của TAND
Để nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại tòa án thì trước hết cần phải đề cập các yếu tố quyết định hiệu quả của việc giải quyết các tranh chấp
- Các yếu tố thuộc về phương diện lập pháp:
Đây là yếu tố quyết định làm cơ sở pháp lý cho Tòa án giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất có hiệu quả. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh bao gồm: pháp luật về tố tụng, pháp luật về nội dung cụ thể là pháp luật về đất đai với các quy định đầy đủ, cụ thể là những đảm bảo rất quan trọng để các Tòa án giải quyết nhanh chóng hơn và đúng pháp luật; đồng thời tránh được sự tùy tiện trong quá trình giải quyết các tranh chấp loại này tại TAND.
- Các yếu tố về phương diện bồi dưỡng nghiệp vụ
Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự nói chung và các tranh chấp về quyền sử dụng đất nói riêng đã chỉ rõ tính chất ngày càng phức tạp của loại việc này, nhất là trong cơ chế thị trường, đất đai ngày càng có giá và ngày càng trở nên quý hiếm. Tính phức tạp của loại việc này biểu hiện ở: sự gia tăng về số lượng các vụ tranh chấp, hình thức tranh chấp, các chủ thể tham gia vào các vụ tranh chấp, tác động của các tranh chấp đó đối với xã hội.. Bởi vậy, việc giải quyết có hiệu quả và dứt điểm các tranh chấp loại này đòi hỏi các cán bộ Tòa án phải có nghiệp vụ chuyên sâu, nắm vững các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự để xây dựng hồ sơ vụ án có chất lượng, thể hiện ở việc: xác định đúng các quan hệ pháp luật đang tranh chấp, tư cách năng lực của người khởi kiện, những người có liên quan, trọng tâm của công tác điều tra, thu thập chứng cứ,… Đây là những công việc rất quan trọng, bảo đảm cho việc Tòa án ra các bản án, quyết định đúng pháp luật. Do đó, việc bồi dưỡng nghiệp vụ về kỹ năng, cập nhật các quy định mới của pháp luật mà trước hết là các quy định mới của pháp luật về đất đai sẽ bảo đảm hiệu quả công tác giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất ngày càng cao.
- Các yếu tố thuộc về phương diện người tham gia tố tụng giải quyết các vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Những người tham gia vụ án dân sự bao gồm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan, người đại diện của các đương sự, Viện Kiểm sát nhân dân, các tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung. Những người tham gia khác bao gồm: người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.
Trọng tâm nhất phải đề cập đến nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan (gọi chung là các đương sự). Những người này phải nhận thức rõ các quyền và nghĩa vụ của họ đã được quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, cụ thể là:
Thứ nhất, các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh các yêu cầu của mình, thi hành quyết định, thực hiện yêu cầu của tòa án. Tòa án không nên làm thay các đương sự những việc thuộc phận sự của họ. Các đương sự xuất trình cho tòa án chứng cứ càng đầy đủ, cụ thể bao nhiêu, chứng minh rõ ràng, có căn cứ các yêu cầu của họ, thì Tòa án giải quyết nhanh và chính xác vụ án bấy nhiêu. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại Tòa án cho thấy không phải mọi trường hợp các đương sự đều thực hiện tốt nghĩa vụ của họ. Trong nhiều trường hợp bị đơn cố tình trốn tránh, ngăn cản Tòa án điều tra xác minh hiện trạng đất có tranh chấp, ngăn cản không cho hội đồng định giá nhà đất, kháng cáo, khiếu nại vô căn cứ nhằm kéo dài việc giải quyết của Tòa án thì cần phải giáo dục cho các đương sự hiểu biết về pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho họ, đồng thời phải có các chế tài nghiêm khắc để buộc họ phải tự nguyện nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định.
- Các yếu tố thuộc về phương diện hướng dẫn thi hành pháp luật
Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất, phải hết sức chú trọng khâu hướng dẫn thi hành pháp luật. Đây là một trong các khâu rất quan trọng. Kinh nghiệm từ thực tiễn xét xử của TAND đã chỉ rõ tầm quan trọng của hoạt động này.
Việc hướng dẫn kịp thời những văn bản pháp luật mới ban hành, việc hướng dẫn giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc mà các TAND địa phương có yêu cầu TANDTC và
các cơ quan có liên quan ở trung ương, việc tổng kết kịp thời công tác xét xử, việc uốn nắn kịp thời những sai lầm của các TAND các cấp trong công tác giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất... là những điều kiện rất quan trọng bảo đảm cho các TAND xét xử kịp thời, thống nhất và đúng pháp luật, đồng thời cũng là bảo đảm cho pháp luật đi vào cuộc sống.
Từ sự phân tích các yếu tố quyết định hiệu quả công tác giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất nói trên, chúng tôi nêu một số giải pháp sau đây, nhằm nâng cao hiệu quả của việc giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất tại TAND.