d) Phó chủ tịch UBND cấp xã
2.3. Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã của tỉnh Phú Thọ
tỉnh Phú Thọ
Ngay sau khi tái lập tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ công tác cán bộ theo đúng quy trình từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí và sử dụng cán bộ. Đối với chính quyền cấp xã, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND, nâng cao chất lượng các kỳ họp và hoạt động tiếp xúc với cử tri, tăng cường giám sát các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã, có những chủ trương cụ thể nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước của UBND và nhất là hiệu quả hoạt động của cả bộ máy chính quyền cấp xã. Trước hết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh dành sự quan tâm đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt và đội ngũ cán bộ chuyên trách (bốn chức danh chuyên môn) chính quyền cấp xã. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIV khẳng định:
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan nhà nước và chính quyền cấp dưới, nhất là chính quyền cấp xã. Chấn chỉnh phong cách làm việc, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của đội ngũ cán bộ chính quyền xã, phường, thị trấn. Quan tâm tăng cường cán bộ cho các xã, thị trấn miền núi. Tập trung củng cố chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách để cán bộ cấp xã yên tâm công tác có hiệu quả. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn
nghiệp vụ, năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ [51, tr. 76].
Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 15/5/1997 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ rõ: "Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đồng đều trên các mặt lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế cho cán bộ cơ sở". HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIV, kỳ họp thứ 3 (từ 12/8 đến 14/8/1997) đã ra nghị quyết số 09/NQ về "Tiêu chuẩn chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh", trong đó quy định: "Xã phải có quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, xây dựng bộ máy vững mạnh, hoạt động có hiệu quả theo đúng pháp luật. Đảm bảo 100% cán bộ chủ chốt được bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước. Không có cán bộ vi phạm pháp luật..." [22, tr. 4].
Căn cứ vào quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hàng năm UBND tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, trong đó đặc biệt chú ý đến đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền, sự cố gắng của các cơ quan chuyên môn cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Trong những năm qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã của tỉnh Phú Thọ đã đạt được một số kết quả. Đối với hệ đào tạo trung cấp lý luận cho cán bộ đương chức và cán bộ dự nguồn, kế cận các chức danh chủ chốt chỉ tính từ sau khi tái lập tỉnh (1-1992): Hệ tập trung tại Trường chính trị tỉnh là 217 người; hệ tại chức ở các trung tâm chính trị huyện là 435 người. Riêng đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã 100% đã bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước.
Đối với các chức danh chuyên môn như: Địa chính; Tư pháp; Tài chính - Kế toán; Văn phòng - Thống kê tỉnh đã mở được 3 lớp đào tạo dài hạn trong đó có 2 lớp trung cấp hành chính văn phòng có 133 học viên của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh (trong đó có 72 đã tốt nghiệp và 61 học viên đang theo học) và mở 1 lớp trung cấp luật có 93 học viên đang trong giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã mở các lớp bồi dưỡng cho 99,2% số Bí thư đảng ủy xã; 100% trưởng các đoàn thể; 98,1% số cán bộ giúp việc cho UBND và cho 95,6% các trưởng thôn, trưởng bản.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đi học, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành "Quy định chế độ đối với cán bộ đi học" (ban hành kèm theo Quyết định số 1843 /1999/QĐ-UB ngày 10/8/1999) trong đó quy định rõ:
Cán bộ xã đi học được hưởng nguyên mức phụ cấp sinh hoạt phí, được ngân sách cấp 100% tiền ăn, ở, tiền mua giáo trình học tập; tiền học phí, lệ phí thi, thực tập; tiền y tế phí, tiền tầu xe cho lượt đi và lượt về. Riêng đối với cán bộ là nữ đi học ngoài chế độ trợ cấp như trên còn được hưởng thêm các khoản trợ cấp khác như: Tiền trợ cấp thêm cho cán bộ nữ đi học ngắn hạn 30.000 đ/ tháng; đi học dài hạn 20.000 đ/ tháng; tiền tầu xe lượt đi và về cho cán bộ nữ có gia đình riêng các lớp ngắn hạn 1 tháng 1 lần, các lớp
dài hạn
3 tháng 1 lần; tiền gửi trẻ cho cán bộ nữ đi học có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi là 100.000 đ/ tháng.
Như vậy, cán bộ xã đi học không phải đóng bất cứ một khoản tiền nào. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cấp xã, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ "Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn". Mức sinh hoạt phí Bí thư đảng ủy xã kiêm Chủ tịch HĐND xã là 393.800đ/ tháng; Chủ tịch HĐND xã chuyên trách và Chủ tịch UBND xã là 379.200 đ/ tháng; Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND xã là 350.000 đ/ tháng.
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/4/2003 có hiệu lực từ ngày 01/7/2003 chính thức công nhận đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã là cán bộ, công chức nhà nước trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Điều này đã thực sự tạo nên sự yên tâm, phấn khởi trong công tác của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã và
đây cũng sẽ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã nâng cao trình độ, năng lực và là cơ sở để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.
Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã, Phú Thọ đã đặc biệt chú ý đến việc chọn lựa và bố trí cán bộ. Đồng thời có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền, kết hợp với việc triển khai có hiệu quả Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của HĐND, UBND và của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Với tinh thần xây dựng, nhân dân đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến chân tình, thẳng thắn, giúp đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã gần và hiểu dân hơn. Nhiều vướng mắc, tồn tại kéo dài nay đã từng bước được tháo gỡ, giải quyết. Một số vụ việc phức tạp liên quan đến công tác cán bộ đã được làm rõ. Những cán bộ vi phạm pháp luật như: Chủ tịch UBND các xã Phù Ninh, An Đạo, Hùng Lô (huyện Phù Ninh); Mai Tùng, Vô Tranh, Động Lâm (huyện Hạ Hòa); Đông Sơn (huyện Thanh Sơn)... đã được kịp thời phát hiện và xử lý kỷ luật nghiêm minh. Những xã này đã tiến hành bãi miễn Chủ tịch UBND xã trước nhiệm kỳ và tiến hành bầu Chủ tịch UBND xã mới. Việc làm này đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Từ thực trạng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã của tỉnh Phú Thọ trong những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã:
Một là: Các cấp ủy đảng từ tỉnh, huyện đến cấp xã đã có sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã, coi đây là một nhiệm vụ then chốt trong mục tiêu "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn". Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng đề án quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ cho cả một thời kỳ từ 5 năm đến 10 năm. Đồng thời hàng năm có đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, rút ra những bài học cần thiết.
Hai là: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huyện ủy; Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh và các phòng tổ chức lao động xã hội huyện, thành phố, thị xã - đây là những cơ quan tham mưu giúp cho cấp ủy Đảng, Ban Tổ chức Chính quyền UBND tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã, đánh giá hiệu quả của các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch về cán bộ, đề xuất các chế độ chính sách cán bộ phù hợp, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác.
Ba là: Tỉnh Phú Thọ đã biết gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã với việc chỉ đạo thực hiện xây dựng Đảng bộ, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh theo nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, với việc tổ chức triển khai quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Bốn là: Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp trên đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Sớm phát hiện ra những sai phạm và ngăn chặn kịp thời những sai phạm của cán bộ. Đối với những cán bộ vi phạm pháp luật đã có kết luận rõ ràng thì phải xử lý kỷ luật nghiêm minh để giữ vững lòng tin trong nhân dân.
Năm là: Cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Đồng thời có chính sách sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với các cán bộ có đức, có tài năng thực sự để họ yên tâm công tác.
Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, các cấp ủy Đảng ở cấp huyện và cấp xã đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 630/QĐ-TU ngày 16/3/2000 của Tỉnh ủy Phú Thọ "Về việc phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ ". Quyết định số 1.333/2001/QĐ-UB ngày 17/5/2001 của UBND tỉnh Phú Thọ "Về việc ban hành quy định phân cấp quản lý tổ chức và cán bộ, công chức"; quy trình xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng, điều động, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã. Song có một số lượng khá lớn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chưa bố trí được việc làm rất lãng phí. Theo báo cáo của các huyện,
thành thị hiện tại trên địa bàn có: 215 sinh viên tốt nghiệp đại học và 112 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng chưa bố trí được việc làm.
Trước thực trạng chất lượng của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã của tỉnh còn thấp, nhằm từng bước chuẩn hóa các chức danh chuyên môn nghiệp vụ ở cấp xã và tạo nguồn dự bị cho các chức danh chủ chốt ở cấp xã. Để thực hiện Nghị quyết số 17/NQ/TƯ ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn", kết luận số 330 /KL-TU ngày 24/7/2002 của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành "Đề án bố trí công tác đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại xã, phường, thị trấn". UBND tỉnh sẽ thu nhận và bố trí hết số sinh viên đã tốt nghiệp đại học và một số sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng phù hợp chức danh chuyên môn nghiệp vụ về làm việc tại xã theo nguyên tắc sử dụng:
- Ký hợp đồng bố trí công tác đối với sinh viên đã tốt nghiệp đại học và sinh viên tốt nghiệp cao đẳng phù hợp chức danh chuyên môn nghiệp vụ có đơn tình nguyện về công tác ở cấp xã, đặc biệt là các xã miền núi cao đảm nhận 1 trong 4 chức danh chuyên môn (Tài chính - Kế toán, Địa chính, Tư pháp và Văn phòng - Thống kê) hoặc làm cùng cán bộ chuyên môn của xã chưa qua đào tạo.
Đồng thời, trong Đề án cũng đưa ra phương án giải quyết đối với đối tượng cán bộ cấp xã chưa có chuyên môn nghiệp vụ:
- Đối với những cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cấp xã có tuổi đời 40 trở xuống có trình độ phổ thông trung học và tương đương thì tiếp tục cho đi học, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
- Đối với những cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cấp xã có tuổi đời trên 40, thì tiếp tục làm việc cùng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng được ký hợp đồng sử dụng, đồng thời tham gia các lớp bồi dưỡng hàng năm, đến khi đủ tuổi giải quyết chế độ thì bố trí cán bộ dự nguồn thay thế.
Vận dụng Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời về chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang như sau:
- Sinh viên tốt nghiệp đại học được hưởng phụ cấp sinh hoạt phí tương đương lương bậc 1 ngạch chuyên viên, hệ số 1,86 (trong thời gian tập sự được hưởng 85%).
- Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng được hưởng phụ cấp sinh hoạt phí tương đương lương bậc 1 ngạch cán sự, hệ số 1,46 (85% trong thời gian tập sự).
- Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng công tác tại các xã đặc biệt khó khăn và an toàn khu, các xã vùng III, ngoài phụ cấp sinh hoạt phí như trên được hỗ trợ thêm 100.000 đ/ tháng.
- Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh.
Cho đến thời điểm 01/7/2003 toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có đăng ký về nhận công tác tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, về cơ bản đã được bố trí công tác, bước đầu đã an tâm công tác.
Chương 3
Quan điểm và giải pháp nâng cao
chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở tỉnh Phú Thọ hiện nay