2. Tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU và thực tiễn vận dụng marketing quốc tế trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.
2.1.2. Tình hình ở các doanh nghiệp xuất khẩu
Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Có được mức tăng trưởng cao trong 5 năm 2001 - 2005 là nhờ những cố gắng lớn của các doanh nghiệp. Nắm bắt được xu thế thời trang của thị trường EU, các doanh nghiệp dệt may đã và đang rất nỗ lực trong việc tìm một hướng đi mới cho mình. Thay vì chỉ làm gia công - sản xuất rập khuôn theo những mẫu mà đối tác đưa ra như trước đây, doanh nghiệp cũng dần dần chủ động hơn trong khâu thiết kế mẫu mã nhằm tăng giá trị cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, việc thành lập các văn phòng giao dịch tại nước ngoài sẽ giúp dệt may Việt Nam khắc phục điểm yếu bị động trong khâu tiếp cận thị trường, khách hàng.
Ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến cho biết, gia nhập WTO sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu khi không bị áp hạn ngạch. Giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng
của các doanh nghiệp sẽ được bình đẳng với các nước và ngành dệt may Việt Nam có điều kiện huy động tối đa năng lực thiết bị và tay nghề hiện có.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có uy tín trên thị trường quốc tế, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến như Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông, May Sài Gòn 3, May Sài Gòn 2, Dệt Phong Phú, Dệt Thành Công, Dệt may Hà Nội, May Scavi, May An Phước, May 10, May 28… sẽ có cơ hội tiếp nhận các đơn hàng lớn. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.
Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp lo ngại nhất là lao động ngành dệt may thiếu về lượng, yếu về chất. Công nhân không mặn mà với công việc, nơi nào lương cao hơn họ lại đến, số lượng công nhân mới tuyển vào không bù đắp nổi số lượng công nhân ra đi, trong khi đơn hàng đã ký nhiều và thời gian giao hàng rất cấp bách.
Theo ông Vũ Sỹ Nam, Tổng giám đốc Công ty CP May Nhà Bè, sở dĩ doanh nghiệp luôn đứng trước tình trạng bị động về lao động là do những bất cập trong Luật Lao động khi chưa quy định những ràng buộc pháp lý và chế tài từ phía người lao động để bảo vệ quyền lợi người sử dụng lao động. Nếu không có những biện pháp hữu hiệu hơn để thúc đẩy đào tạo nghề, nhất là đào tạo công nhân ngành đệt may thì việc thu hút đầu tư, giữ vững thị trường và tăng tốc xuất khẩu khi gia nhập WTO khó có thể thực hiện được. [29]
Những doanh nghiệp mạnh của Việt Nam như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Đáp Cầu, Tây Đô… đều có những đơn hàng mới từ thị trường EU. Theo Bộ Thương mại, mặt hàng tăng trưởng mạnh là quần, có kim ngạch xuất khẩu gần 50 triệu USD, tăng 137% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường này. Các thị trường “hút” mạnh mặt hàng này là Đức (tăng 150%), Anh (194%), Bỉ
(333%)… Mặt hàng đứng thứ hai là áo jacket, trong quý 1-2006 đạt kim ngạch 33,7 triệu USD, tăng 94%, chủ yếu ở các nước EU cũ. Dự báo trong tương lai gần các mặt hàng thế mạnh như áo thun, sơ mi, quần soọc, áo khoác, quần áo thể thao, váy đầm, bảo hộ lao động, quần áo trẻ em, quần áo vest… sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ các đơn hàng đang có khá ổn định. [2]