Mục đích cuối cùng của quá trình CNH, HĐH đất nước chính là nhằm đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, tạo những điều kiện tốt nhất để mọi người dân đều được chăm sóc, phát triển toàn diện. Do đó, trong khi đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng việc phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhằm cải thiện đời sống của đồng bào, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người, từng bước nâng cao trình độ các vùng, miền đặc biệt khó khăn.
Xóa đói giảm nghèo là một trong những chính sách xã hội cơ bản và ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng chỉ rõ mục tiêu "phấn đấu đến năm 2010, về cơ bản không còn hộ nghèo". Tuy nhiên, để nhanh chóng đưa kinh tế - xã hội phát triển, tiến tới xóa hết đói nghèo, không chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước hay của riêng những người nghèo phải phấn đấu, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, của mỗi tổ chức xã hội, cá nhân và quốc tế.
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội đã tổ chức thực hiện xúc tiến rất mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Khoảng 30% số đơn
vị khoa học - công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội đã triển khai các hoạt động phát triển
Nội dung chủ yếu trong hoạt động này của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội là tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội, giáo dục pháp luật, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề giới và bình đẳng giới, xây dựng quy chế cộng đồng, phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng các mô hình phát triển bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đào tạo, bồi dưỡng nông dân tiêu biểu, nòng cốt...
Với sự ủng hộ của nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước cả về vật chất và tinh thần, những năm qua đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo. Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ của hơn 20 đơn vị KH&CN thuộc Liên hiệp Hội, có 35 dự án đã được triển khai, trong đó có 16 dự án dành cho công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu, 5 dự án cho công tác giáo dục và văn hóa, 4 dự án cho vấn đề giới và bình đẳng giới, 4 dự án cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, 6 dự án cho việc xây dựng các mô hình phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo (phụ lục 6). Các dự án được triển khai tại nhiều địa phương, 15 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tây, Nghệ An, Quảng Bình, Cần Thơ, An Giang.
Trải qua 5 năm hoạt động, Liên hiệp Hội với các dự án đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, đặc biệt là chị em phụ nữ, già làng, trưởng bản, nông dân nòng cốt trong các vùng dân tộc ít người. Thông qua việc triển khai các dự án, đội ngũ trí thức thộc Liên hiệp Hội đã góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực của cán bộ và nhân dân nhiều địa phương, tạo điều kiện cho họ tiếp thu những yếu tố văn hóa lành mạnh, những kiến thức khoa học - công nghệ và kỹ năng lao động mới, thay đổi phương thức canh tác, hăng hái lao động sản xuất, tăng mức thu nhập. Các dự án đã có tác dụng rõ rệt đối với việc cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân, giúp đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lợi ích thông qua các hoạt động phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo của trí thức thuộc Liên hiệp Hội không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, nâng cao nhận thức về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, mà quan trọng hơn là tạo cho họ ý thức làm chủ, tinh thần chủ động trong việc thay đổi đời sống của chính bản thân họ, tránh việc ỷ lại, trông chờ từ nhà nước và các tổ chức xã hội khác. Với phương châm đưa cho người nghèo không chỉ "cần câu", "con cá", mà phải hướng dẫn cách câu đã giúp họ học cách tự mình vươn lên làm giàu, thoát khỏi đói nghèo.
Mặt khác, kết quả mà các hoạt động này đem lại cho người nghèo còn mang tính bền vững bởi: (1) đã huy động được trí tuệ của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia dự án, (2) tôn trọng sự tham gia trực tiếp của người dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, (3) đã chú trọng nâng cao năng lực và tính tự chủ sáng tạo của người dân, (4) có sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức bản địa, văn hóa truyền thống với kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, Liên hiệp Hội phối hợp với lãnh đạo các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và khu vực miền núi Bắc Bộ tổ chức các cuộc tọa đàm nhằm đúc rút và trao đổi kinh nghiệm về phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo. Hội thảo về "xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số: phương pháp tiếp cận" được tổ chức năm 2001 tại Hà Nội đã cung cấp cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn để giúp các nhà khoa học tổng kết những bài học về phương pháp tiếp cận để phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo tại các vùng dân cư, đặc biệt là các vùng dân tộc ít người, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Bằng phương pháp tiếp cận từ dưới lên, tức là xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo phương pháp "cầm tay chỉ việc", nhờ vậy hoạt động xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tốt, phương pháp tiếp cận này đã được nhân rộng trong các địa phương.
Những cuộc tọa đàm về chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện các dự án phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo tại các khu vực được tổ chức sau đó cùng
mang lại hiệu quả lớn. Trong đó, các nhà khoa học cùng trao đổi tìm ra các nguyên nhân cơ bản của thực trạng đói nghèo (trình độ dân trí thấp, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng yếu kém, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt…), tìm ra phương pháp phù hợp để giúp người dân thoát khỏi nghèo đói, quy trình đó còn áp dụng có hiệu quả là phân nhóm, (theo nguyên nhân, trình độ, năng lực của từng hộ dân), để có giải pháp ưu tiên tương ứng. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên của vùng đó mà các nhà khoa học lựa chọn giống cây, con và phương thức canh tác phù hợp với trình độ, khả năng của người dân…
Thông qua chương trình liên kết "bốn nhà": nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý (bao gồm các bộ, ngành quản lý nhà nước), nhà doanh nghiệp bao gồm cả các nhà ngân hàng thực hiện liên kết để phục vụ cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa, đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội đã chuyển giao những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đến nông dân, thực hiện tốt vai trò của nhà khoa học trong khối liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức.
Những đóng góp trên đối với công tác xóa đói giảm nghèo không chỉ là về mặt KH&CN, mà thông qua phương pháp tiếp cận để có các giải pháp phù hợp, các nhà khoa học đã phát huy được nội lực của người dân. Sự hỗ trợ những tiến bộ khoa học, công nghệ là rất cần thiết, quyết định việc thúc đẩy và mang lại hiệu quả của hoạt động này, tuy nhiên đó là sự hỗ trợ từ bên ngoài, để sự hỗ trợ bên ngoài này đạt hiệu quả cao và có tính bền vững thì cần phải được kết hợp với các yếu tố nội sinh. Không ai khác, chính những người nghèo phải tự nỗ lực, chủ động vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Với nguồn kinh phí còn ít nhưng các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội đã phát huy có hiệu quả trong hoạt động xóa đói giảm nghèo. Tuy vậy, việc thực hiện công tác
này vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Về nguồn lực, chưa huy động được đông đảo trí
thức KH&CN tham gia. Trong số hơn 200 đơn vị KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội, mới có khoảng 30% đơn vị có những hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo,
còn một lực lượng lớn chưa tham gia. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thiếu kinh phí hoạt động. Những đơn vị đã tham gia công tác này chủ yếu tự lo kinh phí thông qua các dịch vụ, sản xuất và sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Do đó, tính chủ động, tích cực của đội ngũ trí thức của một số Hội ngành bị hạn chế, khó có điều kiện tham gia công tác này.
Địa bàn hoạt động chưa rộng, mới tập trung vào một số vùng, miền, chỉ có 15/62 tỉnh thành trong cả nước. Còn nhiều khu vực khó khăn hiện đang rất cần có sự trợ giúp, hướng dẫn của KH&CN để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm tiến hành chưa được kịp thời để làm cơ sở cho việc nhân rộng các mô hình tốt; nguồn kinh phí ít và không đều, không ổn định.
Trong các nhiệm vụ của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội, hoạt động phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo luôn luôn được quan tâm, coi trọng. Có thể thấy, đây là một trong những thành công của đội ngũ này. Về mặt xã hội, nó có tác động to lớn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong dân cư, đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhân dân được tiếp cận với những kiến thức khoa học, công nghệ tiến bộ. Mặt khác, nhận thức của người dân có sự phát triển, dân trí được nâng lên việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã bước đầu đạt hiệu quả tốt. Đó là những cố gắng và đóng góp lớn của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước.