1. Kết luận
Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển, các quốc gia trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau hơn nhờ xu hướng đi du lịch ngày càng tăng. Ngoài các nhu cầu được vui chơi, hưởng thụ thì con người còn rất chú trọng đến cội nguồn, đến những giá trị nhân văn của dân tộc. Nó không những bồi dưỡng những kiến thức lịch sử mà còn có tác dụng tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, khắc ghi lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Hà Nam là vùng đất có tài nguyên nhân văn phong phú và đa dạng. Đây cũng là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hoá gắn liền với những biến đổi thăng trầm của lịch sử. Trong quá trình làm ăn sinh sống người dân nơi đây đã tạo nên một quần thể các di tích như đình, chùa, đền, miếu,… khang trang bề thế. Bên cạnh đó đảo Hà Nam còn là vùng đất mang những nét đặc sắc của cư dân vùng biển, những phong tục tập quán chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố biển độc đáo. Các di tích, lễ hội không chỉ chứa đựng những giá trị lịch sử sâu sắc mà nó còn là những yếu tố bảo lưu, phát triển truyền thống của làng xã, cấu thành nên yếu tố văn hoá đặc sắc mang đậm tính cộng đồng của cư dân người Việt.
Du lịch nhân văn là loại hình chiếm ưu thế nhất trên đảo hiện nay, tuy nhiên trên thực tế thì việc khai thác loại hình này để phục vụ cho phát triển du lịch lại chưa tương xứng với tiềm năng thực của nó. Hoạt động du lịch chủ yếu mới ở dạng sơ khai và thiếu quy hoạch. Sở dĩ hoạt động du lịch còn chìm lắng như vậy bởi nơi đây còn là vùng đảo nghèo, khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt. Chính vì thế để khai thác hết các giá trị tài nguyên nhân văn ở đây cho phát triển du lịch cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền địa phương và ngành du lịch trong việc bảo tồn và khôi phục các di tích, lễ hội, những phong tục tập quán gắn liền với nếp sống của cư dân vùng biển để du lịch có thể phát triển đồng bộ và bền vững hơn.