Quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ và thực trạng tại Việt Nam (Trang 37 - 41)

được quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang dần hoàn thiện cho phù hợp với thực tế và pháp luật quốc tế về chào bán chứng khoán riêng lẻ.

1.3. Quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ riêng lẻ

Kinh nghiệm phát triển của một số TTCK lâu đời trên thế giới cho thấy cần thiết phải có sự quản lý nhà nước đối với thị trường. Vụ sụp đổ thị trường vào những năm 1929, 1987, 1990 của TTCK Mỹ và một số nước Châu Âu là những “ngày đen tối” trong lịch sử phát triển của TTCK. Hàng loạt thị trường lớn phải đóng cửa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ sụp đổ này là do thiếu sự quản lý và kinh nghiệm điều hành thị trường. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của quản lý nhà nước đối với TTCK. Thông thường đó là những hoạt động quản lý nhà nước trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ thực chất là hoạt động quản lý nhà nước trên thị trường sơ cấp. Hoạt động này nhằm mục đích:

Thứ nhất, bảo đảm tính công bằng trong hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, các chủ thể chào bán có điều kiện như nhau được đối xử công bằng, bình đẳng. Quản lý phải gắn liền với hiệu quả, các vi phạm được xử lý kịp thời, hoạt động chào bán chứng khoán diễn ra đúng pháp luật.

Thứ hai, tạo lập sự ổn định và trung thực trong hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, bảo đảm chất lượng cho các chứng khoán cung cấp cho thị trường có tính thanh khoản cao, ít rủi ro.

Lịch sử hình thành và phát triển TTCK cho thấy, đầu tiên TTCK hình thành một cách tự phát khi có sự xuất hiện của cổ phiếu và trái phiếu và hầu

như chưa có sự quản lý. Nhưng nhận thấy cần có sự bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư và đảm bảo cho thị trường được thông suốt, ổn định và an toàn , bản thân các quốc gia và các nhà kinh doanh chứng khoán nhận thấy cần có sự quản lý và giám sát về TTCK.

Cơ quan quản lý nhà nước về TTCK có thể có những tên gọi khác nhau, tùy thuộc từng nước và nó được thành lập để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với TTCK.

Tại Trung Quốc, ban đầu Ngân hàng nhân dân Trung Quốc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động TTCK cùng phối hợp thực hiện còn có Hội đồng nhà nước trong lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiêp. Đến ngày 29/12/1998, Luật chứng khoán Trung Quốc thông qua đã thống nhất việc quản lý giám sát TTCK vào Ủy ban giám sát chứng khoán của Quốc vụ viên. [14, tr.25]

Tại Anh, cơ quan quản lý nhà nước về TTCK là Ủy ban đầu tư chứng khoán (SIB – Securities Investment Board). Ủy ban này là một tổ chức được thừa nhận trong đạo Luật về các dịch vụ tài chính năm 1986. [14, tr.25]

Tại Mỹ, Ủy ban chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán (SEC – Securities and Exchange Commision) là một cơ quan của liên bang có tư cách pháp lý thực hiện việc quản lý TTCK. [14, tr.25]

Từ những kinh nghiệm học tập được ở những nước có TTCK phát triển, với sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế, Việt Nam đã thành lập cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK trước khi ra đời TTCK Việt Nam, đó là Ủy ban chứng khoán nhà nước, thành lập theo Nghị định 75/1996/NĐ – CP. Theo đó, Ủy ban chứng khoán nhà nước là một cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với TTCK Việt Nam.

Hiện nay trên thế giới, có hai phương thức quản lý nhà nước trên thị trường sơ cấp. Đó là phương thức quản lý theo chất lượng và theo chế độ công bố thông tin đầy đủ. [32, tr.131] Nếu quản lý theo chất lượng cơ quan quản lý đưa ra nhiều tiêu chí bảo đảm chủ thể chào bán có tình hình tài chính ổn định, có uy tín trên thị trường. Nếu quản lý theo chế độ thông tin đầy đủ cơ quan quản lý chú trọng đến chất lượng thông tin và công bố thông tin rộng rãi ra công chúng.

Những nước có TTCK phát triển thường áp dụng chế độ công bố thông tin đầy đủ. Việt Nam và một số nước đang phát triển, cơ quan quản lý thường áp dụng phương thức quản lý theo chất lượng. Ở những nước này, TTCK còn non trẻ phải có những bảo đảm an toàn cần thiết.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán chứng khoán chủ yếu tập trung vào hoạt động của chủ thể phát hành, các tổ chức trung gian tham gia chào bán, các nhà đầu tư. Đó là các hoạt động ban hành văn bản pháp luật về chào bán chứng khoán riêng lẻ; tổ chức và hướng dẫn về điều kiện, thủ tục, phương thức chào bán chứng khoán; thanh tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động chào bán, xử lý các hành vi vi phạm...

Quản lý hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của chủ thể phát hành: đối tượng quản lý là các chủ thể chào bán chứng khoán riêng lẻ theo quy định của pháp luật. Các chủ thể này đã tiến hành hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ trên thực tế. Cơ quan quản lý xác định điều kiện chào bán chứng khoán; quy định thủ tục, phương thức chào bán; nội dung công bố thông tin, các báo cáo tài chính; chế độ kế toán, kiểm toán. Quản lý phải bảo đảm chủ thể phát hành cung cấp đầy đủ, trung thực những thông tin liên quan tới đợt chào bán. Việc công bố thông tin phải tiến hành thường xuyên. Những thông tin được công bố bảo đảm chính xác, kịp thời, dễ tiếp cận.

Quản lý hoạt động của các tổ chức trung gian tham gia thị trường: tổ chức trung gian có thể là những NHTM, các công ty chứng khoán, công ty tài chính, quỹ đầu tư chứng khoán... Các trung gian tài chính có lợi thế về chuyên môn hỗ trợ DN thực hiện thành công đợt chào bán. Thẩm quyền quản lý những tổ chức này thuộc về nhiều cơ quan khác nhau, tuỳ thuộc vào hình thức quản lý, chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Cơ quan quản lý cần quy định rõ trách nhiệm, phạm vi hoạt động của các tổ chức này nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ diễn ra công bằng, đúng pháp luật.

Quản lý hoạt động của các nhà đầu tư: TTCK luôn vận động theo những quy luật riêng. Nhà đầu tư là chủ thể dễ bị xâm phạm do những tiêu cực của thị trường. Cơ quan quản lý vừa bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư đồng thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Chào bán chứng khoán riêng lẻ là hoạt động có ảnh hướng lớn tới sự phát triển của TTCK. Quản lý nhà nước trong hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ phải bảo đảm cho mọi hành vi liên quan đến hoạt động chào bán diễn ra đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể thức hiện chào bán chứng khoán để huy động vốn.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ và thực trạng tại Việt Nam (Trang 37 - 41)