Tăng cường sự quản lí của cấp trên và vai trò tự quản lí, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của bí thư Đảng uỷ xã

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng bí thư Đảng uỷ xã ở tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn hiện nay docx (Trang 69 - 71)

rèn luyện của bí thư Đảng uỷ xã

Quản lý cán bộ là một khâu quan trọng của công tác cán bộ. Quản lý cán bộ chủ chốt cấp dưới là một khâu quan trọng của cấp uỷ cấp trên trực tiếp. Quản lý cán bộ tốt mới nắm được tình hình đặc điểm của đội ngũ này để đề ra phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch công tác đúng đắn.

Theo phân cấp quản lý cán bộ, các cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, cá nhân bí thư Đảng uỷ xã và cán bộ kế cận bí thư Đảng uỷ xã là do Thường vụ huyện uỷ và cấp uỷ cơ sở quản lý. Các công việc như quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng… đều phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc đánh giá cán bộ phải được tiến hành theo đúng quy trình và có sự tham gia của người được đánh giá.

Quản lý bí thư Đảng uỷ xã của Thường vụ huyện uỷ phải bảo đảm đúng nội dung và nguyên tắc, theo quy chế chung của quản lý cán bộ: quản lý hồ sơ, quản lý công tác, quản lý quan hệ xã hội.

Khi Thường vụ huyện uỷ nắm chắc cán bộ thuộc diện mình quản lý, Thường vụ huyện uỷ sẽ hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân cán bộ, hiểu thuận lợi và khó khăn trong công tác của từng đồng chí. Qua đó có kế hoạch giúp đỡ cụ thể thiết thực, giúp cán bộ khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Bằng quản lý công tác, cấp quản lý cán bộ đánh giá được phẩm chất năng lực, phong cách lãnh đạo và hiệu quả công tác của cán bộ, đánh giá được triển vọng phát triển, các mối quan hệ gia đình, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp tới cán bộ. Việc tăng cường sự quản lý của cấp trên trực tiếp không dừng lại ở việc đánh giá cán bộ mà còn phải kiểm tra. Kiểm tra để biết cán bộ làm việc, báo cáo công tác đúng hay sai, phát hiện ưu điểm, khuyết điểm kịp thời để khuyến khích cán bộ phát huy ưu điểm, giúp đỡ cán bộ sửa chữa sai lầm khuyết điểm.

Trong công tác đảng viên nói chung và công tác quản lý cán bộ nói riêng, chúng ta vừa phải quan tâm tới sự quản lý của tổ chức vừa quan tâm tới sự phát huy vai trò tự quản lý của cá nhân cán bộ đảng viên, biến quá trình quản lý thành quá trình tự quản lý. Quản lý vừa là biện pháp để cán bộ làm việc trong sự thống nhất chung với toàn hệ thống, phát huy vai trò cá nhân, vừa nhằm bảo vệ cán bộ khỏi sự sa ngã, cám dỗ của các

thế lực chống phá cách mạng. Trong nhiều trường hợp quản lý để ngăn chặn, đưa cán bộ ra khỏi môi trường dễ làm sa ngã cán bộ.

Mọi sự cố gắng của tổ chức, của xã hội không thể tách khỏi sự tự quản lý của bản thân cán bộ. Cấp quản lý cán bộ phải tăng cường sự giáo dục, kích thích để cán bộ tự giác hoàn thành nhiệm vụ. Khi cá nhân tự khép mình trong tổ chức, hoạt động theo quy chế của tổ chức, đảng viên tự giác thực hiện điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước thì khi đó sự giáo dục, sự quản lý mới trở thành sự tự giáo dục, tự quản lý. Khi cá nhân có nhu cầu tự giáo dục, tự quản lý thì hiệu quả của việc đó mới thực sự cao.

Tự quản lý, tự giáo dục là một quá trình đòi hỏi ý chí, nghị lực và phương pháp của người cán bộ. Khi bản thân họ ý thức được tầm quan trọng của việc tự giáo dục, tự quản lý, tự rèn luyện thì họ sẽ biết cách tìm ra phương pháp phù hợp. Bên cạnh việc học các chương trình theo quy định, tham dự các đợt bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do các cấp mở để bồi dưỡng bí thư Đảng uỷ. Người cán bộ có năng lực, nhiệt tình sẽ tự xây dựng cho mình chương trình học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đó, nhiều lúc sẽ gặp phải những khó khăn mà tự mình khó có thể vượt qua. Vậy phương pháp đúng là như thế nào? Theo kinh nghiệm của nhiều người, khi xây dựng chương trình tự giáo dục, tự rèn luyện, họ sẽ công bố chương trình đó cho tập thể, nhờ tập thể và những người quan tâm giám sát, nhận xét. Đó là một biện pháp rất hữu hiệu. Khi được mọi người giám sát chương trình cá nhân thì bản thân cá nhân sẽ vượt qua được khó khăn tức thời. Như thế là chương trình tự học của họ sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.

Thấy rõ tác dụng việc giám sát của tập thể, của dư luận đối với sự nỗ lực của từng người, chúng ta cần “xây dựng một cơ chế để đảng viên và quần chúng thường xuyên có điều kiện bày tỏ sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm đối với người đứng đầu” [7, tr.138] của mình, qua đó cơ quan và cá nhân có trách nhiệm sẽ thu được những thông tin chính xác, kịp thời và xử lý cho phù hợp.

Đối với những cán bộ đang theo học các chương trình đào tạo bồi dưỡng, cấp uỷ đảng cần quan tâm tới kết quả học tập của đồng chí đó, bởi kết quả ấy là thước đo tương đối chính xác ý thức và khả năng cán bộ trong việc rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức và tích luỹ kiến thức.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng bí thư Đảng uỷ xã ở tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn hiện nay docx (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)