5. Hình phạt đối với người phạm tội không tố giác tội phạm
2.2.2. Nguyên nhân, điều kiện về chính sách, pháp luật
Trong hai mươi năm đổi mới, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta nói chung đã được đẩy mạnh, năng lực lập pháp, lập quy của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ngày càng được nâng cao. Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng được hoàn thiện, sự lãnh đạo của Đảng, mối quan tâm của toàn xã hội đối với hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng tăng. Nhờ vậy, hệ thống pháp luật nói chung và những quy định của pháp luật có liên quan đến tố giác tội phạm nói riêng đã được đổi mới về cơ bản, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, bảo đảm cho Nhà nước có pháp luật để quản lý xã hội và đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung, tội không tố giác tội phạm nói riêng.
Tuy nhiên, hoạt động xây dựng pháp luật còn chậm trễ, chưa đáp ứng được sự phát triển với tốc độ nhanh của nền kinh tế thị trường. Vấn đề cơ sở pháp lý của hoạt động phòng ngừa tội phạm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội không tố giác tội phạm nói riêng. Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định:
Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, do còn thiếu các quy định cụ thể của pháp luật về phòng ngừa tội phạm và những quy định của pháp luật có liên quan đến tố giác tội phạm chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ và còn nhiều sơ hở, nên không có sự ràng buộc pháp lý, chưa phát huy được vai trò của chủ thể nói trên trong công tác phát hiện, tố giác tội phạm, cho nên công tác phòng ngừa tội phạm chưa đạt hiệu quả cao.
Thực tiễn tổ chức thực hiện các biện pháp vận động quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm nảy sinh một số vướng mắc như: người được cử tham gia vào tổ chức tội phạm do yêu cầu của cơ quan chức năng trong trường hợp bị lộ, vẫn phải chịu
trách nhiệm hình sự hoặc quần chúng nhân dân tích cực tố giác hoặc trực tiếp truy bắt tội phạm mà bị trả thù hoặc bị thương tích, nhưng chưa có chính sách cụ thể để bảo vệ quyền lợi của họ.
Mặt khác, chúng ta cũng chưa có chính sách cụ thể để động viên, khen thưởng về mặt tinh thần và vật chất đối với những người có công phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, các tội phạm về ma túy, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, có tính quốc tế… Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, vì những người phát hiện, tố giác tội phạm là những người luôn luôn có nguy cơ bị bọn phạm tội đe dọa gây thiệt hại về thể chất, vật chất và tinh thần. Từ những vấn đề trên, đề nghị Bộ Công an nghiên cứu đề xuất với Quốc hội có chủ trương xây dựng và ban hành Pháp lệnh bảo vệ những người có công, giúp đỗ lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trước đây, trong Pháp lệnh ngày 30-10-1967 trừng trị các tội phản cách mạng, Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Pháp lệnh ngày 21-10-1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân, đều đã đề cập vấn đề động viên nhân dân tố giác tội phạm. Điều 12 Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ ngày 20-5-1981 còn quy định việc khen thưởng cả về tinh thần và vật chất đối với những người có công phát hiện tội hối lộ: "Những người tố giác và giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm trừng trị tội hối lộ thì được khen và được thưởng tiền bằng 10% giá trị của hối lộ đã bị tịch thu" [33, tr. 69]. Điều 12 Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép ngày 30-6-1982 quy định: "Người có công trong việc chống đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, được xét khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước. Ngoài ra, tùy theo tính chất của vụ án và công lao đóng góp của mỗi người, còn được thưởng một khoản tiền từ 5% đến 10% trị giá hàng hóa tịch thu hoặc tiền phạt" [33, tr. 98]. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 đều không đề cập gì đến việc khen thưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với những người có công phát hiện, tố giác, đấu tranh chống các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như các tội xâm phạm
an ninh quốc gia, tội giết người, các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm về ma túy… Đây có thể nói là một trong những tồn tại, thiếu sót của hai đạo luật quan trọng này.
Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 12 và Điều 314 Bộ luật hình sự năm 1999, bên cạnh những mặt được, vẫn còn nhiều tồn tại:
Thứ nhất, tại Điều 22 nhà làm luật chưa đưa ra được định nghĩa pháp lý của khái niệm không tố giác tội phạm. Đây là một trong những nhược điểm của Bộ luật hình sự năm 1999. Đáng lẽ ra, Điều 22 Phần chung Bộ luật hình sự năm 1999 phải đưa ra được định nghĩa pháp lý của khái niệm không tố giác tội phạm, còn Điều 314 Phần các tội phạm Bộ luật này quy định cụ thể về tội không tố giác tội phạm.
Thứ hai, việc khoản 2 Điều 22 và khoản 2 Điều 314 đều có quy định về trường hợp không tố giác ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội là sự trùng lặp không cần thiết về kỹ thuật lập pháp hình sự. Sẽ là hợp lý hơn, nếu trường hợp này chỉ được quy định tại Điều 314, bởi lẽ Điều 22 chỉ quy định những vấn đề chung, mang tính khái quát, còn giải quyết những trường hợp cụ thể, thì do Điều 314 quy định, sẽ hợp lý hơn.
Thứ ba, Điều 22 Bộ luật hình sự năm 1999 không phân biệt hành vi không tố giác tội phạm có hứa hẹn trước với hành vi không tố giác tội phạm không có hứa hẹn trước. Theo chúng tôi, hành vi không tố giác tội phạm có hứa hẹn trước khác về bản chất so với hành vi không tố giác tội phạm không có hứa hẹn trước, bởi lẽ sự hứa hẹn sẽ không tố giác tội phạm khi tội phạm đang được chuẩn bị, đang thực hiện có tác động củng cố ý định, quyết tâm phạm tội hoặc quyết tâm phạm tội đến cùng của người thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội có thể xảy ra hay không, có thể tiếp tục xảy ra hay dừng lại, rõ ràng phụ thuộc vào sự hứa hẹn không tố giác tội phạm. Vì vậy, xét về bản chất pháp lý, hành vi không tố giác tội phạm có hứa hẹn trước là một dạng giúp sức về tinh thần, tức là hành vi đồng phạm, chứ không phải là hành vi có liên quan đến tội phạm.
Thứ tư, Điều 313 liệt kê những tội phạm mà nếu không tố giác, thì người không tố giác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Người dân muốn
có nhận thức đúng về tội này để không thực hiện điều ngăn cấm do pháp luật hình sự quy định trên thực tế, phải nắm được Điều 313 Bộ luật này. Tuy nhiên, Điều 313 lại là điều luật dài nhất trong Bộ luật hình sự năm 1999 (dài hơn ba trang). Có thể nhận xét, việc thiết kế điều luật dài tới hơn ba trang là một trong những bất cập của nhà làm luật, bởi lẽ bản thân những chuyên gia pháp lý cũng không thể nào nhớ nổi điều luật này, thì người dân bình thường làm sao có thể hiểu, nhớ để đưa điều luật đi vào cuộc sống. Rõ ràng khi thiết kế điều luật này, cơ quan soạn thảo dự án luật, cũng như nhà làm luật đã không chú ý đến tính khả thi của việc áp dụng điều luật trong cuộc sống.
Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Với quy định này, trong thời gian qua, không ít trường hợp người dân đưa hối lộ, đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, đã bị một số Tòa án tuyên phạm tội đưa hối lộ. Đây là vấn đề bất hợp lý, bởi lẽ người dân có công trong việc phát hiện, tố giác tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999, không những không được khen thưởng về vật chất và tinh thần, trái lại còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này dẫn đến việc người dân không dám tố giác người nhận hối lộ và đây là một nguyên nhân làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta không đạt được kết quả mà người dân kỳ vọng.
Mặt khác, chúng ta chưa có những quy định cụ thể bảo vệ người tố giác tội phạm, bảo vệ người làm chứng. Đây là bất cập lớn đối với người dân, bởi lẽ nếu người dân không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự năm 1999, thì bị coi là phạm tội không tố giác tội phạm; nhưng nếu tố giác tội phạm, thì tính mạng, sức khỏe của bản thân người đó và gia đình lại bị bọn phạm tội đe dọa. Điều này làm cho
các cơ quan bảo vệ pháp luật phải trăn trở, vì bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng không những là nghĩa vụ mang tính đạo lý mà còn là nghĩa vụ pháp lý mà các cơ quan này phải thực hiện.
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khoản 3 Điều 103 Bộ luật này còn quy định: "Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm". Bảo vệ người đã tố giác tội phạm là vấn đề bức xúc hiện nay, vì trên thực tế không ít trường hợp người đã tố giác tội phạm bị đe dọa, chửi bới, thậm chí bị hành hung... Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chưa có quy định về những biện pháp cụ thể mà Cơ quan điều tra phải áp dụng để bảo vệ người đã tố giác tội phạm. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.