chốt cấp tỉnh phải gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh
Năng lực tư duy lý luận tuy bị chi phối bởi yếu tố bẩm sinh, di truyền nhưng chủ yếu là sản phẩm của những điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Do đó, nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ lãnh đạo tỉnh phải gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau 15 năm đổi mới, đất nước ta đã có bước phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để rèn luyện, phát triển năng lực tư duy, trí tuệ của con người.
Ph.Ăngghen đã chỉ rõ rằng lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy bắt đầu từ đó. Mặc dù tư duy con người cũng có tính năng động, sáng tạo, có thể phản ánh vượt trước tồn tại xã hội, nhưng về cơ bản, con người khó có thể phát triển năng lực tư duy lý luận của mình trên một cơ sở kinh tế - xã hội với một nền sản xuất nhỏ lạc hậu, chậm phát triển được. Cho nên, không thể nói đến nâng cao năng lực tư duy cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo tỉnh nói riêng nếu không gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kinh tế xã hội phát triển sẽ tác động tích cực, to lớn và trực tiếp đến hoạt động lãnh đạo của cán bộ chủ chốt cấp tỉnh.
Kinh tế - xã hội phát triển tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo có điều kiện học tập, rèn luyện, phát triển nâng cao về mọi mặt một cách có hệ thống. Mặt khác, kinh tế - xã
hội phát triển đặt người cán bộ trước yêu cầu phải nắm chắc thực tiễn đang phát triển, đòi hỏi cần phải lãnh đạo nó thế nào cho đúng hướng. Từ đó mà họ có cơ hội trau dồi, rèn luyện phát triển năng lực tư duy lý luận của mình.
Kinh tế - xã hội phát triển tạo điều kiện vật chất cần thiết để cán bộ lãnh đạo tỉnh có thể tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, mở rộng giao lưu góp phần phát triển năng lực tư duy lý luận.
Kinh tế - xã hội phát triển cũng sẽ tạo điều kiện để nâng cao dân trí cho cán bộ và nhân dân. Khi đời sống được nâng lên, con người sẽ có điều kiện phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Như thế, kinh tế - xã hội phát triển là điều kiện khách quan để phát triển, hoàn thiện cơ sở sinh học của tư duy, tạo tiền đề cho việc phát triển năng lực trí tuệ, tư duy của chủ thể. Nếu nhân dân toàn tỉnh được nâng lên về trình độ học vấn thì đó là cơ sở để cán bộ lãnh đạo tỉnh nâng năng lực tư duy lý luận lên.
Kinh tế - xã hội phát triển tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho lãnh đạo tỉnh làm công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho nhân dân. Bởi vì kinh tế phát triển, xã hội ổn định đời sống của cán bộ, nhân dân được nâng lên thì đường lối, chủ trương của Đảng sẽ được nhân dân tin tưởng và tự giác chấp hành.
Kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ thôi thúc người cán bộ lãnh đạo tỉnh phải trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, tri thức quản lý, tri thức lý luận v.v... Trên cơ sở đó sẽ từng bước nâng cao năng lực tư duy lý luận.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, những vấn đề do phát triển kinh tế - xã hội đặt ra sẽ thử thách về năng lực trí tuệ và phẩm chất cách mạng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh nói riêng. Khi gặp những vấn đề mới nảy sinh, buộc các nhà lãnh đạo tỉnh phải huy động cao nhất năng lực trí tuệ để giải quyết
những vấn đề đó. Chẳng hạn, vấn đề đảng viên làm kinh tế gia đình đến mức độ nào? Trang trại ở Bắc Giang quy mô bao nhiêu ha là vừa? v.v... Từ việc giải quyết những vấn đề cụ thể ấy mà năng lực trí tuệ, tư duy của lãnh đạo sẽ thường xuyên được mài giũa và không ngừng được nâng cao.
Từ những điều trình bày trên đây chúng ta thấy, phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh. Ngược lại, chính việc nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh lại làm cho tư duy lý luận của chúng ta thêm sắc bén, năng động và sáng tạo hơn trong quá trình phản ánh hiện thực, kịp thời phát hiện những vấn đề đặt ra và có những đề xuất sắc bén, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn của con người. Chính vì những lẽ trên mà nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh phải gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh là một trong những phương hướng cơ bản không thể thiếu được.