Đối với kinh tế 100% vốn đầu tư nước ngoà

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM THEO HIẾN PHÁP 1992 (Trang 37 - 40)

Đại hội Đảng IX và Quốc hội khóa X Kỳ họp thứ 10 đã xác định một thành phần kinh tế mới – kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phần kinh tế này có thể chia ra làm hai bộ phận: kinh tế có sự tham gia của vốn nước ngoài và kinh tế

100% vốn nước ngoài. Khi có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài tức là có vốn đầu tư nước ngoài, như vậy có thể trùng với thành phần kinh tế tư bản nhà nước, trong trường hợp nhà nước liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, theo chúng tôi, thành phần kinh tế này nên quy định là thành phần kinh tế 100% vốn nước ngoài để tránh trùng lặp, chồng chéo với thành phần kinh tế khác. Đây là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, được khuyến khích phát triển lâu dài và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Chính sách áp dụng đối với thành phần kinh tế này được quy định tại Điều 25 Hiến pháp 1992: “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước”. [14].

Từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (1987), hoạt động này đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế, nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2005, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư thay thế cho Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1994, sửa đổi 1998). Chính sách cụ thể là:

- Nhà đầu tư được đầu tư trong các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được tự chủ và quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư; thừa nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của các hoạt động đầu tư.

- Nhà nước cam kết thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư. [20].

Luật Đầu tư đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để mở rộng hoạt động đầu tư ở trong nước cũng như ngoài nước.

Tóm lại: Trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế nước ta gồm nhiều thành phần là phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có ý nghĩa lâu dài và nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất, bảo đảm cho mọi người tự do kinh doanh theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu lâu dài và thu nhập hợp pháp. Bằng pháp luật, Nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh với nhau giữa các thành phần kinh tế, bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc tối cao chi phối quyền tự do kinh doanh và hợp tác kinh doanh của công dân là tự nguyện, trên cơ sở hiệu quả và cùng có lợi. Tuy nhiên, đối với “mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp, mọi hành vi phá hoại nền kinh tế quốc dân, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật”.

Nhà nước có chính sách nhất định đối với từng thành phần kinh tế để đảm bảo cho các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, hợp tác cạnh tranh phát triển kinh tế theo pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM THEO HIẾN PHÁP 1992 (Trang 37 - 40)