nhân lực các dân tộc thiểu số Thanh Hóa
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được do các nhân tố mới về chất lượng nguồn nhân lực đem lại, vẫn còn những tồn tại, hạn chế:
Một là, do sự phát triển quá nhanh của dân số trong bối cảnh nền kinh tế chưa phát triển, y tế, giáo dục và đào tạo cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản chưa đáp ứng kịp, đã và đang gây sức ép lớn về nhu cầu học tập, đào tạo và việc làm. Chất lượng dân số còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu cao về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH.
Hai là, tuy có lực lượng lớn và tăng nhanh trong vài năm gần đây nhưng nhân lực các dân tộc thiểu số Thanh Hóa lại tập trung ở nông thôn là chủ yếu, lao động làm việc trong các khu vực kinh tế khác còn rất ít. Các ngành nông, lâm nghiệp sử dụng trên 80% lực lượng lao động của vùng; cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhưng sự chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra rất chậm chạp.
Ba là, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Thanh Hóa còn quá thấp, mới chỉ có 9,49% lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp học nghề trở lên trong đó trình độ lao động từ công nhân kỹ thuật có bằng trở lên chỉ chiếm 2,8%, còn 90,51% là lao động giản đơn có tính chất truyền thống không qua đào tạo. Do đó trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Thanh Hóa thấp hơn các vùng, miền trong tỉnh.
Bốn là, sự hình thành các nguồn lao động còn chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chưa đáp ứng kịp với công nghệ CNH, HĐH. Việc sửa dụng nguồn nhân lực cũng đặt ra nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết, hệ số sử dụng thời gian lao động ở nông thôn còn thấp dưới 70%, năng suất lao động thấp, đời sống khó khăn đang đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách về chuyển đổi cơ cấu phân công lao động xã hội đi đôi với chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH để tăng nhanh năng suất lao động xã hội, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Năm là, công tác đào tạo nguồn nhân lực ở miền núi Thanh Hóa còn nihều yếu kém, bất cập cả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và chất lượng, hiệu quả đào tạo, chưa đáp ứng kịp đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực đã qua đào tạo phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn mới. Nguyên nhân của tồn tại trên là do mất cân đối trong đào tạo nhân lực kỹ thuật, cũng như khai thác và phát huy tiềm năng con người cho sự phát triển.
Mặt khác, thực tế hiện nay chưa gắn kết giữa đào tạo với quản lý sử dụng lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm. Mặc dù có một số lượng không nhỏ lao động đã qua đào tạo nhưng lại gặp không ít khó khăn khi tìm việc làm. Do đó, với thực trạng trình độ chuyên môn kỹ thuật như hiện nay, miền núi Thanh Hóa cần quan tâm phát triển đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhiều hơn nữa. Cần có kế hoạch, quy hoạch cụ thể dựa trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đào tạo nguồn nhân lực phải được tính toán, cân đối chặt chẽ và đi trước một bước. Phải coi phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội là hai quá trình có mối quan hệ tác động qua lại, vừa là động lực, vừa là kết quả của nhau.
Tàn dư của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp cộng với tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả đã làm cho nhân lực miền núi Thanh Hóa thiếu tính năng động theo cơ chế thị trường dẫn đến sự chuyến kinh tế - xã hội chậm so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc phân công và sử dụng lao động còn kém hiệu quả, đầu tư cho con người chưa đáp ứng được đòi hỏi hiện nay. Công tác đào tạo nhân lực chịu sự tác động trực tiếp của cơ chế thị trường, trình độ phát triển và quá trình chuyển đổi của nền kinh tế. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế và bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm nên công tác phát triển, đào tạo nhân lực gặp nhiều khó khăn.
Mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tế, học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao trong các kỳ thi, đối tượng học sinh là người dân tộc đủ điều kiện để được cử tuyển vào đại học của các địa phương trong các năm qua còn chưa vượt qua chỉ tiêu được tuyển.
Công tác giáo dục lao động - hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh phổ thông còn nhiều hạn chế. Tâm lý phổ biến của học sinh và cha mẹ học sinh chủ yếu vẫn mong muốn học đại học, cao đẳng chứ không muốn đi học nghề hoặc trung học chuyên nghiệp. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông còn nhiều khó khăn, bất cập.
ở khu vực miền núi, các cơ sở kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước hạn chế về số lượng và quy mô nên đã không thu hút được lực lượng lao động, không kích thích được nhu cầu đào tạo tạo nghề của lực lượng lao động.
Mức thu nhập ở khu vực miền núi thấp không đủ khả năng chi phí cho đào tạo nghề. Đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực từ ngân sách nhà nước của các huyện miền núi chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo. Tỷ trọng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nhân lực chưa cao, chưa tận dụng được các nguồn kinh phí từ liên doanh, liên kết đầu tư nước ngoài. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng lao động có thu nhập thấp vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và không thường xuyên.
Từ sự phân tích những hạn chế, yếu kém nêu trên cho thấy, sự nghiệp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Thanh Hóa đang đứng trước những thách thức lớn:
Nguồn nhân lực chưa qua đào tạo còn quá cao làm cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động rất khó đẩy lên tốc độ nhanh hơn. Nếu không kịp thời khắc phục, tình trạng này sẽ làm cho nguy cơ tụt hậu ngày càng đến gần, không đủ khả năng thực hiện phương châm "miền núi tiến kịp miền xuôi".
Yêu cầu chất lượng trong đào tạo ngày càng cao, nhưng năng lực hạn chế, chưa kịp tương xứng, cơ sở vật chất và sự chi phối của cơ chế thị trường trong đào tạo luôn biến động đã làm cho lực lượng nhưng không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh, trong và xuất khẩu, tức là khả năng còn thấp kém.
Đây chính là câu hỏi đang đặt ra cho các cấp, các ngành huyện, miền núi trong tỉnh phải giải quyết đồng bộ và có hiệu quả.
Chương 3
Một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong những năm gần đầu thế kỷ XXI, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện đại hoá đất nước đang đứng trước những thử thách gay gắt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực hoá phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và tiếp tục là xu thế phát triển của thế kỷ XXI. Quá trình này thể hiện rất rõ ở sự gia tăng nhanh trong trao đổi quốc tế và hàng hoá, dịch vụ, tài chính và các yếu tố sản xuất. Tác động của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã làm cho nền kinh tế thế giới biến đổi sâu sắc mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng và phương thức hoạt động. Đây không phải là sự biến đổi bình thường mà là một bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại: nền kinh tế chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, nền văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ.
Đối với Việt Nam, đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là yếu tố quyết định để khơi dậy các nguồn lực còn tiềm ẩn và tạo ra sức bật mới đưa đất nước ta phát triển, tạo điều kiện chủ động hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Trên cơ sở dự báo thị trường quốc tế và khả năng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có liên quan, tỉnh Thanh Hoá có những lợi thế từ những mặt hàng, dịch vụ xâm nhập được vào thị trường quốc tế như: đá ốp lát, bột giấy song mây, thuỷ sản đông lạnh, (tôm, mực, cá ), súc sản đông (bò, lợn), nông sản (gạo, lạc đậu tương, đường) và một số khoáng sản, một số sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động như may mặc, giầy dép, tơ lụa, hàng thủ công mĩ nghệ, xi măng... xuất khẩu lao động.
Đối với thị trường trong nước, kinh tế tỉnh Thanh Hoá phát triển sẽ có nhiều sản phẩm và để sức cạnh tranh trước hết là chiếm lĩnh thị trường nông thôn của tỉnh,
thị trường địa phương phụ cận đồng thời, phát triển mạng lưới dịch vụ xuất nhập với các tỉnh và thành phố phía Bắc, tạo thế vươn ra thị trường các vùng khác.
Những hoạt động dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh và trong nước là dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải biển, dịch vụ du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh, du lịch biển...
Miền núi Thanh Hóa là vùng có tài nguyên khoáng sản phong phú, có điều kiện mặt bằng xây dựng công nghiệp thuận lợi đặc biệt có ưu thế về phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển cây công nghiệp dài ngày như cao su, chè, cây ăn quả. Vùng đồi thấp có khả năng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu tương... Giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế miền núi thanh Hóa là tập trung đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến các sản phẩm gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tại chỗ như: mía đường, hoa quả, bánh kẹo... nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn miền núi để thu hút lao động tại chỗ và lao động các vùng khác trong tỉnh. Mặt khác, trong bối cảnh cả nước, cả tỉnh luôn có sự mở rộng, biến đổi sẽ xuất hiện nhiều cơ hội để miền núi Thanh Hóa có bước phát triển nhanh, do đó đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ở mức độ cao hơn.
Từ việc phân tích những thành tựu và hạn chế của việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trong thời kỳ bắt đầu thực hiện công nghiệp hóa đến nay, đặc biệt là thời kỳ 1999 - 2003, tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và khuyến nghị góp phần phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của miền núi Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.