II. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT THƠ ĐƯỜNG:
1. Nhận xét chung:
Đường thi trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã khẳng định được giá trị to lớn của nó trong dòng chảy không ngừng của nền thi ca nhân loại. Có thể nói rằng, nắm được và yêu Đường thi, ta sẽ hiểu và yêu thi ca cổ điển Việt Nam, hiểu và yêu cội nguồn tư tưởng, nghệ thuật và thẩm mỹ của dân tộc ta. Bởi vì, chính từ cội nguồn ấy, cùng với tinh thần dân tộc mãnh liệt, cùng với sự chọn lọc và tiếp nhận thông minh của cha ông ta suốt lịch sử sau đó, chúng ta có Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, nhóm Thơ Mới... Qua đó chúng ta có thể thấy
Đường thi có ý nghĩa như thế nào đối với thi ca Việt, thẩm mỹ Việt, tâm hồn
Việt. Thơ Đường đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà lí luận, phê bình văn học không chỉ ở trong nước mà mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ, quốc gia. Được soi sáng bởi các luồng tư tưởng mới mẻ và quan điểm tiến bộ của lí luận văn học phương tây, chúng ta đang ngày càng phát hiện ra những giá trị tiềm ẩn của di sản thi ca bậc nhất nhân loại này. Những thành tựu ấy đã chi phối không nhỏ đến việc xây dựng nội dung chương trình Đường thi trong SGK PT để giảng dạy cho HS.
Nhìn dưới góc độ mĩ học tiếp nhận, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nội dung đó trong hai bộ SGK Văn 10 cải cách ở miền Bắc và miền Nam năm 1989-90, trong đó có sự so sánh với bộ SGK Văn chỉnh lí hợp nhất năm 2000. Từ sự khảo sát này, chúng tôi đã rút ra những điểm giống và khác nhau về công tác biên soạn cũng như tuyển chọn Đường thi trong hai bộ SGK này; đồng thời lí giải quá trình đó dưới ánh sáng của thi pháp học hiện đại và mĩ học tiếp nhận. Chúng tôi có thể đưa ra một số nhận xét chung như sau:
+ Các tác giả, tác phẩm được tuyển chọn: cả hai bộ SGK miền Bắc và miền Nam đều tuyển chọn các tác phẩm của 4 nhà thơ lớn đời Đường đó là: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị mà trọng tâm là Lý Bạch và Đỗ Phủ. Trong 4 nhà thơ này chỉ có Bạch Cư Dị ở ở thời Trung Đường còn lại đều là những đại biểu xuất sắc của thời thịnh Đường. Sự tuyển chọn này là hợp lí và dễ hiểu bởi thịnh Đường là thời kì hoàng kim của thơ cổ điển Trung Quốc. Lý Bạch và Đỗ Phủ là hai nhà thơ vĩ đại đại diện cho hai khuynh hướng sáng tác khác nhau đó là: lãng mạn và hiện thực.
Mặc dù đều tuyển chọn 4 nhà thơ trên đưa vào chương trình SGK nhưng hai bộ sách này lại khác nhau trong việc tuyển chọn các tác phẩm cũng như vai trò của các tác phẩm đó trong chương trình. Đặc biệt là các tác phẩm của Đỗ Phủ ở hai bộ SGK này hoàn toàn không có sự thống nhất với nhau. Bên cạnh đó, cùng một tác phẩm nhưng ở bộ sách này nó là tác phẩm giảng chính nhưng ở bộ sách kia lại là bài đọc thêm. Có thể lí giải điều này là do tầm đón nhận và kinh nghiệm thẩm mỹ của hai nhóm soạn giả này có sự khác nhau; đồng thời chúng ta cũng phải kể đến sự chi phối của tư tưởng, quan điểm của Đảng, địa phương đến quá trình tuyển chọn và sắp xếp chương trình SGK. Hai yếu tố chủ quan và khách quan này đều tác động trực tiếp đến công việc thiết kế chương trình giảng dạy Đường thi trong nhà trường PT.
+ Việc lựa chọn các bản dịch: về điểm này, ở hai bộ SGK miền Bắc và miền Nam đã có sự thống nhất với nhau. Qua khảo sát bản dịch và các dịch giả được lựa chọn trong SGK, chúng ta thấy trong cả hai bộ SGK năm 1989- 90, có 7 tác phẩm với 7 dịch giả được lựa chọn. Chúng ta thấy có những gương mặt khá tiêu biểu đó là: Tản Đà, Khương Hữu Dụng, Tương Như, Nguyễn Công Trứ, Ngô Tất Tố, Nam Trân, Phan Huy Thục, trong đó Tản Đà dịch 2 tác phẩm (Nguyệt dạ và Hoàng Hạc lâu). Đây đều là những dịch giả xuất sắc ở nước ta và các bản dịch của họ đã phần nào lột tả hết được những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Vì vậy việc cả hai bộ
SGK Văn năm 1989-90 đều lựa chọn các bản dịch này là một điều dễ hiểu và không cần phải giải thích gì thêm.
- Về công tác biên soạn tác phẩm Đường thi trong hai bộ SGK miền Bắc và miền Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy bên cạnh sự khác nhau về cách dùng tiêu đề tác phẩm, cách giới thiệu tác phẩm, tình trạng vật lí (kênh chữ, kênh hình)... quan trọng hơn đó là sự khác nhau về nội dung trình bày và cấu trúc chi tiết của các bài học Đường thi. Cụ thể đó là những tri thức về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả; xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, cách chú thích, cách đặt câu hỏi, nội dung câu hỏi... Chúng tôi đi sâu vào vào khảo sát kĩ phần câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu bài và rút ra một nhận xét chung là: cả hai bộ SGK này đều tập trung khai thác những câu hỏi thiên về nội dung và bản chất tái hiện nhiều hơn những câu có bản chất sáng tạo. Phần gợi ý có những câu quá chi tiết đôi khi chính là sự áp đặt kiến thức đối với HS, hạn chế quá trình tư duy, sáng tạo của HS. Đây là một hạn chế lớn trong công tác biên soạn SGK và hạn chế này đã được khắc phục trong các bộ SGK cải cách những năm về sau.
Dựa trên những kết quả khảo sát thực tế, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và lí giải nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong quá trình biên soạn hai bộ SGK Văn 10 cải cách ở miền Bắc và miền Nam năm 1989-90. Những yếu tố cơ bản chi phối đến công tác tuyển chọn và biên soạn tác phẩm Đường thi trong SGK có thể kể đến trước hết và gián tiếp đó là những tác động của văn cảnh xã hội bao gồm: tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước cũng như của mỗi địa phương, vùng miền; những tư tưởng, quan điểm, mục tiêu giáo dục của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Sau đó phải kể đến sự chi phối mạnh mẽ và trực tiếp đó là tác động của lí luận văn học đến quá trình biên soạn SGK PT mà cụ thể là những thành tựu của thi pháp học hiện đại và ảnh hưởng của mĩ học tiếp nhận đang ngày càng phổ biến trong đời sống văn học nước ta. Hai tác động trên có những đặc điểm và vai trò chi phối khác nhau đến người
đọc (tầm đón nhận, kinh nghiệm thẩm mỹ), quy định việc tuyển chọn và biên soạn SGK.