Pháp chế XHCN chỉ có thể được củng cố và tăng cường trên cơ sở có một hệ thống pháp luật ngày càng phát triển và hoàn thiện kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, kịp thời phản ánh đúng những đặc điểm của hiện thực XHCN trong từng giai đoạn phát triển cụ thể. Để làm được như vậy phải thường xuyên tiến hành hệ thống hóa các văn bản pháp luật đã có để phát hiện, loại bỏ những quy định đã lạc hậu, trùng lặp, mâu thuẫn, bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tế phát triển của xã hội; kịp thời thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định của pháp luật; có kế hoạch xây dựng pháp luật phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
Xây dựng một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với tình hình của mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể là vấn đề khó khăn phức tạp. Đặc biệt đối với nước ta hiện nay với những điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều biến động, chưa thuần nhất thì việc xây dựng pháp luật lại càng khó khăn hơn nhiều.
ở nước ta, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan mới được thành lập, không có tổ chức tiền thân và chưa có tiền lệ hoạt động, do vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN là điều cấp thiết, tạo cơ sở cho việc tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Pháp luật về Kiểm toán Nhà nước là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Pháp luật về Kiểm toán Nhà n- ước xác định địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước cũng như quyền và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và các bên có liên quan trong quá trình hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Như vậy, pháp luật về kiểm toán nhà nước là cơ sở cho sự tồn tại và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, cần phải được hoàn thiện, bảo đảm tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước. Tính toàn diện của hệ thống pháp luật được biểu hiện ở hai yêu cầu: yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể.
Thứ nhất, yêu cầu chung của tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán
nhà nước thể hiện ở sự đầy đủ của các luật có liên quan có cơ cấu nội dung lôgic khách quan. Các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động bao giờ cũng nằm trong một chỉnh thể thống nhất, không được coi trọng loại quan hệ này mà coi nhẹ loại quan hệ khác.
Yêu cầu chung của tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước không chỉ đòi hỏi ở sự đầy đủ của các luật liên quan, mà còn đòi hỏi ở sự phát triển đồng bộ giữa các ngành luật, tức là các ngành luật phải cùng nằm chung trên một mặt bằng phát triển.
Thứ hai, yêu cầu cụ thể của tính toàn diện của hệ thống pháp luật về kiểm toán
nhà nước thể hiện ở sự đầy đủ các chế định pháp luật; các khía cạnh pháp lý và quy phạm pháp luật ngay trong bản thân nội dung Luật Kiểm toán nhà nước.
Để thực hiện các yêu cầu nêu trên, cần có một chiến lược xây dựng hệ thống pháp luật kiểm toán nhà nước lâu dài, mỗi giai đoạn cần có trọng tâm, trọng điểm để kịp thời ban hành các văn bản pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất để điều chỉnh về tổ chức và hoạt động KTNN. Chiến lược phát triển cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN cần được chia thành 2 giai đoạn trong trung hạn từ 2009 đến 2011 và giai đoạn dài hạn từ 2012 đến 2015 và tầm nhìn 2020.
Giai đoạn từ 2009 đến 2011
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hoá Luật Kiểm toán nhà nước. Rà soát quy định về KTNN trong các luật, các văn bản có liên quan để bổ sung, sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các quy định về tổ chức và hoạt động KTNN trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Cụ thể:
- Nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các luật có liên quan cho phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước về một số nội dung như: việc chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương của KTNN,thời hạn nộp báo cáo quyết toán ngân sách năm của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...
- Nghiên cứu ban hành cơ sở pháp lý thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế trước khi bổ nhiệm và mãn nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo và các nhiệm vụ khác cho phù hợp với vai trò và trách nhiệm của KTNN trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của kiểm toán nội bộ ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức có quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và
tài sản nhà nước. Xây dựng văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định của Luật KTNN, nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
- Xây dựng cơ chế sử dụng đội ngũ cộng tác viên và chế độ uỷ thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán để thực hiện kiểm toán một số đối tượng kiểm toán thuộc phạm vi của KTNN; quy định về trưng cầu giám định chuyên môn phục vụ công tác kiểm toán.
Giai đoạn từ 2012 đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm thích hợp một số điều khoản quy định đầy đủ và toàn diện về địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN và của Tổng KTNN; thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN. Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ liên quan đến KTNN nhằm khẳng định KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
- Hoàn thiện Luật Kiểm toán nhà nước và các luật có liên quan để phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra giám sát khác của Nhà nước; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ và phù hợp giữa Luật Kiểm toán nhà nước với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cán bộ, công chức..., làm cơ sở cho việc kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Hoàn thiện Luật KTNN theo hướng đảm bảo bao quát nhiệm vụ của KTNN đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công, mở rộng hoạt động kiểm toán doanh nghiệp theo hướng vừa kiểm toán như hiện nay, vừa kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.