Hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật và hoạt động xã hội hóa công tác giáo dục đào tạo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay pptx (Trang 58 - 63)

Nước ta tiến hành CNH, HĐH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ dân trí thấp, do vậy gặp không ít những khó khăn, thách thức. Cho nên nhiệm vụ cơ bản và lâu dài trước hết là phải nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhận thức của người dân được nâng cao sẽ là điều kiện thuận lợi để đưa các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống đạt hiệu quả.

Việc phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ của trí thức thuộc Liên hiệp Hội, đồng thời cũng là chức năng của người trí thức nói chung. Nhằm góp phần nâng cao trình độ về khoa học và kỹ thuật cho quần chúng, đồng thời

đưa nhanh những tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống, những năm qua đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội đã có nhiều cống hiến quan trọng với nhiều hình thức khác nhau trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, góp phần quan trọng vào thành quả bước đầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Do Liên hiệp Hội là nơi tập hợp đội ngũ trí thức với nhiều chuyên ngành khác nhau, nên nội dung kiến thức mà đội ngũ này truyền tải đến quần chúng là rất phong phú, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhân dân.

Thông qua hình thức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho hội viên và

quần chúng nhân dân, đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ cho hàng trăm nghìn người. Tại cơ quan thường trực Liên hiệp Hội, năm 1999 đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý các tổ chức KH&CN... cho 665 học viên; năm 2000 mở 10 lớp về công tác Đảng và phổ biến các văn kiện Đảng, công tác quản lý các đề tài khoa học... cho 685 học viên; năm 2001 mở 10 lớp bồi dưỡng cho nhiều người về Luật KH&CN, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam, sử dụng mạng Internet...; năm 2002, mở các lớp về xây dựng khung lôgíc cho một dự án, nghiệp vụ văn phòng... cho 480 học viên; năm 2003 mở các lớp về bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh, tập huấn nâng cao năng lực tư vấn... cho 630 học viên (xem phụ lục 4).

Hình thức đào tạo ngắn hạn cũng được tổ chức các Hội ngành Trung ương và Liên hiệp Hội địa phương áp dụng rộng rãi nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của hội viên và người lao động. Chỉ tính riêng kết quả đào tạo, tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ về các lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong năm 2001 của 12 Hội ngành Trung ương và một số Liên hiệp Hội địa phương đã tổ chức được 50 lớp và hơn 6.000 người tham gia. Nhờ đó, trong những năm gần đây, hội viên và quần chúng nhân dân đã có thêm nhiều kiến thức khoa học và kỹ thuật cần thiết cho sản xuất và đời sống. Kết quả đó là công sức, trí tuệ của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội, đặc biệt là trí thức thuộc các hội ngành Trung ương - những người có tri thức chuyên ngành mang tính chuyên sâu. Trong số đó, các Hội ngành có đóng góp tích cực tiêu biểu như Hội Kế toán Việt Nam,

mở 230 khóa bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về tài chính, kế toán, kiểm toán cho 21312 học viên; Hội Cơ khí mở các khóa đào tạo, tập huấn về máy tính, CAD, CAm,... cho 3590 học viên; Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam đã tổ chức các lớp viễn thám, y tế viễn thông, công nghệ thông tin... cho 1250 học viên, v.v... (xem phụ lục 5).

Hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội còn thể hiện thông qua các ấn phẩm, sách báo, các kênh thông tin đại chúng với nhiều hình thức, nội dung đa dạng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mọi tầng lớp nhân dân, phục vụ đến mọi miền của đất nước. Lực lượng nòng cốt trong công tác này là hệ thống gần 150 tờ báo, tạp chí và các ấn phẩm định kỳ khác nhau chiếm trên 1/3 tổng số báo chí khoa học của cả nước, trong đó số ấn phẩm định kỳ của Liên hiệp Hội là 6, chiếm 4,15%, của các Hội ngành Trung ương là 82, chiếm 56,16%, của các liên hiệp hội tỉnh, thành phố là 43, chiếm 29,45%, và của các đơn vị trực thuộc là 15%, chiếm 10,27%. Ngoài ra, sự xuất hiện các trang Web của Liên hiệp Hội www.vusta.org.vn, của Thời báo kinh tế Việt Nam www.vneconomy.com.vn và của một số Hội thành viên là một nét mới trong công tác phổ biến kiến thức, tạo điều kiện cho các thông tin có thể lan tỏa rộng hơn, xa hơn ở trong nước và trên thế giới.

Bên cạnh các ấn phẩm định kỳ nêu trên, các tổ chức hội khoa học và kỹ thuật đã xuất bản được hàng trăm đầu sách có giá trị. Tiêu biểu như "Khoa học - công nghệ Việt Nam: Những sắc mầu tiềm năng" và "Khoa học và Công nghệ Việt Nam: các công trình và sản phẩm được giải thưởng khoa học - công nghệ Việt Nam". Hầu hết các Hội ngành Trung ương đều có các sách chuyên khảo, kỷ yếu hội nghị, từ điển chuyên ngành, tài liệu hướng dẫn, tờ rơi phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo, tuyên truyền và phổ biến kiến thức.

Câu lạc bộ là hình thức quan trọng và hữu hiệu để phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng. Mạng lưới rộng khắp bao gồm hơn 40 câu lạc bộ của Liên hiệp Hội và các hội thành viên thu hút khoảng 11 nghìn hội viên. Câu lạc bộ Thời sự -

Khoa học tại cơ quan thường trực Liên hiệp Hội sinh hoạt đều đặn hàng tháng với chương trình và nội dung phong phú, có buổi thu hút hơn 100 người dự. Nhiều hội thành viên cũng duy trì được hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ như Câu lạc bộ Chuyên gia xây dựng lão thành, Câu lạc bộ Kế toán trưởng, Câu lạc bộ Người tiêu dùng.

Một kênh quan trọng khác được Liên hiệp Hội và các hội thành viên sử dụng có hiệu quả là các phương tiện thông tin đại chúng. Liên hiệp Hội đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam mở các chuyên mục hỏi đáp về khoa học - kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Đáng chú ý là các chuyên mục "Cùng nông dân bàn cách làm giàu", "Bạn của nhà nông", phát đều kỳ trên sóng truyền hình.

Mặt khác, cùng với các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, đội

ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội cũng đặc biệt quan tâm và tích cực tham gia xã hội hóa

giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Điều này được phản ánh cụ thể ở các mặt sau:

- Bảo trợ cho các trường cao đẳng, đại học và các trường phổ thông dân lập. Đến nay đã có ba trường đại học, một trường cao đẳng và nhiều trường phổ thông dân lập các cấp ra đời dưới sự bảo trợ hoặc quản lý của các hội thành viên của Liên hiệp Hội.

- Phối hợp với các trường cao đẳng, đại học công lập tổ chức nhiều khóa đào tạo ở bậc cao đẳng và đại học về luật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và y tế. Đến nay trên 4,5 vạn sinh viên đã và đang được đào tạo tại các trường đại học dân lập và các khóa đào tạo dài hạn.

- Hỗ trợ và khuyến khích học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi và học sinh, sinh viên là con em thương binh liệt sĩ và đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm học 1998 - 1999 đến (6/2003), bằng nguồn vốn huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước,

hơn 1.300 suất học bổng trị giá trên 1,25 tỷ đồng đã được cấp cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi thuộc 24 tỉnh, thành phố và 20 trường đại học và cao đẳng. Bên cạnh đó, trí thức thuộc Liên hiệp Hội thông qua Liên hiệp Hội để trao nhiều phần thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt giải tại các kỳ thi quốc tế về toán học, tin học, hóa học, vật lý và cho các học sinh, sinh viên học giỏi là con thương binh, liệt sĩ.

- Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Liên tục trong nhiều năm qua, Liên hiệp Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, tuyển chọn và tặng thưởng cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc. Nhiều Hội ngành Trung ương và Liên hiệp Hội địa phương đã giới thiệu các tài năng trẻ đi dự các Hội nghị quốc tế và đi du học ở nước ngoài. Chỉ tính riêng Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam dành cho sinh viên xuất sắc trong các trường đại học từ năm 1998 đến năm 2003, gần 500 tài năng trẻ đã được trao giải thưởng với số tiền trên 900 triệu đồng.

Những đóng góp của đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội trong lĩnh vực này đã góp phần nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội, càng củng cố vững chắc hơn khối liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và trí thức. Song, trước những yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, việc phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, phát triển giáo dục, đào tạo cần phải được triển khai sâu rộng đến khắp các vùng, miền trong nước, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa - nơi rất cần thông tin, tri thức KH&CN.

Ngoài ra, nội dung của hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhất là khoa học quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, mới chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Mặt khác, hiện còn thiếu cơ chế, chính sách động viên trí thức làm công tác phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ, do vậy, chưa tạo ra được động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nhà khoa học say mê thực hiện công việc này.

Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng và xã hội hóa giáo dục là yêu cầu khách quan của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, là quá trình biến tri thức khoa học thành sức mạnh vật chất để tạo tiền đề cho sự phát triển của xã hội. Do vậy, hoạt động này cần phải được đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội chú trọng cả về nội dung, hình thức truyền đạt thông tin và tham gia tích cực hơn nữa trong việc xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để công tác này đạt hiệu quả cao hơn.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay pptx (Trang 58 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)