Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở tỉnh Phú Thọ hiện nay ppt (Trang 26 - 31)

xây dựng được những tiêu chuẩn khi lựa chọn cán bộ (kể cả cán bộ thông qua bầu cử và cán bộ thông qua xét tuyển) để sắp xếp, định biên cán bộ cấp xã theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP. Cán bộ cấp xã phải được giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tự học, tự đào tạo, đưa đi đào tạo tập trung, tại chức... cán bộ phải gần gũi với nhân dân, phải am hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Tiêu chuẩn cơ bản để lựa chọn cán bộ chính quyền cấp xã:

Một là: Cán bộ chính quyền cấp xã cần phải có trình độ học vấn, phải có kiến thức quản lý nhà nước, phải qua đào tạo hoặc bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước.

Hai là: Cán bộ chính quyền cấp xã phải trong sạch, không tham nhũng, không ăn hối lộ, chiếm đoạt của công. Đây là yếu tố phẩm chất đạo đức của người cán bộ. Cán bộ muốn xây dựng uy tín của mình thì đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian, có khi là cả một quá trình công tác lâu dài mới tạo lập được uy tín. Nhưng tự làm mất uy tín thì không cần nhiều thời gian, và khi đã làm mất uy tín rồi thì cơ hội xây dựng lại uy tín rất khó.

Ba là: Cán bộ chính quyền cấp xã trong quá trình hoạt động phải tôn trọng nhân dân, thông cảm với nhân dân, phải biết dựa vào nhân dân, phục vụ nhân dân, gần gũi với nhân dân. Mọi hoạt động của cán bộ chính quyền cấp xã có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân địa phương.

1.2.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã cấp xã

Trong bản giải trình của Bộ Chính trị tiếp thu ý kiến Trung ương về Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở đã chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém, bất cập của hệ thống chính trị ở cơ sở là do: "...chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của cơ sở, quan liêu, để một thời gian quá dài không có chính sách đồng bộ đối với cán bộ, thiếu chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cơ sở, không kịp thời bàn và đưa ra những chính sách để củng cố và tăng cường cơ sở" [20, tr. 153].

Phần đông cán bộ cấp xã có trình độ học vấn thấp. Một số cán bộ là người dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn ở tình trạng mù chữ. Một số không nhỏ cán bộ chính quyền cấp xã không được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, về pháp luật, về hành chính và kỹ năng quản lý hành chính - những kiến thức và kỹ năng phục vụ cho nghiệp vụ chính mà họ đang đảm nhận. Đối với số cán bộ chủ chốt cấp xã, sau mỗi lần bầu cử tuy có được bồi dưỡng, đào tạo nhưng các kiến thức họ thu nhận được không đầy đủ, hệ thống, vì chủ yếu là chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, và cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trong một vài năm trở lại đây, trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ cấp xã đã được nâng lên, nhưng những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực nhà nước và quản lý nhà nước, quản lý kinh tế thì rất yếu và thiếu. Hơn thế nữa, đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã lại thường biến động qua mỗi cuộc bầu cử. Đây cũng chính là lý do tạo cho người cán bộ chính quyền cấp xã không an tâm trong công tác, không có ý chí học tập nâng cao trình độ. Điều này có hạn chế rất lớn đến chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã chưa đáp ứng được với yêu cầu của công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

Trong thực tế, việc đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều mặt hạn chế. Tình trạng người cần đi học thì không đi học, không được cử đi học và không có chỗ để học; người không cần đi học lại được cử đi học, người không cần đi học thì lại bị buộc phải đi học gây ra sự lãng phí không nhỏ. Đã có khá nhiều cán bộ cấp xã học xong không bố trí được công tác, phải nghỉ việc. Ngoài lãng phí tiền của, cái lãng phí lớn nhất là mất công đào tạo mà không làm tăng được số cán bộ có trình độ học vấn đáp ứng nhu cầu xã hội đang đặt ra. Việc quản lý đào tạo cũng chưa được chặt chẽ. Đôi khi việc đào tạo không

phải vì nâng cao trình độ mà là để tìm cách nhận bằng, nhận giấy chứng nhận hợp thức hóa tiêu chuẩn cán bộ. Trong khi đó, nội dung chương trình nhìn chung vẫn nặng về lý luận chính trị và trùng lặp, chưa đi sâu vào khoa học hành chính, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế.

Bên cạnh đó, thái độ của các cán bộ được cử đi học cũng cần phải được nhìn nhận cho đúng. Cũng chính vì quan niệm công tác ở cấp xã phụ thuộc vào cơ chế Đảng cử, dân bầu không có tính ổn định lâu dài. Hầu hết các cán bộ cấp xã đều từ chối đi đào tạo, bồi dưỡng vào các thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, hoặc diễn ra Đại hội Đảng bộ và đi đào tạo tập trung dài hạn.

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã là một yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách. Nếu không đào tạo thì không thể có đội ngũ cán bộ công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH đất nước; không thể trẻ hóa được đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.

Do quan niệm chưa đúng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ cấp xã, cho rằng nếu đưa đi đào tạo khi về công tác không trúng cử thì lãng phí nên công tác đào tạo cán bộ cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Thông thường cứ chờ sau khi bầu cử xong, cán bộ cấp xã trúng cử mới được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 1998 khi có Nghị định số 09/1998/NĐ-CP quy định bốn chức danh chuyên môn, các địa phương đã quan tâm đào tạo các chức danh này, nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Hai là:Cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ cấp xã

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ cấp xã hầu như chưa gắn với việc thi tuyển, lựa chọn về chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với các chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp xã đều thông qua cơ chế: Đảng cử, dân bầu. Chính vì điều đó đã dẫn đến tình trạng, có khá đông cán bộ cấp xã chưa được đào tạo qua bất cứ một chuyên môn nào. Đó là chưa kể đến có cả cán bộ chính quyền mới có trình độ văn hóa tiểu học, trung học cơ sở. Bên cạnh đó, kết quả bầu cử phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân trí, dân cư ở địa phương. Yếu tố dòng họ trong nông thôn Việt Nam cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả bầu cử. Còn đối với cán bộ chuyên trách và không chuyên trách thì việc tuyển chọn cũng không đặt ra các tiêu chí bắt buộc là phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc được giao. Do đó, có khá đông cán bộ chuyên trách mà không có trình độ, năng lực phù hợp với đòi hỏi của nhiệm vụ được giao. Việc tuyển dụng cán bộ

cấp xã hầu như chỉ dựa vào sự nhất chí của đồng chí Bí thư Đảng ủy và đồng chí Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Với cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm như vậy, khó tránh khỏi tuyển dụng những người yếu kém về năng lực, phẩm chất dễ bị "lọt lưới" ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ.

Ba là: Chế độ, chính sách và vị thế của người cán bộ chính quyền cấp xã

Đây là một yếu tố tác động rất nhiều đến chất lượng của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Trước ngày 01/7/2003, cán bộ chính quyền cấp xã không được coi là công chức nhà nước. Mặc dù chính quyền cấp xã được Hiến pháp 1992 xác định là một cấp hành chính trong hệ thống chính quyền của Nhà nước ta. Cán bộ cấp xã không được hưởng lương trong ngân sách nhà nước và lương thì gọi là phụ cấp được lấy từ ngân sách xã ra để chi trả. Đã có nhiều trường hợp, khi ngân sách xã quá thiếu thì khoản phụ cấp của các cán bộ cấp xã bị nợ lại. Thậm chí có xã nợ phụ cấp cán bộ xã hàng năm trời mới trả. Bên cạnh đó, hoạt động của chính quyền cấp xã cũng bị xem nhẹ. Có khá nhiều xã (nhất là các xã thuộc vùng sâu, vùng xa) chỉ làm việc buổi chiều, còn buổi sáng thì tham gia lao động sản xuất cùng gia đình. Vị thế của người cán bộ cấp xã một thời gian khá dài bị xem nhẹ đã có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã. Hầu như nếu có cơ hội được đi học ở các trường chuyên nghiệp thì rất ít có người quay trở về công tác tại xã. Trong khi đó, các cán bộ cấp xã khi được cử đi học nâng cao trình độ, thì xu hướng chung là tìm mọi cách để được chuyển công tác lên cấp cao hơn như cấp huyện, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, khi thấy có cán bộ cấp xã có năng lực, công tác tốt thì huyện cũng đưa lên công tác tại huyện. Đã có khá nhiều đồng chí cán bộ cấp xã công tác rất tốt ở cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, nhưng khi được đưa lên huyện làm cán bộ huyện thì hầu như không phát huy được sở trường của mình, nhiều người lại được đưa trở về địa phương, nhưng lúc này thì uy tín của họ đã không còn được như trước nữa và hầu như cũng không phát huy được tác dụng.

Chế độ, chính sách và vị thế quá thấp của cán bộ cấp xã làm cho người cán bộ cấp xã không an tâm trong công tác, không có lòng nhiệt tình đối với công việc mà mình

được giao, không có chí tiến thủ. Đồng thời, địa bàn cấp xã không có sức hút đối với những người có năng lực, có trình độ học vấn và nhất là đối với đội ngũ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại cấp xã.

Bốn là: Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã

Đánh giá khách quan có thể nói, thời gian 10 năm sau đổi mới, đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã có bước đổi mới, tiến bộ rõ nét. Phần lớn anh chị em đều được đào tạo, bồi dưỡng; đều ở độ tuổi tương đối trẻ, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc, vì thế tình hình cơ sở tương đối ổn định. Sau đó do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhất là một thời gian dài thiếu quan tâm đến cơ sở, buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ sa sút về phẩm chất đạo đức và tinh thần, trách nhiệm; quan liêu, tham nhũng, tiêu cực phát sinh làm giảm sút chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Hàng loạt điểm nóng ở các địa phương bùng phát mà tiêu biểu nhất là sự kiện Thái Bình tháng 5/1997. Một trong những bài học kinh nghiệm từ sau sự kiện này là cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã mới nắm được thực trạng chất lượng và những biến động của đội ngũ này để xây dựng chiến lược và qui hoạch cán bộ cấp xã; kịp thời khen thưởng những thành tích, tiến bộ và xử lý những sai phạm, tạo lập lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Mặt khác, tăng cường quản lý, kiểm tra, luân chuyển cán bộ, thay thế những cán bộ yếu kém, tăng cường cán bộ có chất lượng cho những nơi phát sinh điểm nóng, mất đoàn kết nội bộ, hoặc phong trào mọi mặt đều yếu.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở tỉnh Phú Thọ hiện nay ppt (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)