Mỹ là một quốc gia có bề dày phát triển kế toán quản trị chi phí cả về lý luận và thực tiễn. Các doanh nghiệp Mỹ hầu hết đều áp dụng mô hình kết hợp giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính, hoặc mô hình phối hợp với hệ thống kế toán quản trị chi phí được tách riêng. Về các phương pháp kế toán quản trị chi phí, theo kết quả điều tra các doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ năm 1987 của Hội Kế toán quốc gia (NAA), 38% các doanh nghiệp áp dụng phương pháp phân bổ chi phí sản xuất chung theo từng bộ phận sản xuất là một tỷ lệ tương đối cao so với các nền kinh tế tương đối phát triển lúc bấy giờ (ở Nhật Bản chỉ có 15% và Hàn Quốc là 24%) [47]. Chúng ta biết rằng về lý thuyết, tiêu thức để phân bổ các chi phí sản xuất chung phụ thuộc vào môi trường sản xuất sử dụng nhiều lao động hay sử dụng nhiều máy móc thiết bị. Trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp có quá trình sản xuất chủ yếu dựa vào nhân công đều sử dụng số giờ công hoặc chi phí nhân công là tiêu thức phân bổ chi phí chung, nhưng vẫn có 27% doanh nghiệp sản xuất có quá trình sản xuất dựa trên máy móc thiết bị nhưng lại áp dụng tiêu thức phân bổ chi phí chung là theo số giờ công hoặc theo chi phí nhân công, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (36%) và Hàn Quốc (67%) [47]. Một đặc điểm nổi bật nữa của hệ thống kế toán quản trị chi phí áp dụng tại các doanh nghiệp Mỹ là phương pháp chi phí thông thường được áp dụng phổ biến và phương pháp chi phí thực tế hầu như không được áp dụng.
Mặc dù các lý thuyết về phương pháp kế toán chi phí theo hoạt động (ABC) được phát triển ở Mỹ từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước và được đánh giá là phương
pháp chi phí duy nhất đúng trong việc xác định giá phí sản phẩm trong môi trường hoạt động phức tạp vì phương pháp này sẽ giúp phát hiện các hoạt động không gia tăng giá trị và có thể cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phương pháp này còn được đánh giá là một công cụ để kết nối hệ thống xác định giá phí sản phẩm với các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, tuy nhiên việc áp dụng nó ngay tại nước Mỹ còn khá hạn chế. Theo kết quả điều tra các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ năm 1996 tỷ lệ áp dụng phương pháp này là 20% và năm 2000 là 21% [61]. Việc áp dụng phương pháp ABC cũng đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo kết quả cuộc điều tra các doanh nghiệp sản xuất năm 2003 tại Mỹ, có 35% các doanh nghiệp áp dụng các phương pháp kế toán chi phí truyền thống, 8% áp dụng phương pháp ABC, 30% áp dụng cả các phương pháp truyền thống và phương pháp ABC, 26% áp dụng phương pháp chi phí biến đổi [61]. Như vậy, tổng cộng kết quả điều tra năm 2003 có 38% các doanh nghiệp áp dụng phương pháp ABC, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với kết quả của các cuộc điều tra trước, tuy nhiên các phương pháp xác định chi phí truyền thống cũng vẫn được áp dụng khá phổ biến trong các doanh nghiệp Mỹ.
Rõ ràng là tại Mỹ các doanh nghiệp đang tiếp tục áp dụng các phương pháp kế toán chi phí khác nhau. Lý do của thực tế này là các phương pháp kế toán chi phí khác nhau có bản chất và phạm vi thông tin cung cấp khác nhau. Hơn nữa, việc lựa chọn áp dụng một hệ thống kế toán quản trị chi phí nào đó là do sức ép bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, với các yếu tố về quá trình sản xuất, mức độ cạnh tranh, mức độ sử dụng công suất… Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy không có sự khác biệt rõ ràng về cơ cấu chi phí, mức độ phức tạp của quá trình sản xuất giữa các doanh nghiệp Mỹ áp dụng các phương pháp chi phí khác nhau. (Cơ cấu chi phí sản phẩm bình quân của các doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ là 53% nguyên vật liệu, 18% nhân công và 28% chi phí sản xuất chung.) [61]
Về vấn đề xác định giá bán sản phẩm, kết quả điều tra cho thấy 62% các doanh nghiệp xác định giá bán sản phẩm trên cơ sở giá thị trường, chỉ có 17% xác định giá trên cơ sở chi phí, tuy nhiên có mối quan hệ rất rõ ràng giữa mức độ cạnh tranh về giá và nỗ lực của doanh nghiệp để cắt giảm chi phí [61]. Các doanh nghiệp
áp dụng phương pháp chi phí biến đổi là các doanh nghiệp có mức độ cạnh tranh về giá cao nhất, có các nỗ lực cắt giảm chi phí nhiều nhất và sử dụng nhiều nhất các thông tin về chi phí để phân tích lợi nhuận.