lượng bí thư Đảng uỷ xã
Luân chuyển cán bộ theo nghị quyết Đảng các cấp đã được thực hiện và có hiệu quả. Luân chuyển cán bộ qua các vị trí và môi trường công tác khác nhau là điều kiện tốt cho cán bộ rèn luyện khả năng lãnh đạo, am hiểu thực tế, trưởng thành vững vàng. Nhưng do một số trường hợp cụ thể việc luân chuyển chưa phù hợp và hiệu quả chưa cao nên gây hiểu nhầm trong cán bộ đảng viên và nhân dân, gây bức xúc cho cán bộ được luân chuyển.
Trong thời gian tới, Đảng yêu cầu phải tiến hành mạnh mẽ việc luân chuyển cán bộ. Nhưng cần nhận thức đúng về luân chuyển cán bộ, thực hiện và làm cho công tác cán bộ trở nên “bình thường hoá”, “coi đó là biện pháp gián tiếp bảo vệ cán bộ, cách ly khỏi môi trường dễ làm tha hoá cán bộ” [2, tr.51-52]. Lý luận và thực tế cho thấy rằng:
Luân chuyển cán bộ là một biện pháp tích cực, là một trong những khâu đột phá, tác động mạnh mẽ đến các khâu khác trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nhằm bồi dưỡng toàn diện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ có triển vọng trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua thực tiễn công tác [27, tr.5].
Nguyên tắc luân chuyển cán bộ là: nhìn chung chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, không luân chuyển cán bộ chuyên môn sâu, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Đó cũng là thực hiện chủ trương: “Kết hợp giữa luân chuyển cán bộ với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu” [27, tr.5]. Mục đích của Đảng là quyết tâm thực hiện luân chuyển cán bộ để trong những năm tới có cán bộ dự nguồn trẻ hơn, được đào tạo rèn luyện và thử thách tốt hơn... đây là vấn đề có tính chiến lược. Làm được điều đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của chúng ta có bản lĩnh chính trị tốt hơn, am hiểu thực tiễn sâu sắc hơn, có năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm và gần gũi gắn bó với nhân dân.
Cấp uỷ đảng mà đứng đầu là bí thư căn cứ vào đặc điểm của xã trong môi trường chung của tỉnh và huyện, căn cứ vào nhu cầu của xã, sở trường và năng lực của cán bộ để tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ. Triển khai luân chuyển cán bộ qua các chức vụ theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, có chính sách cụ thể, rõ ràng công khai, theo hướng trẻ hoá, chuyên môn hoá, quan tâm tiêu chuẩn và những nhân tố mới.
Khác với sự luân chuyển cán bộ ở cấp trên cơ sở, ở cấp cơ sở sự luân chuyển cán bộ từ xã này sang xã khác ít khả thi, mà chủ yếu là luân chuyển từ chức danh này qua chức danh khác trong phạm vi xã, giữa cán bộ chính quyền, Đảng và đoàn thể. Nếu cần, phải tăng cường cán bộ cấp trên cho cơ sở nhất là ở những cơ sở mà đội ngũ cán bộ yếu kém. Đảng yêu cầu “luân chuyển cán bộ ở huyện, tỉnh về công tác ở cơ sở với nhiệm vụ chính là dìu dắt, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ” [10, tr.180] hoặc luân chuyển cán bộ xã lên cấp trên để thời gian tới về xã theo quy hoạch.
Trong luân chuyển cán bộ, công tác tư tưởng phải làm chu đáo, sao cho tổ chức, cán bộ và nhân dân hiểu và vui vẻ chấp nhận, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ làm việc, coi đó là điều bình thường trong công tác cán bộ theo quan điểm của Đảng “cán bộ có vào có ra, có lên có xuống”. Trên cơ sở đó Đảng yêu cầu: mọi cán bộ đảng viên phải phục tùng tuyệt đối quyết định điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng, Nhà nước. Việc luân chuyển phải vì mục đích tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành, phù hợp yêu cầu công tác và khả năng của mỗi người.
Thực tế cho thấy, các đồng chí đã qua công tác chủ tịch (phó chủ tịch) UBND sẽ thuận lợi hơn khi nhận chức danh bí thư Đảng uỷ. Nguồn bí thư Đảng uỷ có chất lượng là những bí thư chi bộ giỏi, trưởng các ban ngành đoàn thể trong HTCT nên trong luân chuyển cán bộ cũng cần chú ý để có thể bố trí cán bộ qua các chức danh trên.
Cấp uỷ đảng có trách nhiệm chính trong việc bố trí sử dụng cán bộ. Việc bố trí cán bộ trong quy hoạch vào những công việc cụ thể cần chú ý tạo điều kiện để đưa dần đội ngũ kế cận vào vị trí, tạo thế và lực cho đội ngũ đó, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Trong một đơn vị công việc của Đảng, đoàn thể, chính quyền rất nhiều, không thiếu những chỗ để bố trí công việc phù hợp cho cán bộ nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy hoạch.