Nhân dân Phú Bình sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp là 13845,93 ha trong đó có 10085,14 ha đất trồng cây hàng năm; 9296,55 ha đất vườn tạp, 1060,43 ha đất trồng cây lâu năm. Với tiềm năng đất đai như vậy, nhân dân Phú Bình cần cù lao động, giàu kinh nghiệm sản xuất, Phú Bình có điều kiện để phát triển nông nghiệp. Ngoài ra Phú Bình còn có 400,8 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Dưới thời Pháp thuộc, diện tích đất trồng trọt bị bỏ hoang còn nhiều, chỉ tính riêng thời Pháp thuộc đã lên tới 4000 ha. Dưới thời chiến, các loại cây công nghiệp và cây ăn quả được đưa vào trồng thử song không thu được kết quả.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong những năm thực hiện đường lối đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng gần đây, sản xuất nông lâm nghiệp của huyện được giữ vững và phát triển trên tất cả các mặt.
Năm 2005, trong toàn huyện diện tích đất nông nghiệp là 13622,79 ha, diện tích đất lâm nghiệp là 6229,93 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 66376 tấn; sản lượng lương thực có hạt bình quân trên người đạt 466 kg. Năng suất các cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày tương đối ổn định.
Về chăn nuôi, dưới thời Pháp thuộc ngành này phụ thuộc hoàn toàn vào trồng trọt kết hợp với trồng trọt trở thành một cơ cấu không thể tách rời. Sau ngày đất nước độc lập, ngành chăn nuôi đã được chú trọng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm của huyện tiếp tục được giữ vững và phát triển trong thời gian gần đây. Đàn trâu bò tăng từ 22549 con (2001) lên 26994 con (2005). Đàn lợn cũng tăng từ 88008 con (2001) lên 107737 con (2005). So với thời Pháp thuộc thì đây là cả một sự cố gắng lớn.
Sản xuất nông nghiệp tuy còn khó khăn, phụ thuộc vào thiên nhiên nhưng từ xưa đến nay Phú Bình vẫn được coi là vựa lúa, kho người, kho của ở Thái Nguyên. Do vị trí địa lý, giao thông thuận tiện cho việc giao lưu hàng hoá, đặc biệt thuận tiện trong cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội nên buôn bán ở Phú Bình có một vị trí đáng kể. Huyện Phú Bình có một số chợ lớn nằm sát
đường giao thông, đó chính là những cầu giao lưu hàng hoá đối với các vùng xung quanh như chợ Đồn, chợ Cầu, chợ Tân Đức, chợ Hanh. Thị trấn Hương Sơn ngày càng mở rộng, dân cư hội tụ về đây buôn bán ngày một sầm uất.
Nét nổi bật trong nông thôn Phú Bình trong 15 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế gia đình phát triển khá đa dạng, vững chắc: trồng cây, nuôi cá, nuôi gia súc gia cầm và làm thủ công nghiệp gia đình.
Trong những năm gần đây, cơ cấu sản xuất của huyện Phú Bình đã chuyển đổi nhanh chóng theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, giữ vững diện tích trồng lúa, đẩy mạnh thâm canh, thực hiện chương trình cao sản, kinh tế vườn phát triển nhanh từ 1362 ha năm 2001 lên 1882 ha năm 2005.
Tiềm năng về kinh tế nhất là tiềm năng về đất đai và sức lao động là đặc điểm đáng chú ý nhất của Phú Bình. Những năm 90 trở về trước, cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp (chiếm 91%) đến năm 2004 nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 70,54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 11,38%, dịch vụ chiếm 18,07%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong năm (2001-
2005) toàn huyện đạt 6,8%; đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần ổn định chính trị và an ninh xã hội trong vùng.