Đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM THEO HIẾN PHÁP 1992 (Trang 31 - 35)

Trong chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng ta coi kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân có vị trí quan trọng, lâu dài. Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát

triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN. Loại hình kinh tế này xuất hiện và phát huy tác dụng ở cả thành thị và nông thôn, cả trong nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Với dân số hơn 86 triệu người, mỗi năm tăng thêm trên 1 triệu người, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho việc phát triển kinh tế tư nhân. Sự phát triển của thành phần kinh tế này trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa gắn với thị trường có vai trò quan trọng trước mắt cũng như lâu dài trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân thực chất là các bộ phận của kinh tế tư nhân. Nếu chia kinh tế tư nhân thành những mức độ phát triển khác nhau thì kinh tế cá thể tương ứng với mức độ thấp nhất, kinh tế tiểu chủ là mức độ thứ hai còn kinh tế tư nhân là cấp độ phát triển cao nhất. Sự khác nhau giữa kinh tế cá thể và kinh tế tiểu chủ nằm ở chỗ: kinh tế cá thể dựa hoàn toàn vào sức lao động của các thành viên trong gia đình, tự bỏ vốn sản xuất kinh doanh còn kinh tế tiểu chủ có thêm sự thuê mướn sức lao động, có sự bóc lột giá trị thặng dư ở mức độ đơn giản. Kinh tế tư bản tư nhân là cấp độ cao nhất vì có sự thuê mướn lao động ở phạm vi rộng, việc bóc lột giá trị thặng dư ở mức cao.

Kinh tế cá thể

Được hiểu là kinh tế của những người làm ăn riêng lẻ không phải cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại chức hoặc xã viên hợp tác xã, có vốn, tư liệu sản xuất, kỹ thuật chuyên môn và sức lao động tự đứng ra sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ví dụ: kinh doanh bán lẻ hàng tạp hóa, hàng ăn, làm thợ xây, chạy xe ôm, đánh cá, làm ruộng, làm muối, …

Thành phần kinh tế này trước đây chưa được đánh giá đúng vai trò và là đối tượng cải tạo XHCN. Điều 24 Hiến pháp 1980 có quy định: “Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ nông dân cá thể, người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác tiến lên con đường làm ăn tập thể, tổ chức hợp tác xã sản xuất và các hình thức hợp tác, tương trợ khác theo nguyên tắc tự nguyện. Những

người buôn bán nhỏ được hướng dẫn và giúp đỡ chuyển dần sang sản xuất hoặc làm những nghề thích hợp khác”. [13].

Như vậy, quy định trên gần như đã xóa bỏ thành phần kinh tế cá thể. Đây là chính sách thể hiện rõ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác xã, hạn chế phát triển kinh tế tư nhân, mà cụ thể là kinh tế cá thể. Lý do là vì xuất phát từ nhận thức giản đơn về CNXH của các nhà lãnh đạo: xây dựng CNXH đồng nghĩa với việc xây dựng một nền kinh tế thuần nhất XHCN, chỉ duy trì và phát triển kinh tế XHCN, cải tạo các thành phần kinh tế phi XHCN.

Hiện nay kinh tế cá thể được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực hoạt động, không hạn chế lĩnh vực, ví dụ như: kinh doanh các loại hình dịch vụ (vận tải, chăm sóc sắc đẹp…), kinh doanh vật liệu xây dựng, nội thất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày… Mọi công dân có quyền tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh với quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ; có quyền bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh, tiếp cận các cơ hội, nguồn lực kinh doanh, thông tin và tiếp nhận thông tin.

Kinh tế tiểu chủ

Là bước phát triển thứ hai của khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tiểu chủ có sự liên kết giữa chủ thể kinh doanh và những người lao động làm thuê. Thực ra, sự phân biệt kinh tế tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân chỉ là tương đối, bởi căn cứ duy nhất là số lao động được sử dụng, thuê mướn nhưng không có số liệu định lượng cụ thể đến bao nhiêu là kinh tế tư bản tư nhân, còn ở mức nào là kinh tế tiểu chủ. Đây là một vướng mắc cần được bổ sung trong thời gian tới.

Một trong những mô hình kinh tế tiểu chủ hoạt động rất hiệu quả ở nước ta hiện nay là mô hình kinh tế trang trại, kết hợp VAC (vườn - ao - chuồng), VACR (vườn - ao - chuồng - rừng), trong đó các chủ trang trại thuê mướn lao động theo hai hình thức: ổn định và thời vụ. Mô hình này có ý nghĩa rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm ở địa phương. Bên cạnh đó, các hộ kinh

doanh dịch vụ, sản xuất quy mô nhỏ, làm hàng thủ công mỹ nghệ… cũng thuộc loại hình kinh tế tiểu chủ.

Điều 21 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định kinh tế tiểu chủ “được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp… Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển”. [21]. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phần kinh tế này có cơ hội phát triển, bình đẳng trước pháp luật với các thành phần kinh tế khác. Kinh tế tiểu chủ được khuyến khích phát triển rộng rãi trong những ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý trên những định hướng ưu tiên cùa Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động , liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

Kinh tế tư bản tư nhân

Đây là thành phần kinh tế không có sự tồn tại của vốn nhà nước, đúng như tên gọi, vốn điều lệ hay cổ phần trong các công ty, doanh nghiệp (tùy loại hình cụ thể) hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân. Cũng như đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ, chính sách đối với thành phần kinh tế tư bản tư nhân được quy định tại Điều 21 Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001). Quyền tự do kinh doanh được quy định chung cho các doanh nghiệp với nội dung chủ yếu là: tự do lựa chọn ngành nghề và quy mô kinh doanh; tự do lựa chọn hình thức và cách thức đầu tư; tự do trong ký kết hợp đồng, trong tuyển chọn và sử dụng lao động… Hiện nay kinh tế tư bản tư nhân được hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ…; được hưởng các ưu đãi như đối với doanh nghiệp nhà nước, được hưởng mức thuế suất tương đương; được hưởng các chế độ pháp lý: tiêu thụ sản phẩm, mua nguyên liệu phục vụ sản xuất hoàn toàn theo cơ chế thị trường, được vay tín dụng ngân hàng với lãi suất chung; quyền sử dụng ngoại tệ và phân phối thu nhập của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng được pháp luật bảo đảm; được thành lập doanh nghiệp

không bị hạn chế về quy mô và phạm vi hoạt động trong những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh. Nhà nước có một số bảo đảm đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp như: công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh; công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp…Chính sách của Đảng cũng khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư bản tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa hiện đại hóa, nâng cao phần nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế. Quan điểm này khác hẳn với quan điểm được các nhà lập pháp thể hiện trong Hiến pháp 1980 “Nhà nước tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn bằng những hình thức thích hợp” (Điều 26). [13]. Có thể thấy, việc thừa nhận và bảo vệ sự tồn tại và phát triển của sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất là một bước phát triển của chính sách kinh tế nước ta trong thời kỳ đổi mới.

Trong hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước ta có khá nhiều văn bản quy định về thành phần kinh tế tư bản tư nhân, điều chỉnh cụ thể về quy chế pháp lý, cơ cấu tổ chức, cách thức điều hành… như Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Thương mại 2005… Các văn bản pháp luật trên là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động của các công ty, doanh nghiệp tư nhân… phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với chính sách kinh tế của nhà nước và định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM THEO HIẾN PHÁP 1992 (Trang 31 - 35)