Kinh nghiệm vận dụng mô hình kế toán quản trị chi phí ở các nước châu Âu

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm Việt Nam (Trang 57 - 60)

Âu

Kế toán quản trị chi phí ở châu Âu có 3 trường phái cơ bản: Anh – Mỹ, Đức và Pháp. Việc áp dụng mô hình kế toán quản trị chi phí nào tuỳ thuộc vào đặc điểm lịch sử, địa lý và kinh tế của mỗi nước.

Tại Anh, các nghiên cứu về kế toán quản trị chi phí rất phát triển và việc ứng dụng kế toán quản trị chi phí cũng rất phổ biến. Cách xây dựng hệ thống kế toán quản trị của các doanh nghiệp Anh thường là xây dựng một hệ thống kế toán chung cho tất cả các mục đích ra quyết định, đánh giá hàng tồn kho và xác định lợi nhuận. Theo kết quả của một cuộc điều tra các doanh nghiệp Anh năm 2000 có tới 91% các doanh nghiệp điều tra chỉ sử dụng một hệ thống kế toán chi phí, chỉ có 9% sử dụng hai hệ thống kế toán chi phí cho hai mục đích khác nhau [24, tr124]. Tại Anh có xu hướng áp dụng các hệ thống kế toán chi phí phức tạp hơn để cung cấp các thông tin chi phí tốt hơn. Năm 1994 tại Anh có tới 20% các doanh nghiệp tiến hành phân bổ chi phí sản xuất chung trên phạm vi toàn doanh nghiệp (theo hệ thống một cấp) nhưng đến năm 2000 tỷ lệ này chỉ là 3% [24, tr127]. Các doanh nghiệp đã chuyển sang áp dụng phương pháp phân bổ hai cấp (theo từng bộ phận sản xuất) và sử dụng khá nhiều tiêu thức phân bổ (các nguồn phát sinh chi phí): 66% các doanh nghiệp sử dụng từ 2 tiêu thức phân bổ trở lên và 65% các doanh nghiệp phân chia doanh nghiệp của mình thành ít nhất 10 trung tâm chi phí [24,tr129]. Việc áp dụng phương pháp ABC tại Anh cũng còn nhiều hạn chế, nhưng có xu hướng ngày càng phổ biến hơn: Năm 1991 chỉ có 10% các doanh nghiệp áp dụng phương pháp này thì đến năm 1995 là 20%; năm 1996 là 22% và đến năm 2000 là 23% [24, tr176].

Đối với các nước nói tiếng Đức (Đức, Thuỵ Sĩ, Áo) hệ thống kế toán quản trị chi phí theo trường phái Đức [48]. Hệ thống kế toán quản trị chi phí Đức gọi là Grenzplankostenrechnung, gọi tắt là GPK, là hệ thống chi phí tiêu chuẩn linh hoạt. Đặc trưng cơ bản nhất của hệ thống kế toán quản trị chi phí của Đức là phân chia doanh nghiệp thành rất nhiều trung tâm chi phí, các chi phí chung thường được chia thành từ 400 tới 2000 nhóm cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp ở Mỹ. Tuy nhiên mô hình kế toán quản trị chi phí Đức đang có xu hướng được vận dụng đơn giản hoá do các doanh nghiệp thấy mô hình hiện tại tốn kém quá nhiều chi phí để vận hành so với lợi ích mà nó mang lại [48]. Phương pháp ABC hầu như chưa được áp dụng trong các doanh nghiệp Đức [24, tr176].

Pháp, Hy Lạp và Tây Ban Nha là các nước có các qui định của chính phủ cho bộ phận kế toán quản trị chi phí. Tại Pháp phần kế toán quản trị được đưa vào Tổng hoạch đồ kế toán năm 1982 và được sửa đổi năm 1986 (các tài khoản loại 9), tại Hy Lạp năm 1987 và tại Tây Ban Nha năm 1978 [43]. Điểm đặc biệt trong phần kế toán chi phí của Tổng hoạch đồ kế toán Pháp là chi phí được phân tích theo bản chất chứ không phải là theo chức năng và báo cáo kết quả kinh doanh được trình bày trên cơ sở bản chất của chi phí. Mặc dù Tổng hoạch đồ kế toán Pháp tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kế toán tài chính nhưng phần III (với dung lượng 115 trang) đưa ra những hướng dẫn chi tiết (không bắt buộc) về việc tổ chức các tài khoản chi phí. Theo hướng dẫn này, mô hình kế toán quản trị chi phí của Pháp có mức độ chi tiết hơn so với mô hình Anh – Mỹ [60]. Các qui định chung về kế toán chi phí tại Pháp hướng dẫn các doanh nghiệp đánh giá hoạt động bằng cách lập báo cáo thực hiện dự toán trên cơ sở các số liệu kế toán nhưng trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp Pháp đều không vận dụng các hướng dẫn này mà họ lập các báo cáo đánh giá hoạt động hầu như chỉ dựa trên các thông tin phi tài chính, chứ không dựa trên các số liệu tài chính do kế toán cung cấp (gọi là les tableaux de bord), các báo cáo này rất khác biệt so với các báo cáo bộ phận của các trung tâm trách nhiệm theo hệ thống kế toán quản trị chi phí Anh-Mỹ. Tại Pháp, mặc dù các nghiên cứu về kế toán đều khuyến cáo nên sử dụng nhiều tiêu thức phân bổ chi phí cho các trung tâm trách nhiệm, trên thực tế việc

áp dụng các lý thuyết này rất hạn chế, hầu như chỉ sử dụng các tiêu thức theo khối lượng sản xuất [19]. Hệ thống kế toán quản trị chi phí của Tây Ban Nha năm 1987 chịu sự ảnh hưởng lớn của mô hình kế toán Pháp nhưng sang những năm cuối của thập kỷ 1990, những ảnh hưởng của mô hình kế toán Pháp ít dần đi, thay vào đó là sự ảnh hưỏng của mô hình kế toán Anh [44]. Năm 1990, theo yêu cầu của EU, hệ thống kế toán của Tây Ban Nha có những sự thay đổi, không còn bộ phận kế toán chi phí qui định “cứng” trong hệ thống kế toán nữa. Bản thân hệ thống kế toán quản trị chi phí của Pháp trong những năm gần đây cũng có nhiều thay đổi theo các mô hình kế toán quản trị chi phí của Anh và Nhật Bản [60].

Đối với các nước vùng Xcăng-di-na-vi, Hà Lan và Bỉ, nửa đầu thế kỷ XX hệ thống kế toán quản trị chi phí của các nước này chịu sự ảnh hưởng của trường phái kế toán Đức, còn nửa sau thế kỷ XX lại có những ảnh hưởng đáng kể của trường phái kế toán Mỹ [43]. Phương pháp ABC được áp dụng với một tỷ lệ tương đối cao, không kém các nước Anh, Mỹ: năm 1996 tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng phương pháp ABC tại Bỉ là 19%, tại Phần Lan năm 1995 là 24% [24, tr176]. Mặc dù vậy phương pháp ABC ở các nước khác được áp dụng rất hạn chế. Tại Ý và Thụy Điển phương pháp ABC chỉ được sử dụng cho các dự án thí điểm trong một số lĩnh vực cụ thể. Tại các nước Đan Mạch, Hy Lạp và Tây Ban Nha phương pháp ABC chỉ được áp dụng trong các công ty con chịu sự chi phối của các công ty mẹ ở nước ngoài có áp dụng phương pháp ABC. Tại các nước Đan Mạch, Phần Lan, Ý và Tây Ban Nha phương pháp chi phí biến đổi được sử dụng khá phổ biến nhưng tại Pháp, Đức và Hy Lạp phương pháp chi phí toàn bộ lại chiếm ưu thế hơn [43].

Đối với các nước Đông và Trung Âu, trong chiến tranh thế giới II hệ thống kế toán nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng chịu ảnh hưởng lớn bởi hệ thống kế toán Đức. Sau chiến tranh hệ thống kế toán của các nước này lại theo mô hình kế toán của Liên Xô cũ. Đến những năm 1980 hệ thống kế toán của các nước này có một số sự đổi mới theo hệ thống kế toán của Pháp. Từ đầu thập niên 1990, với sự thay đổi hệ thống chính trị, nền kinh tế các nước này chuyển đổi từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường thì hệ thống kế toán nói chung và kế toán quản trị chi phí nói

riêng có những bước đổi mới rõ rệt. Mô hình kế toán quản trị chi phí áp dụng ở Ba Lan, Bun-ga-ri và Hung-ga-ri là sự pha trộn giữa mô hình của Liên xô cũ và Anh [23], [64], [69].

1.4.4. Kinh nghiệm vận dụng mô hình kế toán quản trị chi phí tại các nước đang phát triển ở châu Á

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm Việt Nam (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w