Tình huống "là một trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành được qui định. Tình huống góp phần biểu lộ nội dung" [truyện ngắn những vấn đề…..tr. 110]. Nguyễn Minh Châu cho rằng tình huống chính là" một cái tình thế xảy ra chuyện, hết sức cụ thể và riêng biệt, ở đó cốt truyện và nhân vật nương tựa vào nhau để thưc hiện đắc lực tất cả ý định của tác giả"[tài liệu truyện ngắn những …tr.112]. Như vậy tình huống chỉ là một khoảnh khắc thời gian, một "lát cắt trên thân cây cổ thụ"[Nguyễn Minh Châu], nhưng ở đó cuộc sống đậm đặc nhất chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, bắt buộc con người ở vào tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, thạm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại.
Thật vậy, tình huống truyện không chỉ là yếu tố thúc đẩy cốt truyện phát triển mà như ta đã thấy nó còn như là “chất xúc tác”, là thứ nước rửa ảnh để từ đó nhà văn tái hiện rõ nét hơn tính cách, bản chất của từng nhân vật. Qua đó phần nào khái quát được bức tranh tính cách của con người trong hiện thực đời sống.
Truyện của Sơn Nam thường xoay quanh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, làng xóm, những điều mắt thấy, tai nghe. Vì vậy nó sẽ trở nên vô cùng đơn điệu, nhàm chán nếu đó chỉ là những lời kể lại một cách vô cảm. Nét đặc trưng trong những truyện ngắn của ông là bao giờ trong những câu chuyện đời thường ấy cũng có những “chi tiết phát sáng”, những tình huống rất đắt.
Trước hết, Sơn Nam đã đặt nhân vật trong các tình huống để các nhân vật tự bộc lộ bản chất, tính cách của mình. Nhân vật bị đặt trong tình huống trớ trêu buộc lòng phải giải quyết được vấn đề đặt ra trong tình huống đó. Chính trong quá trình giải quyết tình huống có vấn đề, bản chất, tính cách con người được thể hiện một cách rõ nét.
Trong truyện "Tình nghĩa giáo khoa Thư", "Bà vợ thứ mười" tình huống diễn ra đơn giản rất đời thường đó là tình huống đòi nợ nhưng chứa đựng ý nghĩa nhân si nh sâu sắc về con người và cuộc đời. Ở truyện " Tình nghĩa giáo khoa Thư", thầy phái viên báo Chim Trời từ Rạch Gía xuống miệt Hậu Giang gặp Tư Có để thu tiền nợ báo, khi gặp thầy xã trưởng, chỉ qua một câu xã gaio hỏi thăm của thầy phái viên:'' từ đây đến nhà ông Trần Văn Có gần hay xa vậy thầy", mà tên xã trưởng đã thể hiện cái tính hống hách, khinh rẽ kẻ bần cùng:" để tôi ra lệnh cho phó hương ấp đòi tên đó tới công sở. Nó thiếu tiền của nhà báo hả? Nghèo mà không biết thân. Rất bất bình trước thái độ hách dịch của xã trưởng: "thầy cố nén sự bực tức khi nghe người độc giả yêu mến của mình bị thầy xã khinh khi cho dù nghĩ đến tương lai thầy hơi buồn nghĩ đến sự thất bại về tài chính. Bằng tình huống đòi nợ tính cách các nhân vật đã được biểu hiện rõ ràng: Thầy phái viên nhân ái bộc trực, tuy không đòi được nợ nhưng có thêm được người bạn mới là con nợ cùng chí hướng nhân cách. Quan hệ giữa chủ nợ và con nợ đã trở thành người bạn tâm giao tri kỉ.
Cũng tình huống này, trong truyện "Bà vợ thứ mười" bản chất của nhân vật kẻ ác như bà cai tổng Báu bị lộ rõ với thủ đoạn bất nhân:"thằng Nậu bèn kể lể tâm sự: nó vay của bà tổng Báu mười giạ lúa với hai mươi đồng bạc để làm mùa. Năm rồi mùa màng thất bát, nó trả không nổi. Bà cai Tổng gọi nó đến làm sẵn giấy tờ cho nó mượn thêm mười giạ lúa nữa. Nó đồng ý vi dốt nát không biết đọc. Dè đâu theo giấy tờ, nó đã cam kết bán đứt phần đất hương hỏa"[Hương rừng Cà Mau, tập 1, tr.62].
Trong các truyện "Một cuộc bể dâu", "Xóm Cù Là", Sơn Nam tạo ra tình huống cái chết, qua đó tính cách từng loại nhân vật bộc lộ rõ nét. Trong truyện "Một cuộc bể dâu", tình tiết lão Bích" tắt thở trong buổi chiều tàn, trên chiếc xuồng nát, giữa cánh đồng nước mênh mông không bến bờ đã làm cho những con người xa lạ nương tựa bấu víu vào nhau. Nhân vật Tư Lập, vợ chồng Hai Tích đã nhiệt tình hết lòng giúp đỡ thằng Kìm chôn xác cha trong mùa nước lũ:" ông dở cái nón che mặt lão Bích, phun rượu kéo tay xác chết ra cho ngay ngắn. Hai chiếc nóp gói kín xác của kẻ bạc mệnh. Bà Hai vào nhà rút mười sợi dây choại, chuyền xuống. Sau rốt hai ông bà lụm khụm khiêng xuống xuồng cái thớt trên của cối xay lúa cũ"[Hương rừng Cà Mau, tập3, tr.18]. Trong hoàn cảnh ấy chiếc nóp, chiếc cối đá là thứ tài sản quý giá của những con người sống chung với thiên nhiên khắc nghiệt ở Nam Bộ vào mùa lũ và lúc này đây chúng có giá trị hơn bất cứ áo quan sơn son thiếp vàng nào vì chưa đựng tình người, tấm lòng trượng nghĩa quên thân của những con người khinh tiền tài trọng nhân nghĩa.
Ngược lại trong tác phẩm "Xóm Cù Là", qua cái chết của thầy cai tổng Hanh, bản chất của con người được bộc lộ. Gía trị đạo đức băng hoại, con người bất hiếu bất nghĩa, bị tham vọng đồng tiền che mờ nhân tính. Xác chết của cai tổng Hanh đối với con trai ông ta là miếng mồi béo bở để kiếm được số tiền lớn:"Cậu Hai tin chắc nếu quàn suốt nữa tháng thì vẫn có vô số thân bằng quyến hữu đến điếu. Tổng cộng số tiền ấy tính đổ đồng mỗi người năm đồng. Cậu Hai thấy ngoài sân nơi che rạp đã xuất hiện quá nhiều thân hào. Họ chờ đợi để phúng điếu bằng tiền bạc"[Hương rừng Cà Mau, tập 3, tr.278]. Người con kiếm tiền trên cái xác của cha đã bốc mùi:''Dường như luồng ám khí tuôn ra từng đợt. Đêm ấy quan khách chạy tán loạn. Để lâu ngày hơi độc bốc ra cả xóm mắc phải dịch"[Hương rừng Cà Mau, tập 3, tr.281].
Trong truyện "Cây huê xà", tác giả đã thành công khi xây dựng tình huống để qua đó nhân vật bộc lộ cái phàn sâu thẳm nhất trong tâm hồn mà
bình thường khó nhận biết được. Năm Điền vốn là một thầy rắn lừng danh của xóm Thuồng Luồng. Nhưng khi xuất hiện thầy Hai Rắn tài ba hơn, hắn ghen tức cảm thấy bị sĩ nhục và đã đem con gái mình làm mĩ nhân kế để dò hỏi thằng lợi con thầy Hai Rắn về toa thuốc thoa vào tay khiến rắn không cắn mà nghe lời. Bất hạnh thay cho hắn toa thuốc ăn cắp được đó vì thiếu cây huê xà nên không linh nghiệm và hắn rơi vào bi kịch gậy ông đập lưng ông:"Con Lài chết, có lẽ vì Năm Điền không tin con gái nên cho rắn cắn nó trước. Chừng thấy nó chết y buồn quá nên tự tử theo, không muốn chuyện đổ bể ra e mất thể diện với bạn đồng nghề"[Hương rừng Cà Mau, tập 1, tr.197]Đặt nhân vật trong tình huống "hùm tha sấu bắt" là một kiểu tạo thời thế để lộ diện anh hùng khi Sơn Nam khám phá phẩm chất của những con người Nam Bộ tiêu biểu như ông Tư Đức, Năm Tự.
Có những tình huống buộc nhân vật của Sơn Nam phải ở trong thế lựa chọn phức tạp giữa những toan tính thực dụng và cái tình cái nghĩa, tình huống Hoàng Mai bị mắc bệnh phong giống như sự kiểm chứng tấm lòng của Tư Lập. Chỉ trong tình huống khó khăn ngặt nghèo ấy Tư Lập mới cay đắng nhận ra "lòng người đã bị hư hỏng của chính mình"[Hương rừng Cà Mau, tập 2, tr.283]. Tình huống trong tác phẩm Mùa len trâu đặt người nông dân trước thử thách khi con trâu cả gia tài của người nông dân đang đứng trước tình cảnh chết đói . Nhưng chính trong hoạn nạn gia đình chú Tư lại càng gắn bó khăng khít. Đó là những tình huống thử thách con người qua đó con người bộc lộ những nếp nghĩ, hành động lóe sáng nhân cách.
Chương 3
Không gian Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam 3.1.Không gian hoang dã đầy thử thách
Trong Thi pháp học, khái niệm không gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ một điểm nhìn, cách nhìn.
Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện qua niệm nhất định về cuộc sống. Do đó, không thể đồng nhất không gian trong tác phẩm văn học với không gian địa lí, không gian vật lí được. “ Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận mình ở trong đó. Không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy”.
Bối cảnh Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam là thiên nhiên dữ dằn ghê rợn. Đó là cảnh "sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù u chín rụng, con thì nằm dài như chiếc thuồng luồng, con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng"[Hương rừng Cà Mau, tập 1, tr.86], nó ăn thịt cô dâu khi đoàn ghe rước dâu trên sông[Con sấu cuối cùng], nó ăn thịt người mẹ, táp cụt chân đứa con gái [Sông ghành hào], cảnh con heo khịt phá hoại mùa màng, bao nhiêu cọc tràm lung lay, ngả nghiêng trên dòng nước do mấy ông cọp nhớ tiếc những miếng mồi ngon[Hết thời oanh liệt]. Bối cảnh tự nhiên hoang dã đầy thử thách là phông nền làm nổi bật lên hình ảnh những con người Nam Bộ với một tâm thế sống đẹp. Và trong cuộc đương đầu với những thử thách hiểm nguy mà thiên nhiên tạo ra đó, con người đã chứng tỏ sự thích nghi, sự hòa đồng cao với môi trường sống.