Một vài giải pháp nhằm nâng cao quyền sở hữu và hiệu quả sử dụng ruộng đất cho nông dân ở Phú Bình trong

Một phần của tài liệu SỞ HỮU VÀ SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT Ở HUYỆN PHÚ BÌNH, TỈNH THÁI NGUYÊN (TỪ 1997 ĐẾN 2008) (Trang 92 - 98)

hiệu quả sử dụng ruộng đất cho nông dân ở Phú Bình trong giai đoạn hiện nay.

3.4.1. Thực trạng ruộng đất ở Phú Bình

Từ khi giành được chính quyền sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, cùng với việc thi hành các chính sách ruộng đất, sở hữu và sử dụng ruộng đất ở huyện Phú Bình đã có những thay đổi lớn lao. Ruộng đất từ chỗ tập trung trong tay thực dân Pháp, địa chủ, phú nông… người nông dân không có hoặc có rất ít ruộng đất tới chỗ ruộng đất thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước, người nông dân làm chủ trên mảnh ruộng được giao.

Những thay đổi đó đã tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Bình có những bước tiến lớn. Người nông dân từ chỗ chỉ áp dụng những biện pháp lạc hậu để khai thác ruộng đất tới chỗ đẩy mạnh sử dụng khoa học kĩ thuật tiến bộ, đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, đưa giống mới vào sản xuất… tạo điều kiện thâm canh tăng vụ. Trong khi toàn tỉnh Thái Nguyên nói chung diện tích gieo cấy một vụ chiếm tỉ lệ không nhỏ, dẫn đến tình trạng lãng phí tiềm năng đất đai thì tại huyện Phú Bình, phần lớn diện tích đất đã được sử dụng gieo cấy hai vụ, số lượng ruộng ba vụ ngày một tăng lên. Nhờ đó mà năng suất, chất lượng cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của huyện ngày một nâng cao. Bên cạnh cây lúa là cây trồng chủ yếu từ xưa thì nay sản xuất nông nghiệp của huyện ngày một đa dạng với nhiều giống cây trồng, cung cấp nhiều mặt hàng nông sản, đã và đang tiếp tục hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, thực trạng ruộng đất cũng như sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Bình đang tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối. Cũng như tình trạng của các địa phương khác và toàn tỉnh Thái Nguyên nói chung,

ruộng đất ở huyện Phú Bình đang đứng trước nguy cơ manh mún, nhỏ lẻ. Đó là kết quả của chính sách giao khoán ruộng đất thực hiện theo nguyên tắc “có tốt, có xấu, có gần, có xa”. Theo đó, mỗi gia đình nông dân sẽ được nhận trên dưới 10 thửa ruộng, mỗi thửa ruộng trung bình khoảng 1 sào Bắc bộ và những thửa ruộng được giao lại thuộc các xứ, đồng khác nhau. Quá trình giao khoán ruộng đất đến từng hộ nông dân cho tới nay vẫn không có gì thay đổi về diện tích cũng như vị trí của từng thửa ruộng. Ví dụ như gia đình ông Trần Văn Thành xã Xuân Phương huyện Phú Bình có tổng số 8 sào ruộng nhưng lại chia thành 13 thửa khác nhau. Thửa ruộng nhỏ nhất (đất trồng rau) rộng 5 thước (khoảng 105m vuông), ruộng rộng nhất chỉ khoảng 1 sào 1 thước. Vị trí 13 thửa ruộng nhà ông Trần Văn Thành lại nằm ở 7 xứ đồng khác nhau. Hay như trường hợp gia đình ông Ngô Quang Sơn thôn Hạnh Phúc xã Xuân Phương, huyện Phú Bình có 8 sào 6 thước ruộng được chia thành 8 thửa ruộng ở 4 xứ đồng khác nhau. Việc giao khoán ruộng đất như trên mặc dù phát huy được tinh thần lực tự cường, sự hăng say lao động sáng tạo của mỗi hộ gia đình nông dân. Song mặt trái của nó là đưa đến tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng này sẽ gây cản trở việc áp dụng khoa học kĩ thuật vào đồng ruộng. Vì

vậy mà ở toàn tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Phú Bình nói riêng vẫn tồn tại phổ biến hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Tình trạng này kéo dài sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Phú Bình là một trong những huyện có nhiều thế mạnh để phát triển các loại cây trồng hàng năm nhưng việc sử dụng các loại đất này còn chưa hợp lý dẫn đến tình trạng để lãng phí tiềm năng đất đai. Nhiều loại cây công nghiệp ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng của vùng và có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao như lạc, đậu tương… nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, mặc dù sản lượng cây trồng có tăng nhưng lại thất thường không ổn định, giá cả còn phụ thuộc nhiều vào thị trường nông sản. Người nông dân vẫn đứng trước nỗi lo mất giá mỗi khi hoa quả được mùa. Do đó vấn đề đặt ra là làm sao để xây dựng được những quy hoạch mang tính chất chiến lược, phải tính toán được đầu ra cho sản phẩm để tránh tình trạng “đuợc mùa mất giá”.

Hiện nay mặc dù đất chuyên dùng và đất ở chiếm tỉ lệ thấp nhưng trong tương lai nhu cầu về các loại đất này sẽ tăng lên. Nó sẽ trở thành nguyên nhân gây sức ép trực tiếp cho đất nông nghiệp. Vì vậy cần phải có biện pháp sử dụng đất tiết kiệm trên

nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp.

Để có được nền kinh tế phát triển thì cơ sở hạ tầng hiện nay sẽ thay đổi, nhờ hệ thống giao thông thuỷ lợi sẽ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Sức ép lớn trong việc dành quỹ đất để nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đuờng hiện có và xây dựng các tuyến đường từ trục lộ đến các đường trong khu dân cư, công trình thuỷ lợi, hệ thống mương máng, hồ đập trong thời gian tới sẽ yêu cầu quỹ đất rất lớn và không tránh khỏi lấy vào đất nông nghiệp. Thực tế đó đòi hỏi các cấp chính quyền phải xây dựng những chính sách quy hoạch hợp lý để tránh tình trạng xâm lấn đất nông nghiệp một cách tự do.

Hiện tượng mua bán, tích tụ, tập trung ruộng đất một cách tự do đang có xu hướng gia tăng và ngày một phổ biến trên phạm vi huyện Phú Bình nói riêng, cả nước nói chung. Thực trạng đó một mặt phản ánh xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, mặt khác cũng làm nảy sinh những vấn đề phức tạp. Phần lớn quá trình chuyển nhượng ruộng đất diễn ra dưới hình thức mua bán trao tay, không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Phần lớn các gia đình vì có con cái thoát li, không có lao

động mà phải bán hoặc cho thuê ruộng đất. Trong quá trình trao đổi mua bán ruộng đất, hầu hết người bán và người mua đã quen biết nhau nên chỉ trao đổi qua tay mà không trên giấy tờ và có sự chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp cho thuê thì sau mỗi vụ thu hoạch thường là người đi thuê ruộng sẽ trả một phần thóc cho người chủ ruộng. Ví dụ như gia đình ông Trần Văn Thành ở thôn Hoà Bình, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình có tổng số tám sào ruộng, do con cái ông thoát ly làm công chức nên toàn bộ gia đình chuyển lên thành phố Thái Nguyên sinh sống. Tổng số tám sào ruộng của gia đình ông thành cho năm người thuê gồm: gia đình chị Nguyễn Thị Thiết (hai sào), gia đình chị Dương Thị Tuyết(1,5 sào), gia đình chị Dương Thị Hải (một sào)… Theo ông Thành, mỗi một sào thuê như vậy, người đi thuê trả cho người có ruộng (cụ thể là ông Thành) 2,5 nồi trên một sào (mỗi nồi là 25 kg), tức là một sào người thuê phải trả 62,5 kg. Tuy nhiên, ông Thành phải đóng các khoản thuế ruộng, các loại phí cho uỷ ban nhân dân xã Xuân Phương. Tình trạng tập trung mua bán, tích tụ ruộng đất một cách tự do kéo dài sẽ gây nên khó khăn cho nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Một phần của tài liệu SỞ HỮU VÀ SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT Ở HUYỆN PHÚ BÌNH, TỈNH THÁI NGUYÊN (TỪ 1997 ĐẾN 2008) (Trang 92 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w