Ngay trong những năm thuộc thập kỉ 80 của thế kỉ XX, cùng với vấn đề đổi mới toàn diện đất nước, vấn đề đổi mới cơ
chế quản lý trong nông nghiệp đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Những văn bản trên đã tác động trực tiếp đến quan hệ ruộng đất trong nông nghiệp của Đảng, làm thay đổi căn bản quan hệ ruộng đất ở nước ta.
Bước sang những năm 90 của thế kỉ XX, để thực hiện những chủ trương của Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiềù chính sách để tiếp tục giải quyết vấn đề ruộng đất.
Tháng 7/1993, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua luật đất đai mới. Với luật đất đai, nhà nước ta đã chính thức giao quyền sử dụng đất cho nông dân (đất trồng cây ngắn ngày 20 năm, cây dài ngày 2 chu kì sản xuất – 50 năm). Người nông dân được quyền thừa kế, thế chấp, chuyển nhượng cho thuê đất đai.
Tháng 12/1998, Quốc hội khoá 10, kỳ họp lần thứ 4 đã thông qua “Luật sửa đổi” bổ sung một số điều của luật đất đai 1993 nhằm hoàn chỉnh thêm một bước luật năm 1993; đồng thời đáp ứng nhu cầu mới của phát triển đất nước.
“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao đất cho tổ chức, đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và các cá nhân sử dụng được ổn định lâu dài dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất. Nhà nước còn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất…”.
Điều 3:
1 - “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
2 – Hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất.
Điều 20 chương II có ghi rõ:
“Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Thời hạn giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất chấp hành đúng pháp luật về đất
đai thì nhà nước giao đất cho để tiếp tục sử dụng… [12; 218- 219-220]
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng đất đai trong tình hình mới, ngày 10/12/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký lệnh cộng bố “Luật đất đai mới” đã được quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003.
Chương I : Những quy định chung Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Điều 2: Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng luật này bao gồm:
1. Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
2. Người sử dụng đất.
3. Các đối tượng khác có liên quan dến việc quản lý và sử dụng đất.
Điều 5: Sở hữu đất đai.
1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu.
2. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt với đất đai như sau :
a) Quy định mục đích sử dụng đất thông qua việc quy định xét duyệt, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
b) Quy định về hạn mức giao đất và thời gian sử dụng đất. c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
d) Quy định giá đất.
Điều 9: Người sử dụng đất
1. Các tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế được nhà nước giao đất cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, tổ chức kinh tế nhận quyền sử dụng đất” [17; 13-15-16] .
Với “Luật đất đai mới” thực chất đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Nhưng việc thể chế hoá quyền sở hữu nhà nước được hoàn thiện dần qua việc xác định đồng thời quyền sử dụng lâu dài của người nông dân với ruộng đất. Chế độ tập thể hoá chấm dứt bởi nó không tạo lập được quyền lợi và trách nhiệm sử dụng đất đai một cách thực sự trên thực tế.
Sự ra đời và từng bước điều chỉnh luật đất đai như trên đã tiếp tục tạo nên những chuyển biến lớn trong quan hệ ruộng đất và tình hình sử dụng ruộng đất ở nước ta nói chung, ở huyện Phú Bình nói riêng. Tại huyện Phú Bình hiện đang tồn tại nhiều hình thức sở hữu ruộng đất khác nhau như: sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể… Nhưng sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân được xem là đáng chú ý nhất.
Bởi pháp luật nước ta đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước là người đại diện. Tuy nhiên, sở hữu pháp lý
và sở hữu thực tế của nhà nước về ruộng đất lại có sự tách rời nhau. Mặc dù luật pháp đã thừa nhận nhà nước là chủ sở hữu lớn nhất về ruộng đất nhưng nhà nước chỉ thực hiện quyền sở hữu về mặt pháp lý chứ không trực tiếp sử dụng ruộng đất.
Theo tổng kiểm kê đất đai năm 2005, huyện Phú Bình có 24936,11 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm 20285,7 ha, diện tích đất phi nông nghiệp chiếm 4539,21 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 111,2 ha [25;169]. Toàn bộ diện tích đất đai này xét về mặt pháp lý thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Nhưng trên thực tế nhà nước không sử dụng mà giao cho các cá nhân, các tổ chức trên địa bàn huyện Phú Bình (tổ chức kinh tế; cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp) khai thác và sử dụng.
Việc tách rời giữa sở hữu pháp lý với quyền sở hữu thực tế về ruộng đất ở huyện Phú Bình nói riêng và cả nước nói chung, hiện đang đem lại nhiều ý nghĩa như sau:
“Thứ nhất, nhà nước là người đại diện cho toàn dân nắm quyền sở hữu ruộng đất, cho dù nhà nước không trực tiếp sử dụng ruộng đất là để đảm bảo về mặt pháp lý quyền quản lý
chặt chẽ nguồn tài nguyên có hạn này của dân tộc, chống suy giảm về mặt diện tích cũng như về mặt chất lượng ruộng đất”.
Thứ hai, nhà nước muốn giữ quyền sở hữu pháp lý đối với ruộng đất là để đảm bảo sử dụng có hiệu quả ruộng đất theo quan điểm lợi ích toàn cục. Nhà nước sẽ dùng quyền sở hữu pháp lý để buộc những người được giao quyền sử dụng ruộng đất phải tuân thủ quy hoạch sử dụng ruộng đất mà nhà nước đã xây dựng.
Thứ ba, trong một chừng mực nhất định, việc duy trì quyền sở hữu pháp lý của nhà nước đối với ruộng đất là để đảm bảo quyền thu hồi tương đối để giành ruộng đất phục vụ lợi ích quốc gia.
Thứ tư, nhà nước phải giao quyền sử dụng ruộng đất cho các tổ chức, cá nhân để đảm bảo cho ruộng đất có chủ quyền quản lý cụ thể, khắc phục tình trạng vô chủ như thời kì trước khi diễn ra quá trình đổi mới.” [16; 62]
Nhìn chung, hình thức sở hữu nhà nước về ruộng đất được thực hiện là phù hợp với điều kiện nước ta. Tuy nhiên, hình thức sở hữu nhà nước về ruộng đất cũng có mặt hạn chế là nếu nhà
nước đưa ra những quy định để quản lý ruộng đất không phù hợp sẽ gây ra tác động không tốt tới kinh tế.
Cùng với sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân về ruộng đất cũng là một hình thức sở hữu điển hình và chủ yếu ở Phú Bình được bắt nguồn từ Nghị quyết 10 (5/4/1988) của Bộ chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 10:
Về quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất: nhà nước giao khoán ruộng đất cho nhân dân ổn định dài hạn trong khoảng 10 – 15 năm, chuyển nhượng, bán hoá giá trâu bò và những tài sản cố định khác mà hợp tác xã quản lý, sử dụng kém hiệu quả cho hộ xã viên.
Về quan hệ quản lý, khẳng định một bước vai trò tự chủ của hộ xã viên, hộ được quyền tự chủ đầu tư thâm canh phát triển sản xuất theo định hướng của hợp tác xã.
Tiếp đó, ngày 29/3/1989, Ban chấp hành trung ương khoá VI đã họp hội nghị lần thứ 6 nhằm tiếp tục hoàn thiện tư tưởng, đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Một trong ba quan điểm và
phương hướng lớn để chỉ đạo kinh tế nông nghiệp là khẳng định: “hộ gia đình nông dân xã viên trở thành đơn vị kinh tế tự chủ”.
Theo đó huyện Phú Bình đã tiến hành khoán gọn ruộng đất đến từng hộ gia đình nông dân. Đồng thời chuyển nhượng đàn trâu bò tập thể cho các gia đình xã viên quản lý. Ruộng đất từ chỗ được làm chủ bởi tập thể hợp tác xã đến chỗ được làm chủ bởi hộ gia đình. Người nông dân từ chỗ làm công cho hợp tác xã, nay được làm chủ trên mảnh ruộng hợp tác xã giao cho. Vì được giao quyền sử dụng lâu dài nên người nông dân đã có những quyền hạn không chỉ thuần tuý của người sử dụng mà phần nào còn là của người sở hữu. Với những quyền hạn trên, có thể nói người nông dân là người sở hữu trên thực tế phần ruộng được giao. Hình thức sở hữu tư nhân về ruộng đất chính thức được xác lập. Trước đây người nông dân được giao khoán bao nhiêu ruộng, vị trí ở đâu thì tới nay diện tích và vị trí những thửa ruộng được giao đó vẫn không có gì thay đổi. Xét về lâu dài, hình thức sở hữu này có thể dẫn đến tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ khó áp dụng khoa học kĩ thuật. Song trước mắt nó đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân. Làm chủ trên mảnh ruộng được giao, người nông dân hăng hái sản
xuất, phát huy tinh thần sáng tạo, đẩy mạnh đầu tư về vốn khoa học kĩ thuật… kích thích sản xuất phát triển. Cho đến nay, hình thức sở hữu tư nhân vẫn là một trong những hình thức sở hữu chủ yếu nhất và đang tiếp tục phát huy hiệu quả trong một nền nông nghiệp đang trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Như vậy, tại huyện Phú Bình từ năm 1997 – 2008 tồn tại 2 hình thức sở hữu chủ yếu nhất về ruộng đất là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Pháp luật đã thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất về mặt pháp lý thuộc về nhà nước. Còn các hộ nông dân, tuy nhà nước chưa hề tuyên bố ruộng đất thuộc sở hữu của họ nhưng trên thực tế người dân lại là chủ thể không chỉ trực tiếp được sử dụng mà còn được thế chấp, chuyển nhượng, cho thuê đất đai. Do vậy, người nông dân chính là người sở hữu thực tế về ruộng đất. Hai hình thức sở hữu này đều có mặt tích cực của nó. Điều đó khẳng định chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về ruộng đất là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực những hình thức sở hữu này còn tồn tại một vài hạn chế. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đề ra những biện pháp khắc phục góp phần đưa sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú
Bình nói riêng, toàn tỉnh Thái Nguyên nói chung phát triển một cách toàn diện và mang tính chất bền vững.