Những nguyên nhân chủ yếu của sự hạn chế về năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 52 - 57)

luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang

Những hạn chế về năng lực tư duy lý luận của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có những nguyên nhân chung dẫn tới sự yếu kém về nhiều mặt ở nhiều đối tượng cán bộ trong cả nước, đồng thời lại có những nguyên nhân đặc thù riêng có ở địa phương. Dưới

đây là một số nguyên nhân chủ yếu của sự yếu kém về năng lực tư duy lý luận của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang.

- Hoàn cảnh kinh tế - xã hội, môi trường sống, làm việc và trình độ dân trí thấp đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ Bắc Giang nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh nói riêng.

Trong số 10 huyện, thị của Bắc Giang thì không có huyện nào thật sự mạnh về kinh tế. Trừ Sơn Động là huyện miền núi cao kinh tế kém phát triển và thị xã Bắc Giang là trung tâm của tỉnh có phát triển hơn nơi khác, các huyện còn lại đều ở mức trung bình. GDP bình quân đầu người năm 2000 đạt 208 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, giá trị nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao (51,1%), giá trị công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thấp (công nghiệp - xây dựng: 14,3%; dịch vụ: 34,6%). Trong sản xuất nông nghiệp, giá trị ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn (67%); trong trồng trọt, sản xuất cây lương thực vẫn là chủ yếu chiếm 81,5% diện tích gieo trồng cây hàng năm. Cơ cấu kinh tế trong nông thôn chuyển biến chậm, ngành nghề kém phát triển. Thực chất nền kinh tế của tỉnh vẫn là thuần nông, sản xuất lương thực là chủ yếu, sản phẩm hàng hóa ít thế mà năng suất lúa ở thời điểm cao nhất (vụ chiêm xuân năm 2000 mới đạt 43 tạ/ha thấp hơn bình quân chung cả nước 8 tạ/ha). Các cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu tương chưa phát triển tương xứng với khả năng.

Theo báo cáo của ủy ban nhân dân tỉnh: Toàn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, 99,6% người trong độ tuổi từ 15 - 35 đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ; 138/227 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập tiểu học ở độ tuổi 11; 90/227 xã và 2 huyện, thị xã (Việt Yên và thị xã Bắc Giang) đã hoàn thành tiêu chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở.

Thông qua nhiều hình thức đào tạo và dạy nghề, đến nay số lao động của tỉnh qua đào tạo là 15%. Đội ngũ cán bộ của tỉnh có 16.186 người có trình độ đại học, 113 người có trình độ trên đại học (trong đó tiến sĩ: 16, thạc sĩ là 97 người).

Hiện nay toàn tỉnh có 7/10 huyện và 169/227 xã, thị trấn miền núi (trong đó có 1 huyện, 43 xã thuộc vùng cao), trong tỉnh có 8 dân tộc thiểu số với 38,553 hộ, 168,992 nhân khẩu chiếm 11,47% tổng dân số của tỉnh. Tình hình kinh tế - xã hội các địa phương miền núi; nhất là các xã, thôn thuộc khu vực 3 gặp khó khăn, nền kinh tế phát triển chậm, sản xuất chưa bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, một bộ phận đồng bào dân tộc còn bị đói vào thời gian giáp hạt hoặc thiếu ăn thường xuyên. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn thiếu thốn, tình trạng mù chữ hoặc tái mù chữ ở một số địa phương chưa được khắc phục. Trình độ của cán bộ là người dân tộc thiểu số đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở còn thấp. Điều kiện môi trường này đã gây không ít khó khăn cho việc nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Bởi vì, điều kiện kinh tế xã hội là cơ sở, là động lực đối với vai trò lãnh đạo của các cấp nói chung, cấp tỉnh nói riêng.

Rõ ràng, những con số trên đây phần nào phản ánh mặt bằng dân trí, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở tỉnh Bắc Giang còn chưa cao so với yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Người dân ở đây vẫn mang nặng tâm lý sản xuất nhỏ, kiểu tư duy trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chưa được khắc phục một cách triệt để. Môi trường như vậy đã ít tác động thôi thúc người cán bộ lãnh đạo học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ hiểu biết nói chung, năng lực tư duy lý luận nói riêng. Cán bộ lãnh đạo tỉnh có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài (Trung ương, tỉnh bạn...) nên họ thấy được mạnh, yếu của tỉnh nhưng khi tìm cách điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, gặp vấn đề phức tạp, họ dễ có tâm lý chùn bước, nản chí. Cho nên, năng lực tư duy lý luận của họ chẳng những không được rèn luyện mà còn bị mai một đi.

- Trình độ lý luận hạn chế và ý thức tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ này chưa thật cao.

Như trên đã trình bày, trình độ học vấn của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có tỷ lệ từ đại học trở lên chiếm số đông nhưng tỷ lệ đã qua đào tạo lý luận từ cao cấp trở lên lại là thấp. Đây là một trở ngại cho việc phát triển năng lực tư duy lý luận cho họ. Bởi lẽ, phải qua đào tạo lý luận, đặc biệt là trình độ lý luận triết học là một trong những điều kiện tiền đề, nền tảng quan trọng nhất bảo đảm cho sự khơi dậy và phát triển năng lực tư duy lý luận. Trình độ học vấn, lý luận càng cao thì khả năng tư duy trừu tượng hóa, khái quát hóa, ghi nhớ, tổng hợp phân tích, xử lý thông tin, suy luận và xác lập tri thức càng nhạy bén, chính xác mang lại năng lực tư duy khoa học cao. Ngược lại trình độ học vấn, lý luận thấp sẽ khó có thể khơi dậy và phát triển được năng lực tư duy lý luận.

Về trình độ lý luận, chủ yếu được đánh giá ở trình độ học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Về mặt này, cho đến nay có 70,2% cán bộ lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã qua chương trình cao cấp hoặc cử nhân chính trị (xem phụ lục 2) nhưng chủ yếu là học tại chức, thiếu hệ thống, chắp vá. Tuy nhiên, sự nâng lên về trình độ lý luận đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ, nó không hoàn toàn tỷ lệ thuận với sự phát triển năng lực tư duy lý luận. Do nhu cầu đào tạo quá lớn, những năm gần đây người ta sử dụng mọi hình thức để chuẩn hóa trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ cấp tỉnh nói riêng, điều đó mang lại những giá trị, tác dụng nhất định, nhưng cũng còn nhiều hạn chế bất cập. Phần đông cán bộ được chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị theo cách vừa học, vừa làm, ít có thời gian đầu tư cho học tập nghiên cứu để mở rộng, đào sâu tri thức lý luận một cách có hệ thống. Cho nên, kết quả và hiệu quả đào tạo chưa cao. Mặt khác, học tập nâng cao trình độ lý luận thì trước hết là học tập triết học Mác - Lênin. Đó là cơ sở lý luận chung nhất, là hạt nhân lý luận của thế giới quan. Đặc biệt triết học với tính cách là khoa học về tư duy lý luận, về nghệ thuật sử dụng các khái niệm có tầm quan trọng hàng đầu đối với việc nâng cao năng lực tư duy lý luận. Song

trên thực tế, cán bộ được học về triết học rất ít, ở chương trình trung cấp có 60 - 70 tiết, chương trình cao cấp có 120 tiết và lại không có thời gian nghiên cứu thêm. Nội dung, chương trình cho từng cấp học còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, hoạt động giảng dạy còn nhiều hạn chế. Do vậy mà chưa tạo ra được điều kiện, nền tảng thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tư duy lý luận cho người học.

Vẫn còn hiện tượng chạy theo bằng cấp để bảo đảm tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, tạo nền tảng để nâng cao năng lực tư duy lý luận, năng lực lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh. Cho nên, dù được học lý luận nhưng nắm lý luận còn chưa vững vàng, tri thức khoa học quá ít ỏi dẫn đến chỗ chưa nắm chắc những vấn đề cốt lõi, thực chất trong các quan điểm, đường lối của Đảng và chủ trương pháp luật của Nhà nước nên khi vận dụng để xây dựng các phương hướng giải pháp cho các lĩnh vực phát triển ở địa phương chưa thật sát thực, hiệu quả chưa thật cao. Hồ Chủ tịch đã căn dặn: "Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng" [44, tr. 47].

- Những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém về năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng và chính quyền đã quan tâm chỉ đạo nhiều đến công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ, tạo sự ổn định trong công tác cán bộ, từng bước nâng cao trình độ mọi mặt cho người cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, các mặt công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, công tác xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ chưa đồng bộ, chưa chuẩn hóa. Điều đó dẫn đến việc đào tạo cán bộ không đúng đối tượng quy hoạch, do vậy việc bố trí, sử dụng cán bộ gặp nhiều khó khăn bất cập. Từ đó tạo ra tâm lý chưa được quy hoạch thì không cần đi học. Thứ hai, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh có

tâm lý hoạt động sao cho tránh để "tai tiếng", "có vấn đề" chờ đợi sự đề bạt tiếp theo. Vì vậy họ không dám làm, không mạnh dạn đổi mới, ngại tìm tòi khám phá cái mới, hoạt động theo phương châm "xấu đều hơn tốt lỏi". Nhiều người ngại đi học tập trung chỉ vì lo "mất ghế", trông chờ vào các lớp tại chức mở ở tỉnh nhà. Mà các lớp tại chức lại ít chú trọng đến tính chính quy, hệ thống trong đào tạo, do vậy chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa thật cao. Công tác khen thưởng, kỷ luật cán bộ cũng còn những bất cập, chưa tạo động lực cho cán bộ tự phấn đấu rèn luyện vươn lên về mọi mặt. Mặc dù, trong nhiệm kỳ trước (1995 - 2000), Đảng bộ Bắc Giang đã thi hành kỷ luật một tỉnh ủy viên không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên chưa có trường hợp nào bị kỷ luật do năng lực lãnh đạo yếu kém.

Những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đây có quan hệ tác động lẫn nhau, tạo ra một hệ thống các nguyên nhân cùng tác động làm cho năng lực tư duy lý luận của người cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh không những không được nâng cao mà còn bị mai một đi.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 52 - 57)