Không gian rừng rậm

Một phần của tài liệu Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam (Trang 47 - 54)

Phần lớn đất đai Nam Bộ vào các thế kỷ XVII- XVIII là rừng hoang cỏ rậm, trũng thấp sình lầy, nên người lưu dân ngoài việc đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên còn phải lo chống lại các loại thú dữ, cá sấu, muỗi

mòng, rắn rết, cùng nhiều thứ bệnh tật hiểm ác… Đại bộ phận đất đai còn ở trong tình trạng sình lầy, bị ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước ngọt vào mùa khô, nhiều vùng phèn, mặn nghiêm trọng, chính là môi trường để cho nhiều loại chuột bọ, sâu bệnh phá hoại mùa màng phát triển. Nhiều câu ca dao, chuyện kể đã nói lên nỗi lo sợ của người lưu dân thời bấy giờ trước một khung cảnh thiên nhiên vô cùng lạ lẫm, bí hiểm và đầy đe dọa:

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma.

Nét hoang sơ huyền bí của nơi này đã từng in dấu trong ca dao : “Rừng thiêng nước độc, thú bầy

Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh”.

thậm chí

“Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”

Buổi đầu, khi những lưu dân đặt chân lên vùng đất này thì thiên nhiên ở đây còn rất hoang sơ, rừng hoang cỏ rậm, thú dữ hoành hành. Con người cảm thấy lạ lẫm trước một cảnh quan thiên nhiên mà ở nơi quê cha đất tổ họ chưa hề gặp phải. Rừng rậm thâm u, chướng khí mù sương, muỗi mòng đỉa vắt là nỗi ám ảnh đầu tiên của con người khi đặt chân lên mảnh đất này.

Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền,

Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh.

Sơn Nam đã cảm nhận về vùng đất này như một huyền thoại, nửa hoang sơ, huyền bí, nửa hấp dẫn, quyến rũ lạ thường. Cảnh vật hoàn toàn xa lạ, đầy bí ẩn đối với con người. Ở đó dường như chỉ có đất trời, rừng hoang và thú dữ. Đặc biệt tác giả chú ý nhiều đến vùng đất Rạch Giá - U Minh quê hương ông. Đây là một vùng đất thấp, tứ bề là rừng, thứ rừng trầm thủy men theo bờ biển chạy dài tới vịnh Xiêm La. Phía Nam là khu Rừng Sác với cây mắm, cây giá… Có nơi toàn tràm, đước, vẹt. Ven sông có dừa nước mọc chằng chịt, có nơi toàn lau sậy, ô rô, cóc kèn. Trong “Biển cỏ miền Tây ”

tác giả miêu tả “U Minh là khu vực không biên giới rõ rệt, chẳng hiểu Đông, Tây, Nam, Bắc giáp với làng nào xóm nào… U Minh còn có nghĩa là nơi tối tăm, ban ngày ánh nắng bị tán cây che khuất, vừa quá xế chiều sương mù buông xuống chẳng thấy đâu là đâu. U Minh là tên một cửa ngục ghê rợn trong Thập Điện do Diêm Vương cai quản. Xưa kia, U Minh bao gồm tận bờ biển Vịnh Xiêm La, lần hồi địa danh ấy bị thu hẹp lại, nhờ sự khai thác cần mẫn của dân tứ xứ” [Biển cỏ Miền Tây, tr.71].

Trong các tập truyện của Sơn Nam không gian sinh tồn của con người thật khốc liệt. Qua từng trang văn, hình ảnh những con sông, con rạch, cánh rừng tràm, rừng đước, mùa nước nổi, nước giựt,… như hiện lên rõ ràng trước mắt người đọc. Cái xứ sở “muỗi kêu như sáo thổi” ấy, qua sự thể hiện của Sơn Nam, đã tạo cho người đọc những ấn tượng đầu tiên về một vùng thiên nhiên hoang sơ, và dữ dội. Ông bà Cả gả con gái về rừng mà trong lòng luôn canh cánh nỗi lo lắng vì nơi ấy “khi trời sa mưa, muỗi mòng sanh sôi nảy nở gấp mười lần so vơi mùa hạn”. Bằng lòng thương yêu của một người mẹ, bà Cả lo sợ cô Út sẽ bỏ mạng ở xứ Cạnh Đền xa xôi hoặc quên mất gốc rễ nguồn cội của chính mình [Cô Út về rừng]. Có những nơi như vùng Đường Bàng, Sóc Xoài muỗi nhiều đến mức dù dùng bếp un khói cũng không đuổi hết được chỉ còn cách chống xuồng cho lẹ tay để muỗi bay theo không kịp [Ông bang cà ròn]. Người dân nơi đây xưa kia đi đâu thường mang theo bên mình những vật dụng để tránh muỗi như bếp un khói và nóp để ngủ là thế.

Cô út lấy chồng về vùng đát muỗi nhiều đến nỗi trời chưa chạng vạng đã phải vào mùng ăn cơm có khi đĩa lẫn vào rau trong bữa ăn [Cô út về rừng], không ít người trên đường lập nghiệp kiếm kế sinh nhai phải liều mình chống chọi với thú dữ [Con heo khịt] hay phải bỏ thân vì cá sấu [Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Con sấu cuối cùng] Trong Hương rừng tác giả đã miêu tả “có nơi rừng thấp lè tè, cây cối mọc so le hỗn loạn. Bùn non ngập mắt cá. Muỗi bay lợn cợn, vướng vít, dưới chân cây còn u tối” [Hương rừng Cà Mau, tập 2, tr.

276]. Có nơi chỉ toàn lau sậy, “đám lau sậy mịt mùng chạy dài như bức tường thành ” [Hương rừng Cà Mau, tập 2, tr.311] thậm chí cả ngày tán cây che kín không thấy ánh mặt trời, muỗi dậy ổ kêu vo ve. Ấy là chưa nói đến tiếng ếch nhái côn trùng. Chúng luôn luôn chực chờ để chào mừng bóng tối. Khí hậu ẩm thấp là điều kiện để muỗi mòng, rắn rít đua nhau sinh sôi nảy nở. Trong nhiều tác phẩm, Sơn Nam đã nói đến chúng như một thứ “đặc sản” của nơi này [Cô Út về rừng, Hương rừng, Miễu Bà Chúa Xứ, Tình nghĩa Giáo khoa thư, Ông Bang cà ròn…]. Không riêng gì ở Hương rừng Cà Mau, trong “Vọc nước giỡn trăng” ông cũng miêu tả: “Ở xứ khỉ ho cò gáy này mỗi năm có đến tám tháng nước mặn tràn vào kênh rạch. Khi nước bắt đầu ngọt thì muỗi bay từng bầy suốt ngày dẫu là lúc trưa nắng. Buổi chiều chạng vạng ngưới ta phải ăn cơm trong mùng, vô mùng nói chuyện vì sợ muỗi cắn. Đỉa thì nhiều đến mức bám vào rổ rửa cá, đến khi nấu canh ăn mới phát hiện.

Ngoài ra, nét hoang vu của vùng đất phương Nam còn được tác giả nhắc đến thông qua sự ngự trị của thú dữ, sấu bầy. Sấu và cọp là hai loại tượng trưng cho sức mạnh hoang dã luôn đe doạ sinh mệnh của con người. Thành ngữ “Xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp ” và “Hùm tha sấu bắt” tồn tại khá phổ biến trong lời ăn tiếng nói của nhân dân. Có lúc người đi ăn ong phải bỏ về vì cọp xuất hiện vài lần, ăn thịt người, tha luôn xác. Ông thầy Râu có con gái bị cọp vồ, Tư Ngạn bị cõng mất một con heo nái… Nhiều người chết vì đi một mình vô rừng bị chụp bất thình lình. Cũng có khi người ta coi hát ở dưới sông, hai ba ông cọp chạy dài theo bờ rạch [Hết thời oanh liệt, Hát bội giữa rừng].

Trong Hết thời oanh liệt tác giả kể: “Hồi Tây đánh nước mình, miệt Rạch Giá - Cà Mau còn hoang vu. Ngoài biển chỉ có ghe đánh lưới Hải Nam, còn trong đất liền chỉ có mấy nhóm người Triều Châu, Phước Kiến qua đây từ thời ông Mạc Cửu… kì dư có vài sóc Miên ở giữa đồng, thưa thớt lắm, có khi chèo ghe cả ngày mà không gặp người nào ” [Hương rừng Cà Mau, tập

2, tr.217]. Lau sậy mọc um tùm, sớm thì chim kêu, chiều thì vượn hú. Thỉnh thoảng có người bảo rằng đêm khuya nghe tiếng cọp rống. Bà Hai [Cô Út về rừng] nhất định không chịu gả con về xứ Cạnh Đền xa xôi bởi lẽ bà sợ con gái mình muỗi cắn bỏ thây không về được nhưng thực chất, Cô Út không bị bỏ thây vì muỗi cắn mà một mặt do cuộc sống bộn bề vất vả, mặt khác, từ Cạnh Đền - Rạch Giá ngược về Rạch Bình Thủy - Cần Thơ [quê hương Cô] đường đi xa xôi, heo hút, cách trở, phải vượt qua sông Cái lớn, qua nhiều cánh rừng già… lần hồi cô trở thành đứa con bất hiếu. Cũng vì dân cư thưa thớt, rừng rậm âm u, đồng không mông quạnh mà người mua bán phải chở đi thật xa, băng qua nhiều cánh đồng, những cánh rừng, “lắm khi họ phải chịu trần truồng nhảy xuống bùn đẩy xuồng củi xuyên qua rừng tràm hằng năm ba cây số. Đêm hôm tăm tối, họ phải nhìn hướng sao trên trời mà đi, lắm khi lạc đàng trở về xóm cũ, chờ ngày khác ”. Ấy là chưa kể đến những khó khăn vào mùa hạn. Vì “qua mùa hạn, buôn bán lậu thuế như vậy phải vác củi đi qua những khu rừng nổi tiếng có rắn và cọp” [Cô Út về rừng, Hương rừng Cà Mau, tập 2 ].

Môi trường nơi đây hoàn toàn xa lạ và bí ấn đối với con người. Thú dữ trên rừng, cá sấu dưới sông và bao nhiêu những khó khăn khác đe dọa trực tiếp đến đời sống của con người, đồng thời cũng thách thức lòng can đảm, ý chí và nghị lực của họ.

Không gian hoang dã trong truyện ngắn Sơn Nam đồng thời là một không gian kì thú đầy mê hoặc. Trong Tháng Chạp chim về, Sơn Nam cho biết: “Vùng Rạch Giá, Hà Tiên nổi danh là nơi tập họp nhiều sân chim, của trời đất dành riêng cho… Từng vùng rộng chừng mười ngàn thước vuông, tụ tập hàng vạn con chim lớn” [Hương rừng Cà Mau, tập 3, tr. 209]. Kể về sự giàu có của đặc sản rừng, nhà văn đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chẳng hạn chuyện “U Minh Thượng thiếu gì trăn. Đến mùa, trăn đực và trăn cái hội lại, mê man hưởng phút trăng mật.

Mình gặp quả tang, bắt trọn gói dễ dàng. Da trăn lột bán rất mắc, họ xuất cảng để làm bóp đầm, dây nịt” [Một chuyện khó tin] [Biển cỏ MT, tr.137 ]. Hay rừng miền Đông với cảnh “Rắn rít, chồn đèn, chuột, chim cúm núm và dân làng… ai muốn làm gì thì làm, tự do”, chưa kể “Rùa vàng, rùa quạ, rùa hôi, rùa nắp, rùa sen đủ loại” [Cấm bắt rùa] [Biển cỏ MT, tr.12- 13]. Chuyện “hát bội là cách giải trí độc nhất của người đi khai phá đất mới”, và cái kiểu rạp hát cất trên sông giữa vùng cọp beo thật ly kỳ, hy hữu: “Ai muốn coi cứ việc bơi xuồng vô vòng rào nọ.. Cọp phải bơ vơ ngồi trên rạch, sấu thì đành ngóng mỏ, ngoài vòng. Trong này, mình ngồi trên xuồng mà coi sáng đêm ăn thua. Tuồng Tàu dài lắm” [Hát bội giữa rừng, tr.207-208 ]. Ở những truyện như Hát bội giữa rừng, Hết thời

oanh liệt, ông đi xa hơn khi đưa độc giả trở về cái thuở mảnh đất

miền Tây Nam Bộ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” , thậm chí có khi “cọp ta đi dạo xuống bãi sông để tìm mồi, rủi bị kẹt đuôi trong bụi dừa nước… Rõ ràng thời ấy cọp quá lộng hành dám bỏ rừng sâu, bén mảng đến các xóm nhà sát mé sông, nơi mà chúng bị cô lập, thất thế nhứt”. Truyện [Hai cõi U Minh, ] [tập Biển cỏ Miền Tây], Sơn Nam tả cảnh ông Cai Thoại cùng anh em làm nghề đốn củi, ăn ong góp sức khẩn hoang vùng U Minh Thượng. Thời ấy, “hễ đói quá, cọp phải ăn thịt người”. Vì “con người chạy chậm dễ rượt theo, ở chỗ rậm rạp; heo rừng và nai thì nhanh chân hơn” . Vậy mà con người vẫn quyết tâm tiến vô rừng chứ không phải chạy lui, vì lẽ “thà ở với cọp còn hơn ở với Tổng Bá” [Biển cỏ Miền Tây, tr.69-73]. Trong ấn tượng của Sơn Nam, đây là xứ sở “chạy dài tới chân trời một vùng trời đất bao la không bến không bờ, ở nơi đó màu xanh của cỏ dại của lúa nối tiếp nhau khó phân biệt đâu là ruộng đâu là đất” [Vọc nước giỡn trăng, ]. Những loại cây cỏ đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long như: đước, vẹt, mắm, tràm, cóc kèn, ô rô, điên điển, lục bình,… như cùng nhau ùa vào những truyện ngắn của Sơn Nam với một vẻ đẹp vốn có của tự nhiên.

Trong truyện ngắn Chuyện rừng tràm, Sơn Nam viết: “Trên mặt nước từng chiếc lá tràm bay lả tả như bươm bướm mỏi cánh, đáp nhẹ xuống mặt nước như từ trong ngọn rạch chui ra” hay “bên bờ sông im lìm, mặt nước thẫn thờ,…bông vừng buông thõng xuống từng xâu chuỗi hường chen lấn nối tiếp nhau như bức mành mành”. Khi đọc truyện ngắn Hương rừng, cái gợi lại cho người đọc không chỉ là một câu chuyện thấm đậm tình người mà còn là một ấn tượng sâu sắc về cảnh sắc rừng tràm U Minh: “Hương rừng ngào ngạt, mùi hương xa lạ nhưng rất quen thuộc. Thằng Kìm hít mạnh để hửi cho kỹ, để nớ rõ nhưng mãi không ra. Chợt ngẩng đầu lên, nó trố mắt. Rừng cơ hồ không còn chiếc lá nào cả. Trên hàng vạn nhánh to nhánh nhỏ, bàn tay thần nào rắc hằng hà sa số đợt bông gòn, không phải riêng trước mặt mà khắp các tứ phía…. Bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt”. Trước cảnh tượng đẹp đẽ ấy, bản thân nhà văn như đã quên đi ý nghĩa của chốn U Minh xa xôi, âm u và hẻo lánh này và chợt nhận ra: “rừng sáng lạng, ai dám nói là rừng âm u”. Ấn tượng về thiên nhiên Nam Bộ trong mùa bông tràm nở trắng sông nước đã lưu lại trong trí nhớ của người đọc như một thứ xúc cảm thẩm mỹ đẹp đẽ.

Gần gũi, gắn bó với thiên nhiên nên Sơn Nam đã thấy được rằng mặc dù rừng là nơi đe doạ tính mạng con người nhưng đó cũng là nơi đã nuôi sống con người. Những rừng tràm, rừng đước, rừng mắm mọc đầy bãi biển là nguồn lợi lớn giúp cho con người có thể khai thác gỗ quí làm nhà, làm xuồng… phục vụ đời sống. Rừng còn cung cấp cho con người bao nhiêu lâm sản quí giá, bao nhiêu loại thượng cầm hạ thú khác. Đó là thế giới của những rắn, rùa, ong mật… Ông đã dựng lại nhiều hình ảnh của những buổi ăn ong, bắt rùa, rắn rất thú vị [Cái tổ ong, Con rắn ri voi, Tháng chạp chim về …].

Đặc tả khung cảnh núi rừng hoang dã trong mối quan hệ với cuộc sống con người, dụng ý nhà văn đôi khi nhằm đối lập với nền văn minh vật chất. Ở

đó, những người nông dân sống “nền “văn minh thảo mộc”, nhà cửa, giường chiếu, bàn ghế, ghe thuyền đều bằng nguyên liệu cây cỏ, chế biến ra” và “chưa chịu ảnh hưởng của văn minh Tây phương” [Một chuyện khó tin ].

Truyện ngắn của Sơn Nam, trước hết là một sự hoài niệm về vùng đất phương Nam xa xôi. Ký ức về một vùng quê hoang sơ, dữ dội, nhưng cũng đầy sức quyến rũ đã in đậm trong từng trang viết của ông. Không giống với hình ảnh Nam bộ qua tác phẩm của những người đi trước, người cùng thời và cả những cây bút trẻ miền Tây sau này, Sơn Nam đã khai thác mảng đề tài về thiên nhiên và con người Nam bộ thời đi “khai thiên lập địa” bằng một cảm hứng nhất quán và say sưa. Cảm nhận được vẻ đẹp nguyên sơ, vốn có của quê hương, ông đã thâu tóm những hình ảnh ấy vào trong sáng tác của mình như sợ chúng sẽ bị thời gian mai một.

Một phần của tài liệu Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam (Trang 47 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w