Một đề tài nghiên cứu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu 450 đối tượng, gồm người nghiện ma túy, thân nhân của đối tượng, cán bộ chính quyền và một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn của 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng, Hà Tây, Bắc Ninh, cho kết quả:
- Về việc làm: Nhìn chung tình hình việc làm của các đối tượng là không thuận lợi, chỉ có 20% đối tượng có việc làm ổn định, 32,5% [16] có việc làm nhưng không ổn định. Các đối tượng ở thành phố, thị xã tỷ lệ có việc làm ổn định cao hơn các đối tượng ở nông thôn. Tuy nhiên, ở cả hai nhóm đối tượng, số có việc làm ổn định luôn có tỷ lệ thấp nhất (24% với đối tượng ở thành thị và 13,3% với đối tượng ở nông thôn), tiếp đến là số có việc làm không ổn định, số đối tượng không có việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất (44% và 53,3% tương ứng cho 2 nhóm đối tượng). Đa số người nghiện ma túy sau khi được chữa trị, phục hồi không có việc làm nên có nhiều khả năng tái nghiện.
Với những đối tượng có việc làm ổn định, dù ở thành phố, thị xã hay ở nông thôn, dù làm các nghề nghiệp rất khác nhau nhưng về cơ bản (85,7%) có thu nhập đủ nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, chỉ 14,3% có thu nhập đủ sống và hỗ trợ thêm gia đình. Nghề nghiệp chủ yếu của các đối tượng là công nhân ở các cơ sở sản xuất (62,5%), số còn lại làm các nghề như: xe ôm, bảo vệ, làm ruộng…[16].
- Về vị trí làm việc: hầu hết các đối tượng là người đi làm thuê (57%), một số là chủ sở hữu hoặc sở hữu một phần các công cụ, phương tiện sản xuất (14,3%). Khu vực làm việc của các đối tượng tập trung chủ yếu ở các cơ sở sản xuất tư nhân (57,1%), số làm việc ở khu vực kinh tế nhà nước, hợp tác xã chiếm tỷ lệ thấp (28,6% và 14,3%) [16].
- Về thái độ của đồng nghiệp và cảm nhận của bản thân đối tượng về nơi làm việc nói chung thể hiện xu hướng tích cực. 100% số đối tượng có việc làm ổn định cho biết đồng nghiệp không mặc cảm với họ. Bản thân đối tượng phần lớn yên tâm, tự tin với chính mình (57,1%), một tỷ lệ đáng kể (28,7%) không cảm thấy có gì đặc biệt, chỉ có một số ít (14,%) là thấy chưa tin tưởng vào chính mình và thái độ của đồng nghiệp [16].
- Về những yếu tố thuận lợi giúp đối tượng có việc làm, một tỷ lệ khá cao (42,9%) cho rằng đó là tạo được lòng tin với mọi người, hay có địa điểm tốt để làm nghề, 28,5% cho rằng phải có sức khỏe tốt [16]. Không có đối tượng nào cho rằng có nghề trong tay là yếu tố thuận lợi giúp cho họ có việc làm. Đó cũng là một trong những điểm hạn chế của đối tượng.
Kết quả khảo sát cho thấy một mâu thuẫn: đối với đối tượng nghiện ma túy, có nghề chưa chắc đã có được việc làm nếu bản thân đối tượng không có nỗ lực, cố gắng để tạo được lòng tin với mọi người, nhất là với các cơ sở có thể thu nhận lao động. Một số đối tượng không có nghề nghiệp, chỉ có lao động giản đơn hoặc có tay nghề nhưng do quá khứ mắc nghiện phần nào đã làm mất lòng tin, nhất là các cơ sở sản xuất và những chủ doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn. Đây chính là nguyên nhân vì sao mặc dù Nhà nước bước đầu đã có chính sách, chế độ ưu đãi về đầu tư cho các cơ sở sản xuất nhận các đối tượng tệ nạn xã hội vào làm việc, song trên thực tế ít có cơ sở hưởng ứng việc này.
Đa số (71,4%) đối tượng cho rằng gia đình là một yếu tố thuận lợi giúp cho đối tượng có việc làm. Chính quyền và doanh nghiệp chưa có vai trò tích cực đối với việc giải quyết việc làm cho đối tượng. Một số đối tượng (28,5%)
cho rằng được vay và được hỗ trợ vốn cũng là một yếu tố thuận lợi giúp đối tượng tự tạo việc làm ngay từ gia đình, cộng đồng [16].
Có việc làm, có thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tránh xa và từ bỏ tệ nạn xã hội của các đối tượng, từng bước tạo lập hạnh phúc gia đình. 100% đối tượng có việc làm ổn định cho rằng chính việc làm là yếu tố quan trọng giúp họ từ bỏ ma túy, việc làm giúp họ cải thiện kinh tế gia đình, giúp cho không khí gia đình được vui vẻ, đầm ấm. Đồng thời, tất cả các đối tượng này cũng cho rằng việc làm giúp cho bạn bè, người thân tin tưởng ở họ; sự mặc cảm của cộng đồng cũng sẽ giảm đi khi bản thân họ có việc làm ổn định.
Với những đối tượng không có việc làm, nguyên nhân của tình trạng này khá phân tán. Có 36,8% cho rằng không có việc làm vì chưa được học nghề, 31,6% cho rằng do không được giúp đỡ, 10,5% cho rằng do xã hội thiếu việc làm và 10,5% khác cho rằng do họ bị mặc cảm với quá khứ [16].