Trên cơ sở các phân tích, đánh giá trên đây, chúng tôi cho rằng, pháp luật giải quyết tranh chấp đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường, cần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng:
- Khuyến khích việc hòa giải các tranh chấp đất đai trong nhân dân và đề cao vai trò của chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở trong việc vận động nhân dân hòa giải các tranh chấp đất đai. Pháp luật cần có những quy định xử lý các bên không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết khi hòa giải nhằm buộc họ phải tôn trọng các cam kết của mình.
- Mở rộng thẩm quyền và nâng cao vai trò của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai, vì các lý do sau:
Thứ nhất, như chúng ta đã biết Tòa án là một cơ quan xét xử với một cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ TAND tối cao xuống đến các tòa án cấp quận, huyện. Các cán bộ Tòa án phần lớn được đào tạo về pháp luật một cách cơ bản, có nghiệp vụ xét xử, giải quyết tranh chấp. Mặt khác, pháp luật về tố tụng dân sự cũng đã giao cho Tòa án những thẩm quyền nhất định để họ thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì vậy có thể nói, đây là một cơ quan có đủ khả năng, điều kiện nhất để giải quyết tốt các tranh chấp dân sự nói chung và các tranh chấp đất đai nói riêng.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định hiện hành giao cho TAND và UBND song trong thời gian tới sẽ do TAND giải quyết vì khi đó mọi người sử dụng đất đai sẽ được Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ.
Thứ hai, thực trạng hiện nay, năng lực của cán bộ làm công tác giải quyết tranh chấp đất đai thuộc hệ thống UBND còn hạn chế. Vụ việc tranh chấp đất chưa có GCNQSDĐ thường rất phức tạp. Chính vì vậy, công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai do UBND giải quyết đạt hiệu quả chưa cao, dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài, giải quyết nhiều lần vẫn chưa dứt điểm. Căn cứ pháp lý về thủ tục giải quyết của UBND hiện nay là Luật khiếu nại, tố cáo nên không phù hợp với việc giải quyết tranh chấp đất đai.
Từ những vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai nêu trên của UBND, theo chúng tôi nên giao toàn bộ các tranh chấp đất đai cho TAND giải quyết. Đối với những loại đất chưa có GCNQSDĐ, tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết, tòa án cần hỏi ý
kiến UBND cấp có thẩm quyền về sự hợp pháp của việc sử dụng đất đó. Căn cứ vào pháp luật của Nhà nước cần có sự phối hợp để điều tra, xác minh và tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý về đất đai. Có như vậy mới tránh được tình trạng sai sót, thiếu nhất quán trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.
- Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết tranh chấp đất đai, cần chú trọng đến việc bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết các tranh chấp đất đai nói chung và đội ngũ thẩm phán nói riêng; đồng thời cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của đội ngũ thẩm phán.