Dùng hành động và ngôn ngữ để khắc họa tính cách

Một phần của tài liệu Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam (Trang 37 - 43)

Sơn Nam ít chú ý đến việc khắc họa nội tâm phức tạp. Điều này cũng rất phù hợp với tính cách của con người Nam bộ. Họ là những người thẳng tính, bộc trực, cởi mở. Những suy tư dằn vặt trong cuộc sống chỉ thoắt đến, tồn tại trong một khoảnh khắc nào đó rồi chợt tan biến đi. Họ không giấu giếm những niềm vui nỗi buồn của riêng mình, họ ít chôn chặt trong lòng những ưu tư phiền muộn. Bằng mọi cách, họ trút hết ra bên ngoài.

Để người đọc có thể thấy được rõ nét tính cách của nhân vật, ông rất chú ý trong việc mô tả hành động và ngôn ngữ của nhân vật.

Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Hành động là những việc làm cụ thể của nhân vật trong các quan hệ ứng xử với các cá nhân vật khác nhau và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hành động được xem như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, quá trình tâm lý, quá trình tình cảm.

Qua hành động, Sơn Nam muốn để cho nhân vật của mình nói lên những suy nghĩ, tư tưởng, trạng thái diễn biến bên trong nhân vật.

Có những chi tiết được Sơn Nam sử dụng để khắc sâu tính cách nhân vật, chẳng hạn đối với ông Năm Hên trong Bắt sấu rừng U minh Hạ. Hành động qui phục cả đàn sấu dẫn về làng đủ để thể hiện sự gan dạ mưu trí, thông minh sáng tạo của ông. Thế nhưng, hình ảnh một ông lão mặc áo rách vai, tóc rối bù, mắt đỏ ngầu tay cầm bó nhang đang cháy dở quơ qua quơ lại trên đầu và một tiếng hát ảo não rùng rợn ở cuối tác phẩm là một chi tiết đã mang lại cho người đọc một ấn tượng đậm nét hơn nữa về nhân vật này. Hình ảnh có vẻ phù chú, bùa phép đó là một biểu hiện trong đời sống tâm linh của người dân Nam bộ. Hành động của ông năm Hên có thể xem là một cách để tri ân những người đã khuất.

Trong Hồn người trong ly rượu, bản chất thâm độc, dã man của hương xã Tư được tác giả khắc sâu bằng chi tiết hắn cho người giết kẻ tình địch rồi lấy máu đem pha rượu cho vợ mình uống, sau đó hắn đưa vợ đến tận nơi để chứng kiến cảnh người chết đang nằm sóng soài trên mặt đất.

Trong truyện Sông Gành Hào, ở nhân vật chú Tư Đức, ta thấy ngoài lòng tự trọng, tinh thần trọng nghĩa khinh tài, ở chú còn có điểm đáng quí khác. Nó được biểu hiện qua thái độ của chú khi đối diện với ông Rốp. Sau một đêm chú bị bắt vì chở củi lậu, ông Rốp thả chú về chờ ngày trát đòi đến đóng tiền phạt [vì đây là lần đầu tiên vi phạm], chú bảo: “Chết thì tôi chịu chứ tôi đi về. Cha con tôi không có nhà cửa gì ráo… Bởi vì tôi không có đất… tôi đã cất nhà không nhiều lần rồi mà ở không yên…” [Hương rừng Cà Mau, tập 3, tr.186].

Ngoài nhân vật chú tư Đức, Ông Mười Bạch và ông Tư Nếp, ông hương cả Bình đều là những nhân vật hành động. Sơn Nam xây dựng tính cách nhân vật trên tinh thần miêu tả lời nói và hành động của họ.

Nắm bắt được vai trò quan trọng của ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn học, Sơn Nam đã chú ý xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của mình luôn đi kèm hành động với ngôn ngữ. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, cách nói của họ luôn tương ứng với hành động họ sẽ làm. Từ đó, giúp người đọc có thể nhận ra đặc điểm về tính cách của con người Nam Bộ.

Cách nói của người dân ở một địa phương thường phản ánh những đặc trưng của môi trường mình đang sống. Nói khác đi, những cảm nhận quen thuộc của họ bao giờ cũng được thể hiện qua cách diễn đạt của mình. Với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, môi trường sông nước miệt vườn đã tạo cho họ một cách nói tương ứng. Trong điều kiện giao lưu, tiếp nhận những bản sắc độc đáo riêng từ cách nói của người dân mỗi miền, cách

nói của nhân vật trong truyện ngắn Sơn Nam nói riêng và của người Nam Bộ nói chung phần nào đẽ thể hiện được nét đặc trưng của người dân vùng sông nước. Cách đối thoại của nhân vật trong truyện ngắn Sơn Nam đã bộc lộ những nét riêng trong lối sống và cách cư xử của người dân Nam Bộ, thể hiện văn hóa vùng miền của chính họ. Ngôn ngữ nhân vật [chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại] trong truyện Sơn Nam là ngôn ngữ thường nhật của người dân Nam Bộ. Nó thể hiện được tính cách và tâm lý ứng xử của họ trong cuộc sống, đó là sự bộc trực, mộc mạc, dân dã, tính hào hiệp, trọng nghĩa.

Nhân vật của Sơn Nam thường có cách nói đi thẳng vào vấn đề, ít quanh co màu mè, ít gây sự khó hiểu chi người nghe. Trong truyện ngắn " Con sấu cuối cùng", khi biết nhân vật "tôi" vì tò mò mà đến ông Năm Hên để điều tra thủ đoạn, và ông cai tổng Hi hiểu nhầm Năm Hên vì tham hai lượng vàng trên người cô dâu mà liều mạng với cá sấu, ông Năm Hên không quanh co, nói thẳng suy nghĩ của mình:

"Cháu tưởng bác vì tham hai lượng vàng nên liều mạng cưỡi lên lưng sấu hả. Thôi mình vô nhà nói vài lời nữa rồi ai về nhà nấy. Bác ra nghề lần chót đâu

phải vì cai tổng Hi mà vì lí do khác. Nếu tiếc hai lượng vàng ổng cứ mượn thợ chài tới đó mà mò lên"[Hương rừng Cà Mau, tập 2, tr.21].

Qua cách nói đó thể hiện tính cách người Nam Bộ thẳng thắn, đơn giản, sòng phẳng không kiểu cách câu nệ. Trong truyện " Mùa len trâu", cuộc nói chuyện của hai vợ chồng chú Tư diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái:

"thím Tư hơi giận:

- Nghề gì? Chăn trâu mà cũng học nữa à? Tôi không ham cái nghề đó. - Má nó nói dỡn hay sao chớ?

Chú Tư lại vấn thuốc hỏi vợ:

- Má nó ngủ hay thức? Nãy giờ nghe không? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ rồi?

- Tôi nằm nghe đây mà. Nghe bằng lỗ tai chứ nghe bằng miệng sao mà ừ hử từng chập?

- Má nó nghe à tôi nói tới khúc nào rồi?

- Tới lúc trâu từ Ba Thê lội qua Bảy Núi"[Hương rừng Cà Mau, tập 3, tr.42] Trong đoạn đối thoại trên, ngôn ngữ nhân vật mang tính ngang hàng, ít có tôn ti, nhưng không vì thế mà thím Tư bị nhìn nhận là người phụ nữ trắc nết. Bình đẳng trong ứng xử nói năng đến bình đẳng trong cuộc sống là một đặc điểm đáng quí của con người Nam Bộ.

Kiểu ngôn ngữ nhân vật thể hiện trực tiếp qua lời nói, đặc biệt là qua đối thoại xuất hiện phổ biển trong tác phẩm của Sơn Nam. Ngôn ngữ thường đi kèm với hành động, bởi vậy thường đơn giản thẳng thừng, không màu mè kiểu cách, không có những diễn biến nội tâm phức tạp, ít có ngôn ngữ độc thoại, ít có những điều uẩn khuất giấu kín.

Hay đoạn đối thoại sau giữa thằng Lợi và con Lài trong truyện Cây huê xà: Thằng Lợi day lại cười:

- Đi đâu vậy cô hai … rắn bông súng?

- Em giống như con rắn bông súng. Còn anh, áo đen mốc như con rắn hổ đất. Cười em làm chi.

- Rắn đâu dám cười rắn. Nó vừa nói vừa nắm tay con Lài.”[ Hương rừng Cà Mau, tập 1, tr.194-195]

Cách nói của con Lài và Thằng lợi mang đậm chất dân dã, mộc mạc, không hoa mĩ, trau chuốt bằng những lời hay ý đẹp của những đôi trai gái yêu nhau. Ở truyện Con cá chết dại, Sơn Nam sử dụng những từ ngữ rất giản dị, mộc mạc trong đoạn đối thoại giữa nhân vật Hồng, người phụ nữ đã xa chồng mười năm đang ở vậy nuôi con và anh Hai Tỵ, người cũng đang trong hoàn cảnh cô đơn:

“-Anh muốn “quá giang” qua sông? -…Cô lầm rồi. Tôi mời cô lên bờ.

Huệ tức giận lên tiếng để hỗ trợ với mẹ:

- Ổng không quá giang thì mình cứ bơi tới, hơi đâu mà hỏi. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hồng không nghĩ rằng mình là kẻ đang yếu thế. Tuy “mẹ góa con côi”, nàng đã nuôi con đến khôn lớn. Nàng dám xuống miệt này để gặt lúa và làm mắm, bất chấp đường xa.

- Ủa! Bơi đi đâu lạ vậy? Tôi đâu phải ăn cướp. Tôi là đứa biết điều giàu lòng nghĩa hiệp. Đời tôi cô độc lắm. Tôi nhảy xuống rạch bây giờ! Đòi tự tử để hăm dọa kẻ giàu tình cảm chăng?Hồng mỉm cười để lộ hai má lúm đồng tiền:

- Chết đâu chết phứt đi. Lì lợm quá. Để người ta làm ăn. Hai Tỵ nói:

-Tôi nhảy xuống rạch để níu chiếc xuồng của cô. - Đủ rồi nghen! Đừng nói dai.”

Tính bộc trực thẳng thắn được thể hiện rõ trong lời nói của nhân vật Hai Tỵ, còn cô Hồng hiện lên là người phụ nữ góa chồng nhưng đứng đắn và khá đáo để trong cách nói năng đối đáp. Đoạn đối thoại còn để lại chút dư vị hài

hước hóm hỉnh qua lời nói bông đùa của nhân vật Hai Tỵ. Quả thật cách ăn nói có phần táo tợn của anh đã làm cho người khác phải để ý đến mình.

Đoạn đối thoại sau giữa Tư Bình Thủy và cặp rằng Be [Nhứt phá sơn

lâm, tr.132] lộ rõ lên tính cách của con người Nam Bộ. Khi anh Tư Bình Thủy

đang kể chuyện xứ mình và nói vài câu thơ Vân Tiên cho đám tay rìu rừng U Minh cùng nghe thì cặp rằng Be xuất hiện.

“Hắn chống xuồng từ trong rừng đi ra, hất hàm lên:

-Ê, Tư Bình Thủy nói dóc cái gì đó? Thằng này bữa nay bày đặt o mèo nữa hả? Thi phú của mày ăn nhập vào đâu?

Tư Bình Thủy trợn mắt nhìn cặp rằng Be. Hắn nhếch mép:

- Nói chơi không được hả? Tao cho mày hay: cô Mịn muốn có hạnh phúc thì hãy tìm một người giống như tao. Cô sẽ có áo bông quần lãnh.

Rồi hắn day lại nhìn cô Mịn mà cười:

Phải vậy không cô Mịn? Cưa củi làm chi mà áo rách vai, rách ngực. Người ta thấy da, thấy thịt của cô kìa…cô dòm lại coi…trắng xát.

Nhanh như chớp Tư Bình Thủy xách búa lội nước đùng đùng lại gần xuồng cặp rằng Be mà chửi:

- Ỷ làm cặp rằng hả? Đồ tục tĩu! Tao chém mày!”

Trong những trường hợp điển hình, đụng chạm đến danh dự và quyền lợi của họ, những người dân nghèo Nam Bộ như anh Tư Bình Thủy lại bộc lộ sự thẳng thắn và có những hành động rất nóng nảy. Họ không thể bằng lòng và không chịu để yên cho những kẻ ăn nói tráo trở, hành động xấc xược như tên cặp rằng Be chẳng hạn.

Thông qua những cuộc đối thoại trên, chúng ta có thể nhận ra tính cách của từng nhân vật. Họ vốn là những người hiền lành, chất phác thật thà nên nghĩ sao nói vậy, không hoa mỹ cầu kì. Bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống họ đều trút cả ra bên ngoài. Có thể nói rằng từ cách thức xưng hô, ngôn ngữ diễn đạt của họ, người đọc có thể hình dung ra một cảnh tượng

sinh động. Nhiều nhân vật trở nên sống động cũng nhờ một phần lớn ở cách nói năng, ứng phó mà tác giả đã tạo cho họ.

Một phần của tài liệu Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam (Trang 37 - 43)