dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu QH trình; Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của QH có trách nhiệm thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của UBTVQH. Song hoạt động thẩm định, thẩm tra chưa đạt hiệu quả cao, thể hiện ở các mặt: thời gian gửi thẩm định, thẩm tra chậm, các vấn đề thẩm định, thẩm tra không được lập luận, phản biện khoa học, khách quan, đội ngũ chuyên gia thực hiện công tác thẩm định, thẩm tra vừa mỏng lại thiếu người am hiểu sâu về lĩnh vực cần thẩm định, thẩm tra…Bên cạnh đó, tính cục bộ về những lợi ích của các Bộ, ngành còn ẩn chứa trong việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; việc tổ chức lấy ý kiến cũng còn mang tính hình thức. Cách thảo
luận, xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn nặng nề câu chữ và như ý kiến của nhiều người là làm văn tập thể mà chưa chú trọng đúng mức đến tư tưởng chủ đạo, phản ánh chủ trương, đường lối của Đảng. Cách làm việc hiện nay là vừa thiết kế, vừa thi công dẫn tới quá trình xây dựng pháp luật của QH, UBTVQH tốn nhiều thời gian lại chưa đảm bảo chất lượng.
Một thực trạng cũng cần đề cập trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của QH đó là việc tồn tại những văn bản quy phạm pháp luật chưa phản ánh đầy đủ quy luật khách quan của đời sống xã hội, nội dung của luật nhiều lúc không theo kịp sự phát triển của thực tiễn, mang nặng ý chí chủ quan, tính khả thi và tính dự báo chưa cao làm cho luật thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn, Luật Thuế giá trị gia tăng vừa ban hành chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa và thời gian thi hành chưa được bao lâu lại phải sửa tiếp. Điều này dẫn đến việc luật khó phát huy hiệu lực khi đi vào cuộc sống, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và không đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong khi kỹ thuật soạn thảo một luật sửa nhiều luật, một văn bản sửa nhiều văn bản hầu như chưa được áp dụng trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của QH.
Về vấn đề nội luật hoá các điều luật quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, mối quan hệ qua lại giữa các quốc gia trên mọi lĩnh vực ngày một tăng, hợp tác quốc tế và khu vực trở thành một xu thế tất yếu, thể chế và cơ chế đa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, tất cả các nước trên thế giới không chỉ cần cải cách và điều chỉnh các chính sách quốc gia mà còn phải điều chỉnh và phát triển khung pháp lý cho phù hợp với pháp luật quốc tế. Thích ứng với điều đó, thời gian qua nước ta đã ký kết nhiều điều ước quốc tế với nỗ lực rà soát, đối chiếu và sửa đổi, xây dựng pháp luật quốc gia để thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế đã cam kết. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội và hệ thống pháp luật đang hình thành ở mức độ khiêm tốn nên vấn đề chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia gặp nhiều khó khăn và bất cập. Nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập chưa
được nội luật hoá vào pháp luật quốc gia hoặc còn nhiều mâu thuẫn, không phù hợp giữa những điều ước quốc tế đó với các đạo luật trong nước. Chẳng hạn như, những nội dung cụ thể của Hiệp định Thương Mại Việt Nam – Hoa Kỳ liên quan đến khái niệm về thương mại, doanh nghiệp, về quyền sở hữu trí tuệ có sự khác biệt rất lớn với Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Tương tự, quan niệm về thuật ngữ “hàng hoá” Luật Thương mại và Luật Hải quản của chúng ta có định nghĩa “hàng hoá” khác nhau. Các hiệp định của WTO không có định nghĩa về khái niệm này nhưng các Hiệp định đó đều dựa vào quy định của công ước của tổ chức hải quan thế giới về hệ thống hài hoà mã số và mô tả hàng hoá (công ước HS) để xử lý vấn đề, Việt Nam cũng là thành viên của công ước. Theo quy định, tất cả những sản phẩm cụ thể được liệt kê, được mã hoá và mô tả trong danh mục HS đính kèm công ước HS thì được gọi là hàng hoá chứ không chung chung và định nghĩa rất trừu tượng như trong Luật Thương mại 2005 và Luật Hải quan 2005. Để tránh tình trạng mâu thuẫn giữa hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản luật Việt Nam thường có điều khoản quy định về việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Khi không xác định rõ ràng địa vị chính xác của điều ước quốc tế trong thứ bậc hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do QH ban hành thì vừa thiếu đi sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật vừa không đảm bảo tính khả thi của điều ước quốc tế trong quá trình thực hiện. Nội dung này đã nói lên sự hạn chế trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của QH về vấn đề nội luật hoá cũng như giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia nhằm hạn chế tình trạng xung đột pháp luật ngoại. Thời gian tới, hạn chế đó cần nhanh chóng được khắc phục nhất là sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO, hội nhập toàn diện với nền kinh tế thế giới.