5. Hình phạt đối với người phạm tội không tố giác tội phạm
2.3. Dự báo tình hình tội không tố giác tội phạm trong thời gian từ nay đến năm
năm 2010
Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, dự báo tình hình hình tội phạm nói chung và tội phạm cụ thể nói riêng chiếm vị trí rất quan trọng. Không thể chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tình hình tội phạm nói chung và tình hình tội không tố giác tội phạm nói riêng, nếu không dự báo được tình hình tội phạm trong thời gian tới. Vì vậy, để có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội không tố giác tội phạm, đòi hỏi phải dự báo được tình hình tội không tố giác tội phạm từ nay đến năm 2005.
Dự báo tình hình tội phạm nói chung và tình hình tội không tố giác tội phạm nói riêng, phải dựa trên cơ sở, phương pháp khoa học, chứ không thể theo ý thức chủ quan. Việc phán đoán khoa học cũng phải được tiến hành trong một phạm vi, khoảng thời gian nhất định thì mới có ý nghĩa trong việc sử dụng kết quả của dự báo. Dự báo chính xác tình hình tội không tố giác tội phạm là một trong những cơ sở đảm bảo cho cuộc đấu tranh phòng chống tội không tố giác tội phạm đạt hiệu quả cao.
Tình hình tội phạm nói chung, tình hình tội không tố giác tội phạm nói riêng đều là hiện tượng xã hội vì nó tồn tại trong xã hội, có nguồn gốc trong xã hội, có nội dung xã hội và số phận của nó cũng mang tính chất xã hội. Tình hình tội không tố giác tội phạm là một hiện tượng xã hội, bởi vì nó được hình thành từ những hành vi không tố giác tội phạm do con người trong xã hội thực hiện, đi ngược lại lợi ích của toàn xã hội. Với tính cách là một hiện tượng xã hội, tình hình tội phạm nói chung và tình hình tội không tố giác tội phạm nói riêng là một hiện tượng xã hội thay đổi về mặt lịch sử, tùy thuộc vào sự biến đổi của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, để việc dự
báo tình hình tội không tố giác tội phạm được chính xác, đầy đủ thì ngoài việc căn cứ vào tình hình thực tế của tội không tố giác tội phạm, nguyên nhân và điều kiện của tội phạm này, còn phải căn cứ vào sự biến đổi của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta trong tương lai.
Thời gian tới, nhất là giai đoạn từ nay đến 2010 là giai đoạn rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của nhân dân ta là tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm tới còn diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tội phạm nói chung, tình hình tội không tố giác tội phạm nói riêng.
Trong thời gian tới, lực lượng sản xuất của nước ta vẫn còn trong tình trạng nhỏ bé so với các nước trong khu vực, nhất là kết cấu hạ tầng còn lạc hậu. Trình độ khoa học và công nghệ chuyển biến với tốc độ chậm; nguồn nhân lực có kiến thức, tay nghề, năng lực kinh doanh còn ít, năng suất lao động xã hội tăng chậm, chất lượng sản phẩm và chất lượng công trình còn thấp. Nhiều hàng hóa kém sức cạnh tranh với hàng nước ngoài, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng cao. Chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp; công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Hiện tượng thất học gia tăng do một số người chạy theo lợi ích trước mắt mà hy sinh việc học hành của bản thân và con em mình. Hệ thống khám chữa bệnh chưa được cải thiện nhiều, mức độ ô nhiễm và hủy hoại về môi trường, môi sinh rất đáng lo ngại. Một số dịch bệnh, bệnh xã hội vẫn còn đe dọa một số vùng và có nguy cơ phát triển; số người nhiễm HIV tiếp tục tăng. Những hoạt động văn hóa không lành mạnh và các tệ nạn xã hội vẫn phát triển. Chủ nghĩa thực dụng sẽ tiếp tục làm xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống, lấn át các chuẩn mực xã hội. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục đạo đức, pháp luật của ta hiệu quả chưa cao. Sự phân hóa giàu nghèo tiếp tục diễn ra không bình thường, tác động tới sự gia tăng của tội phạm vì một số người muốn làm giàu nhanh nên bất chấp pháp luật, làm giàu bằng mọi giá. Tình trạng tham nhũng, buôn
lậu, làm ăn phi pháp có bị đẩy lùi, nhưng không đáng kể và về cơ bản chưa ngăn chặn được. Kỷ cương, kỷ luật và trật tự vẫn còn nhiều chỗ chưa tốt đáng lo ngại.
Tình trạng thất nghiệp sẽ là căn bệnh nan y khó khắc phục, đội quân này tiếp tục được bổ sung từ sự phát triển tự nhiên của dân cư, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, học sinh thi trượt đại học, bộ đội xuất ngũ... ước tính có thể lên tới 5 triệu người vào năm 2010. Có thể nói, thất nghiệp và tội phạm là anh em sinh đôi, vì thất nghiệp luôn là nguyên nhân của tội phạm. Đội ngũ những người thất nghiệp có thể bị các băng nhóm tội phạm lôi kéo vào hoạt động phạm tội và ít nhất họ cũng sẽ bàng quan, không tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Về vấn đề chính trị, chúng ta đã, đang và sẽ giữ vững ổn định chính trị, giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới tiếp tục được tiến hành thuận lợi. Tuy nhiên, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", tấn công vào nước ta trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng bằng tất cả các phương tiện, thủ đoạn nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Do vậy, chúng ta không thể mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc và nguy hiểm của kẻ địch. Mặt khác, chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch sẽ có tác dụng làm phân hóa một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên không vững vàng, tự nguyện tiếp tay cho luận điệu phản động của chúng. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, buôn lậu cùng các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên sẽ tiếp tục làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Hệ thống pháp luật trong thời gian tới mặc dù có tiến bộ, nhưng chưa khắc phục được những nhược điểm cơ bản là chưa toàn diện, chưa đồng bộ, thiếu thực tiễn; tính khả thi thấp và trình độ kỹ thuật lập pháp chưa cao. Tình trạng thiếu những quy định của pháp luật về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bảo vệ người có công giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sẽ chưa được khắc phục về cơ bản. Cùng với hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, thói quen tùy tiện trong sinh hoạt và làm việc của nền xuất nhỏ vẫn là cơ sở nuôi dưỡng tệ bàng quan, không phát hiện, tố giác tội phạm của một bộ phận quần chúng nhân dân phát triển.
Từ nay đến năm 2005, số lượng nông dân ở nước ta sẽ tiếp tục giảm, nhưng vẫn sẽ còn chiếm khoảng 70% dân số, 30% còn lại hầu hết cũng có nguồn gốc xuất thân từ nông dân mặc dù hiện nay họ thuộc các giai tầng khác. Chính tâm lý của người nông dân sản xuất nhỏ tồn tại hàng ngàn năm với đặc thù tự cung, tự cấp, manh mún, bảo thủ, "phép vua thua lệ làng", sẽ tiếp tục ngự trị trong nếp sống, sinh hoạt của con người Việt Nam và đây cũng sẽ là một trong những rào cản người dân tự giác thực hiện trách nhiệm cộng đồng, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm. Mặt khác, chủ nghĩa thực dụng, chạy theo tiền bạc, lợi nhuận sẽ tiếp tục phát triển trong xã hội ta. Hoạt động trong cơ chế thị trường, một bộ phận quần chúng sẽ hình thành tư tưởng thực dụng, chỉ làm những việc gì có lợi cho bản thân, đơn vị mình, gia đình mình.. Những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tâm lý hưởng thụ, lối sống chỉ biết ngày hôm nay, không cần đến ngày mai cũng sẽ tiếp tục được biểu hiện trong các giai tầng xã hội, đặc biệt trong một bộ phận thế hệ trẻ. Tâm lý vô tổ chức, vô kỷ luật, coi thường các quy tắc cuộc sống xã hội chủ nghĩa luôn bị thúc đẩy bởi các mối lợi về kinh tế, các khoản lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ... Mặt khác do hoạt động tuyên truyền, phổi biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới chưa được cải thiện cùng với hoạt động kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật không kịp thời, không nghiêm minh, sẽ tiếp tục là là mảnh đất tốt để cho tâm lý coi thường pháp luật, coi thường nhà chức trách có điều kiện tồn tại và phát triển.
Ngoài ra, trong thời gian tới, dư luận xã hội nhạy bén hơn, công khai hơn. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm trên, cũng bộc lộ một số nhược điểm nhất định. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhìn chung dư luận xã hội ít quan tâm tới tình hình không tố giác tội phạm, cũng như chưa quan tâm tới cuộc đấu tranh phòng chống tội không tố giác tội phạm..
Căn cứ vào thực tế của tình hình tội không tố giác tội phạm trong thời gian qua, diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã được phân tích ở trên, có thể dự báo tình hình tội không tố giác tội phạm trong thời gian tới ở nước ta sẽ diễn biến phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố bất định, khó lường. Tội không tố giác tội phạm sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả xấu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong thời gian tới từ 2005 đến 2010, trong cả nước bình quân sẽ xảy ra khoảng trên 20 vụ án về tội không tố giác tội phạm và con số này vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số án hình sự. Số vụ án về loại tội phạm này sẽ không có xu hướng tăng đột biến, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội sẽ có những phức tạp mới, bởi lẽ sẽ xuất hiện một số đối tượng phạm tội không tố giác tội phạm là người nước ngoài. Sở dĩ có nhận định này là vì, trong những năm gần đây số người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam tiếp tục tăng và các băng nhóm tội phạm nước ngoài tiếp tục câu kết với các băng nhóm tội phạm ở nước ta để hoạt động trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực của nước ta.
Trên đây là dự báo mang tính khái quát về tình hình tội không tố giác tội phạm trong thời gian từ nay đến năm 2010 để làm cơ sở cho việc hoạch định các biện pháp đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thời gian tới ở nước ta.
chương 3
quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả